In bài viết

Tín dụng thúc đẩy 'Tam nông' phát triển nhanh và bền vững

(Chinhphu.vn) - Ngày 9/10, tại Hà Nội, Tạp chí Ngân hàng phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Giải pháp tài chính, tín dụng thúc đẩy "Tam nông" phát triển nhanh và bền vững.

09/10/2024 20:40
Tín dụng thúc đẩy 'Tam  nông' phát triển nhanh và bền vững- Ảnh 1.

Giải pháp tài chính, tín dụng thúc đẩy "Tam nông" phát triển nhanh và bền vững - Ảnh: VGP/HT

Ngân hàng tích cực ‘ưu tiên’ trụ đỡ nền kinh tế

Tại Việt Nam, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân và là vấn đề chiến lược luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Ngân hàng cho biết, bám sát các chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong những năm qua, ngành ngân hàng luôn xác định "tam nông" là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng và đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tăng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng đối với lĩnh vực này. NHNN đã thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện mở rộng tín dụng và khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của các tổ chức, cá nhân trong mọi lĩnh vực ngành, nghề, trong đó có lĩnh vực "tam nông".

Tín dụng thúc đẩy 'Tam  nông' phát triển nhanh và bền vững- Ảnh 2.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN phát biểu - Ảnh: VGP/HT

NHNN đã tích cực sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng để tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, như quy định chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND thấp hơn (đến đầu năm 2024 là 4%/năm) đối với các lĩnh vực ưu tiên, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; có chính sách khuyến khích TCTD giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc, giảm hệ số rủi ro đối với các khoản vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hoặc đầu tư vào lĩnh vực này thông qua tái cấp vốn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, tín dụng lĩnh vực "Tam nông" còn gặp không ít khó khăn như: Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều yếu kém, tiếp tục là thách thức lớn để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trong quá trình phát triển, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc; chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Mặt khác, phần lớn nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, còn thiếu liên kết trong các khâu sản xuất…

Giải pháp đồng bộ thúc đẩy tín dụng tam nông

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, đến nay, đã có trên 90 tổ chức tín dụng (TCTD) và gần 1.100 Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) tham gia cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Mạng lưới TCTD không ngừng được mở rộng đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để giúp người dân tại các vùng kinh tế khó khăn tiếp cận được nguồn vốn vay, dịch vụ ngân hàng để phát triển.

Đầu tư tín dụng đã đảm bảo đáp ứng được các nhu cầu sản xuất nông nghiệp từ sản xuất đến thu mua chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đến nhu cầu cho tiêu dùng của người dân tại khu vực nông thôn; trong đó, tỷ trọng cho vay phục vụ thu mua, chế biến, bảo quản tiêu thụ nông lâm thuỷ sản, phục vụ công nghiệp, thương mại, cung ứng dịch vụ phi nông nghiệp và tiêu dùng trên địa bàn nông thôn có xu hướng tăng.

Tín dụng đối với nhóm ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực có tỷ trọng tăng dần qua các năm...

Đến cuối năm 2023 vốn tín dụng thực hiện Chương trình đạt 1,9 triệu tỷ đồng, vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ (giai đoạn 2021-2025).

Bà Hà Thu Giang nhấn mạnh để triển khai hiệu quả chính sách tín dụng cho nông nghiệp, cần có sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương với các giải pháp cụ thể. Trong đó, đặc biệt lưu tâm đến chính sách bảo hiểm nông nghiệp thông qua việc mở rộng đối tượng và hỗ trợ phí bảo hiểm cho nông dân canh tác diện tích lớn, ở vùng thường gặp thiên tai; tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp phát triển sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp..

Ngoài ra, cũng cần xem xét ban hành, cập nhật định mức kinh tế kỹ thuật đối với cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy hoạch nông nghiệp gắn với kinh tế địa phương, hoàn thiện hướng dẫn Luật đất đai 2024, đẩy nhanh cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tập trung đất cho sản xuất quy mô lớn...

Ông Hoàng Minh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết: Agribank luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế đất nước, giữ vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển "Tam nông", tỉ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong các năm qua luôn chiếm trên 60% tổng dư nợ cho vay. Vốn tín dụng Agribank đã phủ kín đến 100% số xã trên cả nước, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp...

Tín dụng thúc đẩy 'Tam  nông' phát triển nhanh và bền vững- Ảnh 3.

Ông Hoàng Minh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Agribank trao đổi ý kiến - Ảnh: VGP/HT

Để thúc đẩy "Tam nông" phát triển nhanh và bền vững, ông Hoàng Minh Ngọc đề nghị các cơ quan quản lý cần xem xét xây dựng các chương trình tín dụng chính sách theo hướng tách bạch tín dụng chính sách và tín dụng thương mại, tránh tư tưởng ỷ lại vào vốn ngân sách Nhà nước, tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng hưởng lợi; chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tạo thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm của khu vực nông nghiệp, nông thôn; có cơ chế xử lý nợ đối với khoản vay không có tài sản bảo đảm theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP.

Đối với các địa phương, ông Hoàng Minh Ngọc đề nghị các địa phương có giải pháp hỗ trợ việc thành lập và phát triển mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong các khâu của quá trình sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; hỗ trợ phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, các cấp, phối hợp chặt chẽ hơn nữa để kết hợp lồng ghép, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến các hộ nông dân từ đó giúp hộ sản xuất kinh doanh sử dụng vốn vay có hiệu quả…

Tín dụng thúc đẩy 'Tam  nông' phát triển nhanh và bền vững- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trao đổi ý kiến tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT

Còn ông Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phân tích: Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở khu vực nông thôn, nhất là vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo. Để tín dụng chính sách đạt hiệu quả cao, ông Nguyễn Đức Hải kiến nghị, cần tăng cường lồng ghép có hiệu quả giữa việc cho vay vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, đào tạo nghề, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Khuyến khích các địa phương cho vay ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện các nội dung của Chương trình đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định của pháp luật.

Trước những khó khăn trong hoạt động hỗ trợ cho lĩnh vực "tam nông", ông Vũ Duy Hưng, Phó Trưởng ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân Việt Nam kiến nghị Chính phủ tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn lớn hơn, thời gian vay dài hơn với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích ngành Ngân hàng tập trung cung cấp tín dụng khu vực nông nghiệp, nông thôn; tạo môi trường thu hút các ngân hàng mở rộng thêm nhiều địa điểm giao dịch phục vụ cung cấp tín dụng cho người dân.

Anh Minh