In bài viết

Tinh gọn đầu mối để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả

(Chinhphu.vn) – Thực hiện công tác tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhiều địa phương đã bắt tay triển khai với phương châm tinh gọn đầu mối để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

19/01/2018 10:14

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long vừa ban hành Chương trình hành động (số 22) nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 18 Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Nghị quyết số 18).

Theo đó, tỉnh Vĩnh Long sẽ thực hiện nhất quán nguyên tắc “một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”. Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Mục tiêu của chương trình từ nay đến năm 2021 là hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức phòng, ban trực thuộc và các đầu mối bên trong của các sở, ngành cấp tỉnh, huyện theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó.

Dẫn lời Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Thành Thế, Báo Vĩnh Long cho hay tới đây tỉnh sẽ sắp xếp, thu gọn các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng ấp- khóm. Tinh giản 10% biên chế so với năm 2015 theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Theo lộ trình đến năm 2020, Vĩnh Long thực hiện chức danh Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch UBMTTQ cấp tỉnh, cấp huyện; thực hiện chức danh Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện- thị- thành; hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND, UBND cấp huyện. Thực hiện thí điểm việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan của Đảng và nhà nước như: Tổ chức- nội vụ; kiểm tra- thanh tra; cơ quan Đảng và UBMTTQ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có điều kiện. Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND các cấp; thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã ở những nơi có điều kiện…

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), trong năm 2018, Thành phố sẽ thực hiện quyết liệt, không ngại va chạm trong công tác tổ chức lại bộ máy, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đây là lời khẳng định của Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Lê Văn Làm trên Báo SGGP.

Theo ông Lê Văn Làm, song song với việc triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Thành phố còn triển khai Nghị quyết số 18 về sắp xếp, tổ chức bộ máy.

Ông Lê Văn Làm nhấn mạnh việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là yêu cầu cấp bách. Nghị quyết 39-NQ/TW (năm 2015) về tinh giản biên chế cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nghị định 108/2014 về chính sách tinh giản biên chế đã xác định rõ lộ trình 2015-2021 phải giảm 10% biên chế. Nghị quyết của Quốc hội cho phép Thành phố thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù chỉ trong một thời gian ngắn. Kế hoạch của UBND Thành phố triển khai nghị quyết của Quốc hội cũng phân định rõ thời gian thực hiện với yêu cầu thực hiện có hiệu quả. Do đó, thực hiện công tác này không thể hô hào suông mà phải quyết liệt và không ngại va chạm.

Để thực hiện có hiệu quả sắp xếp lại tổ chức bộ máy, lãnh đạo TPHCM còn nêu rõ biện pháp chế tài đối với người đứng đầu không triển khai thực hiện nghiêm túc. Theo đó, đơn vị nào không làm tốt thì cuối năm khi đánh giá người đứng đầu không thể là người hoàn thành nhiệm vụ.

Thanh Xuân