In bài viết

Tin tưởng bổ sung nhiệm vụ cho lực lượng công an xã

(Chinhphu.vn) - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí khẳng định công an xã được tăng cường lực lượng chính quy và năng lực chuyên môn nhằm phát huy năng lực và nguồn lực ở cơ sở. Công an xã làm tốt sẽ giảm áp lực cho công an huyện hiện đang quá tải.

25/10/2021 11:38

Quốc thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tiếp tục Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, sáng 25/10, Quốc thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Hai nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận là việc bổ sung trách nhiệm cho công an xã trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và bổ sung quy định vì lý do bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh) có thể tạm đình chỉ giải quyết tin báo tố giác tội phạm, tạm đình chỉ truy tố, đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án…

Có thể tin tưởng giao thêm nhiệm vụ cho công an xã

Là đại biểu Quốc hội đầu tiên phát biểu, Đại tá Nguyễn Tiến Nam (Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình) khẳng định: Sửa đổi, bổ sung 6 điều của Bộ luật Tố tụng hình sự lần này là cần thiết, cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn bất cập trong thực tiễn thực hiện chính sách pháp luật về tố tụng hình sự và đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công tác điều tra, xử lý tội phạm trong lộ trình hội nhập.

Việc bổ sung nhiệm vụ cho công an xã trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, theo Đại tá Nguyễn Tiến Nam là hết sức cần thiết, phù hợp với hệ thống tổ chức bộ máy của lực lượng công an nhân dân và đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Dẫn Luật Công an nhân dân năm 2018, Đại tá Nguyễn Tiến Nam cho biết, công an xã là một cấp trong bộ máy của công an nhân dân, có vị trí vai trò rất quan trọng trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm.

“Đây là lực lượng thường trực gần dân nhất để nắm, tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm từ nhân dân, luôn có mặt nhanh nhất, kịp thời nhất khi có vụ việc liên quan đến an ninh trật tự xảy ra ở cơ sở; kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm cũng như hậu quả của tội phạm, tiến hành các hoạt động theo thẩm quyền để bảo vệ hiện trường, tài liệu, vật chứng, phối hợp truy bắt tội phạm”, Giám đốc Công an Quảng Bình phân tích.

Hơn nữa, ông cho biết hiện nay, 100% xã được bố trí công an chính quy với khoảng 45.000 cán bộ, chiến sĩ. Trong đó có trên 50% có trình độ đại học, gần 22% từng công tác tại các đội điều tra công an cấp huyện, trên 71% từng làm công tác điều tra hoặc liên quan đến công tác điều tra hình sự.

Đại tá Nguyễn Tiến Nam khẳng định nhân lực của công an xã rất lớn, đủ khả năng đáp ứng cho việc bổ sung nhiệm vụ về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm tương đương với công an phường, thị trấn. Thực tế thời gian qua dù có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, công an xã đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở cơ sở. Vì vậy, việc bổ sung nhiệm vụ này là cần thiết, đúng đắn, hoàn toàn có thể tin tưởng giao nhiệm vụ này cho công an xã.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) cũng cho rằng việc sửa đổi quy định, bổ sung trách nhiệm cho công an xã trong tiếp nhận tố giác tin báo về tội phạm là cần thiết, phù hợp với vai trò, vị trí của công an xã chính quy đã được thiết lập. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn về thời điểm sửa đổi, bổ sung trách nhiệm cho công an xã tại thời điểm này tại dự thảo theo trình tự rút gọn vì đây là quy định mới, cần được xem xét, đánh giá đầy đủ theo trình tự xây dựng luật thông thường.

Dẫn chứng thực tế, lực lượng công an xã chính quy mới được thiết lập đối với các tỉnh miền núi như Cao Bằng, cơ bản các xã được bố trí khoảng 5 cán bộ, chiến sĩ công an nhưng thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, trực tiếp làm việc với nhân dân. Đồng thời các địa bàn này lại rộng, giao thông đi lại khó khăn, có những xã đi xuống các xóm phải đi bộ 2-3 tiếng. Bên cạnh đó, mỗi đồng chí công an chính quy được đưa về xã có nghiệp vụ chuyên môn khác nhau, có đồng chí thuộc khối an ninh, có người thuộc khối cảnh sát, nghiệp vụ không đồng đều, được đào tạo khác nhau nên việc giao thêm nhiệm vụ mới cần xem xét, đánh giá kỹ về năng lực cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm tính khả thi.

“Thậm chí nếu sau đánh giá nhận thấy chưa đáp ứng được ngay, cần có lộ trình thực hiện về đào tạo, tập huấn cán bộ, trang bị cơ sở vật chất”, bà An góp ý.

Từ phân tích đã nêu, nữ đại biểu cho rằng cần nghiên cứu lại quy định bổ sung trách nhiệm cho công an xã theo trình tự rút gọn và có hiệu lực ngay nếu được thông qua.

Giơ biển xin tranh luận, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đề nghị Bộ Công an giải trình, tính toán về số lượng nhân sự, khả năng chuyên môn của công an xã và các điều kiện cần thiết khác.

“Chúng ta có hàng chục nghìn xã, nhưng chỉ cần vài xã, vài người thực hiện không tốt thì dư luận sẽ quan tâm ngay và có thể gây ảnh hưởng rất lớn”, ông Thịnh đồng tình chủ trương nhưng đề nghị chuẩn bị thêm các điều kiện khác.

Đại tá Nguyễn Tiến Nam (Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình) phát biểu trực tuyến. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhiều vụ án không thể tiến hành vì lý do bất khả kháng

Góp ý về việc bổ sung quy định có thể tạm đình chỉ giải quyết tin báo tố giác tội phạm, tạm đình chỉ truy tố, đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án vì lý do bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh), Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình nhìn nhận đây là quyết định đúng đắn, kịp thời, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong tố tụng hình sự.

Thực tế vừa qua, thiên tai, mưa bão, lũ lụt gây hậu quả nặng nề ở nhiều tỉnh, thành phố. Và đặc biệt, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa, cách ly tập trung dẫn đến một số hoạt động tố tụng bị gián đoạn, kéo dài.

“Đây là những sự kiện bất khả kháng do khách quan quyết định. Nếu không bổ sung kịp thời quy định này sẽ rất khó khăn cho các cơ quan thi hành tố tụng, thậm chí có thể vi phạm pháp luật”, Đại tá Nguyễn Tiến Nam nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng nhìn nhận thực tế tình hình thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội như vừa qua, việc khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ việc, vụ án hình sự gặp khó khăn, bị trì hoãn do không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng.

Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng hình sự không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Điều này dẫn đến vụ án, vụ việc không có cách giải quyết tiếp theo đúng quy định của pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết trong giai đoạn điều tra, nếu hết thời hạn điều tra mà không thể hoàn thiện được hồ sơ và thực hiện đầy đủ các hoạt động tố tụng theo luật định để chứng minh bị can đã thực hiện tội phạm thì sẽ phải đình chỉ điều tra. Điều này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, phải xem xét trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thậm chí là xử lý trách nhiệm hình sự đối với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, giảm sút lòng tin trong nhân dân. Trong khi việc này không phải do lỗi chủ quan từ phía các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Dự báo trong thời gian tới, Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới sẽ còn phải chịu những tác động khó lường do biến đổi cực đoan của khí hậu và tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp do chưa kiểm soát được đại dịch COVID-19 và nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh khác nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao hơn. Do đó, Đại biểu Quốc hội khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị cân nhắc thận trọng áp dụng với từng trường hợp cụ thể.

Công an xã làm tốt sẽ giảm áp lực cho công an huyện hiện đang quá tải

Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí khẳng định, công an xã tăng cường lực lượng chính quy và năng lực chuyên môn có thể đáp ứng yêu cầu. Việc bổ sung nhiệm vụ nhằm phát huy năng lực và nguồn lực ở cơ sở, công an xã làm tốt thì giảm áp lực cho công an huyện hiện đang quá tải.

“Dịch bệnh tác động đời sống xã hội phát sinh nhiều vấn đề, trong đó có tình hình tội phạm. Việc tăng cường ở cơ sở bảo đảm giải quyết ngay vấn đề phát sinh, bảo đảm an ninh trật tự cả trước mắt và lâu dài”, ông Lê Minh Trí nói.

Trước băn khoăn của đại biểu về năng lực của lực lượng công an xã, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng so với trước kia đã có chuyển biến nhiều, song cần quan tâm hơn, nhất là về đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, công an huyện sẽ có biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát chặt chẽ lực lượng công an xã, bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật.

Hải Liên