Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Thưa ông, với tình hình ATGT được cải thiện trong 6 tháng đầu năm, khi tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí, liệu kết quả này có mang tính bền vững?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Kết quả nói trên cho thấy, mức giảm mạnh của hầu hết các tiêu chí cơ bản.
Nhìn vào các con số thấy thật đáng mừng, nhưng nếu chúng ta hài lòng với nó mà lơi lỏng trong 6 tháng cuối năm, chắc chắn sẽ không đạt được mục tiêu đặt ra. Lý do là vì 3 tháng gần đây, số vụ tai nạn giao thông của tháng sau lại tăng cao hơn tháng trước.
Do vậy, đòi hỏi các địa phương cần nỗ lực vào cuộc hơn rất nhiều mới bảo đảm được yếu tố bền vững trong giảm thiểu tai nạn giao thông.
Báo cáo của Ủy ban ATGTQG cho biết, ùn tắc giao thông kéo dài đã giảm trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiên, khi phân tích về các nguyên nhân gây ùn tắc thì có tới 57,1% chủ yếu do tai nạn giao thông gây ra, giải pháp để giải quyết vấn đề này tới đây ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Đúng là 6 tháng đầu năm, trong khi ở hai thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, số vụ ùn tắc giao thông có thời gian kéo dài trên 30 phút giảm, thì ở một số địa phương lại tăng như: Thừa Thiên - Huế 34 vụ, Thanh Hóa 28 vụ, Yên Bái 24 vụ…
Nguyên nhân chủ yếu do hạ tầng trên một số tuyến quốc lộ, đặc biệt quốc lộ 1, quốc lộ 70 đang thi công và thi công dở dang, các đơn vị thi công chưa có biện pháp đảm bảo giao thông thông suốt cũng như bảo đảm ATGT. Vì thế, đã để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Tôi cho rằng đây là nguyên nhân chủ yếu
Nguyên nhân thứ hai gây ùn tắc là do va chạm, đặc biệt va chạm giữa xe khách, xe tải, xe container, đã gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng dẫn đến ùn tắc kéo dài trên các tuyến đường độc đạo.
Để giải quyết bài toán này, trong 6 tháng cuối năm Bộ Giao thông vận tải sẽ sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị thi công phải đảm bảo ATGT và phương án phân luồng giao thông tại các công trình đang thi công. Đồng thời, tập trung vào kiểm tra thiết bị giám sát hành trình của xe khách và xe container, nếu điều hành tốt chắc chắn ùn tắc giao thông sẽ giảm đi nhiều.
Trong 6 tháng qua, tình trạng chống người thi hành công vụ vẫn tiếp tục có xu hướng gia tăng (27 vụ, tăng 3 vụ), theo ông, có phải do việc xử lý hành vi này vẫn chưa đủ tính răn đe nghiêm khắc?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Tình trạng chống người thi hành công vụ đúng là có tăng (trong khi ở TP Hồ Chí Minh giảm, Hà Nội lại tăng, mặc dù Công an TP Hà Nội có thành lập tổ công tác 141 và 142 làm việc rất quyết liệt, hiệu quả). Ở đây, chúng tôi không cho rằng do chế tài xử phạt chưa nghiêm, khi đã có hành vi chống người thi hành công vụ chắc chắn 100% đều bị khởi tố. Lý do chính là nhiều người vi phạm không kiểm soát được hành vi của mình do sử dụng rượu, bia quá mức cho phép. Vì vậy, tới đây chúng ta cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền không uống rượu bia khi tham gia giao thông
Có ý kiến đề nghị cần có khuyến cáo hạn chế uống rượu bia ngay trên các sản phẩm rượu bia hay tại cửa hàng bán rượu bia nhằm hạn chế các hành vi vi phạm giao thông. Xin ông cho biết quan điểm của mình?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Quốc hội mới đây cũng đã thông qua Luật Phòng chống thuốc lá với nhiều giải pháp cụ thể như: không bán cho người dưới 18 tuổi, dán cảnh báo sức khoẻ lên bao bì sản phẩm… Chúng tôi hy vọng sắp tới Quốc hội cũng sẽ bàn đến giải pháp về phòng chống rượu bia khi tham gia giao thông quyết liệt như phòng chống thuốc lá, trong đó cấm trẻ em dưới 18 tuổi uống bia, rượu, các sản phẩm bia rượu cũng phải có hình thức thông báo đến người sử dụng trên bao bì và vận động các quán kinh doanh rượu, bia có khuyến cáo người tiêu dùng không uống rượu bia khi tham gia giao thông cũng như hậu quả có thể xảy ra.
Thưa ông, có 44 tỉnh, thành phố giảm cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông, đặc biệt 3 tỉnh (Ninh Thuận, Kiên Giang, Phú Thọ) có tỷ lệ người chết vì tai nạn giao thông giảm 40-50%, theo ông các giải pháp của những tỉnh này có điểm gì đặc biệt và đối với 8 tỉnh có lượng người chết do tai nạn giao thông tăng cao tới đây có biện pháp gì xử lý?
Kết quả giảm nhiều hay giảm ít các tiêu chí về tai nạn giao thông phụ thuộc nhiều vào yếu tố, những tỉnh giảm nhiều ngoài nỗ lực cố gắng tuần tra kiểm soát cao, hệ thống chính trị vào cuộc thì còn có yếu tố hạ tầng giao thông được cải thiện. Một số tỉnh hệ thống hạ tầng đang sửa chữa, tai nạn có tăng lên chứ không đơn thuần do khâu tuần tra kiểm soát lỏng lẻo.
Còn với những tỉnh mà trong 6 tháng đầu năm có số vụ tai nạn giao thông tăng, chắc chắn sẽ có nhắc nhở, phê bình các địa phương. Ngoài ra, Ủy ban ATGTQG sẽ tổ chức đoàn kiểm tra và làm việc trực tiếp với các địa phương này.
Được biết, Ủy ban ATGTQG lấy ngày 18/11 là "Ngày tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng vì tai nạn giao thông", ý nghĩa của sự kiện này là gì, thưa ông?
Cách đây 10 năm, LHQ lấy ngày Chủ nhật thứ 3 của tháng 11 hàng năm là ngày tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông. Ở Việt Nam, năm 2011, chúng ta mới thử nghiệm ở phạm vi nhỏ tại TP Hồ Chí Minh, dự kiến năm 2012 sẽ làm đồng loạt trên cả nước.
Mục tiêu của hoạt động này thông qua ngày tưởng niệm nạn nhân để cảnh báo những người tham gia giao thông và toàn xã hội về hậu quả của tai nạn giao thông, qua đó nhằm tuyên truyền ý thức cho người dân nâng cao hơn nữa về ATGT.
Cũng trong ngày 18/11, Ủy ban ATGTQG sẽ ra mắt Quỹ Hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông với mong muốn có một hình thức hỗ trợ những người không may mắn, những gia đình gặp khó khăn do tai nạn giao thông.
Xin trân trọng cám ơn ông về cuộc trao đổi này.
Mời xem vấn đề liên quan:
>> Sơ kết 6 tháng công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông
>> Bài học kinh nghiệm về đảm bảo TTATGT từ An Giang, Đà Nẵng
Quỳnh Hoa thực hiện