In bài viết

Tín dụng HS-SV ở Quảng Ninh thắp sáng niềm tin người nghèo

QNP – Sau 3 năm thực hiện, chương trình tín dụng sinh viên, học sinh tại Quảng Ninh (theo Quyết định 157/2007/QĐ – TTg ngày 27.9.2007 của Thủ tướng Chính phủ), chương trình đã nhận được sự đồng tình cao của dư luận xã hội. Nhờ chính sách thiết thực này, hàng ngàn HSSV trong toàn tỉnh đã được tạo điều kiện thuận lợi để đến trường.

03/08/2011 11:57

Chương trình tín dụng đối với HSSV được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 27-9-2007 nhằm tạo điều kiện cho HSSV nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập, nâng cao trình độ. Theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg, Chương trình tín dụng áp dụng cho những HSSV có hoàn cảnh khó khăn là con hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh…được UBND cấp xã xác nhận được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp với mức lãi suất là 0,5%/tháng và được hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 579/2009/QĐ-TTg ngày 6/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với các khoản vay tại NHCSXH.

Sau 3 năm thực hiện, chương trình tín dụng HSSV tại Quảng Ninh đã nhận được sự đồng tình cao của dư luận xã hội. Với những ưu điểm nổi bật, sau 3 năm thực hiện, đối tượng thụ hưởng, nguồn vốn cho vay HSSV trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Chương trình đã giúp cho hàng ngàn HSSV có hoàn cảnh khó khăn yên tâm học tập nhờ được hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu sự nghiệp giáo dục Quốc gia trên địa bàn.

Nhận thức đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của Chính phủ nhằm hỗ trợ bằng nguồn vốn vay cho HSSV, các gia đình chính sách có đủ kinh phí học tập, các ban nganh, đoàn thể của tỉnh đã phối hợp với NHCSXH tỉnh đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chủ trương, chính sách tín dụng trên các cơ quan báo chí; phối hợp với các tổ chức đoàn thể in tờ rơi và phổ biến chính sách đến cơ sở (thôn, bản). Phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến tận tay hộ gia đình HSSV vào đầu kỳ học, không để vốn bị tồn đọng, lãng phí.

Tỉnh đã tổ chức tốt hoạt động giao dịch tại các điểm giao dịch, một số điểm giao dịch thực hiện tăng số lần giao dịch trong tháng từ 2-3 lần để kịp thời giải ngân vốn cho vay không để hồ sơ tồn đọng; cung cấp đầy đủ ấn chỉ cho các hộ vay, nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ vay vốn để giải ngân cho vay kịp thời; phát hành thẻ Lập nghiệp (miễn phí) cho HSSV… Từ đó, tỉnh đã giúp cho gia đình có con em đi học giảm thiểu được chi phí chuyển tiền, tăng cường quản lý chi tiêu an toàn, tiết kiệm của HSSV.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho HSSV trong quá trình tiếp cận với chương trình tín dụng, tỉnh đã chỉ đạo niêm yết công khai chủ trương chính sách tại các điểm giao dịch; giải đáp và xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh từ cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện chính sách cho vay như: đối tượng vay vốn, điều kiện vay vốn, thủ tục vay... Nhờ đó, những HSSV đủ điều kiện vay được đáp ứng kịp thời, phục vụ nhu cầu học tập của các em.

Sau 3 năm triển khai chương trình trên địa bàn tỉnh, chương trình tín dụng HSSV đạt mục tiêu đề ra, giúp cho hàng ngàn HSSV được vay vốn để theo học, chưa để một HSSV nào phải bỏ học do khó khăn về tài chính. Đặc biệt, tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhiều HSSV là con em hộ gia đình nghèo, gia đình hộ dân tộc thiểu số, sau khi tốt nghiệp phổ thông không có điều kiện theo học tại các trường đại học, cao đẳng có nguyện vọng đi theo con đường học nghề để tiến thân, lập nghiệp, đã được thụ hưởng nguồn vốn ưu đãi, giúp các em thực hiện được nguyện vọng của mình, tạo cho xã hội có thêm một đội ngũ thợ lành nghề, được đào tạo bài bản, tạo công ăn việc làm, giải quyết tình trạng lao động thất nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH tại địa phương, giải quyết chính sách xóa đói, giảm nghèo.

sinh-vien-nghe.jpg

Trong những năm qua, hàng ngàn HSSV của tỉnh đã được đi học nhờ chương trình vay vốn tín dụng

Tính đến tháng 12-2010, Quảng Ninh đã có gần 17.000 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn cho con em theo học tại các cơ sở đào tạo được tạo điều kiện vay vốn với tổng số dư nợ là 200 tỷ đồng. Trong đó, HSSV học đại học và cao đẳng được vay 165 tỷ đồng, với trên 12.000 HSSV, chiếm 73,8 %; HSSV học trung cấp là 43,4 tỷ đồng, với trên 4.000 HSSV, chiếm 22,6 %; HSSV học nghề trên 01 năm là 5,7 tỷ đồng, với 595 HSSV, chiếm 3,5 %; HSSV học nghề dưới 01 năm là 13 triệu đồng, với 2 HSSV, chiếm 0,01 % tổng số HSSV vay vốn.

Đối tượng HSSV hộ nghèo được vay tín dụng theo chương trình có hơn 6.000 hộ, số tiền vay là trên 76 tỷ đồng, chiếm 36% tổng dư nợ; gia đình cận nghèo là hơn 2.600 hộ, số tiền vay 33 tỷ đồng chiếm 15,4 %; gia đình khó khăn là trên 8.000 hộ vay, số tiền vay 105 tỷ đồng chiếm 49 %; 5 HSSV là con mồ côi không nơi nương tựa với số tiền vay là 72 triệu đồng chiếm 0,03 % tổng dư nợ.

Nếu như vào năm 2007, doanh số cho vay của chương trình tín dụng cho HSSV là 21 tỷ đồng với 3.346 lượt HSSV vay vốn thì con số này vào năm 2010 đã lên tới 74 tỷ đồng với trên 9.000 lượt HSSV vay vốn.

Thêm một tin vui cho đông đảo phụ huynh HSSV, nhất là những gia đình nông dân hộ nghèo và cận nghèo, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 853/QĐ-TTg về việc điều chỉnh mức cho vay và lãi suất cho vay đối với HSSV áp dụng từ 1-8-2011. Cụ thể, mức tối đa cho HSSV vay sẽ nâng từ 900.000 đồng lên 1.000.000 đồng/tháng. Cùng với đó, lãi suất cho vay cũng nâng từ 0,5% lên 0,65%/tháng.

Có thể khẳng định, chương trình tín dụng đối với HSSV thời gian qua đã có tác động sâu sắc về nhiều mặt chính trị, kinh tế, xã hội; hợp với ý Đảng, lòng dân, được đông đảo đồng bào các dân tộc trong tỉnh nhiệt tình hưởng ứng. Chương trình đã huy động được sức mạnh của cả xã hội, của cả cộng đồng thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước giúp các em HSSV trong diện khó khăn có điều kiện học tập, nâng cao nhận thức, tạo việc làm, tạo sự bình đẳng trong đào tạo; từ đó phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho cả nước nói chung và cho tỉnh nhà nói riêng. Trên cơ sở những thành công bước đầu đã đạt được, trong thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục tăng cường quan tâm, chỉ đạo, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, triển khai thực hiện Chương trình tín dụng đối với HSSVcủa tỉnh một cách hiệu quả, dân chủ, công bằng và rộng khắp./.