In bài viết

Tình hình KTXH thể hiện rõ dấu ấn điều hành của Chính phủ

(Chinhphu.vn) – Kết quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thể hiện rõ nét thông qua tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018, nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 7,08%, là mức cao nhất kể từ năm 2011.

02/07/2018 15:41
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương đang diễn ra, Chính phủ đã có báo cáo kiểm điểm công tác chỉ  đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2018; phương hướng chỉ đạo, điều hành 6 tháng cuối năm.

Báo cáo đã nêu rõ các nội dung về quan điểm chỉ đạo, điều hành; về triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội; về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và Quy chế làm việc của Chính phủ; về công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật; về thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; về công tác phối hợp với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan tư pháp...

Đặc biệt, báo cáo dành thời lượng lớn để làm rõ về công tác điều hành phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và giải quyết các vấn đề trọng tâm, phát sinh.

Chỉ đạo sát sao, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra

Trình bày báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nêu rõ, tiếp tục kế thừa kết quả đạt được năm 2017 và phát huy kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là sâu sát công việc, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ; đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, kịp thời xử lý những vấn đề đột xuất, phát sinh; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực còn dư địa; tích cực tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến thực hiện quyền của người dân, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực, đã củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao; một số lĩnh vực đã ghi dấu ấn tích cực.

Cụ thể, đã dự báo sớm, xây dựng kịch bản tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực; phát huy mạnh mẽ vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các trung tâm kinh tế, các thành phố lớn, thúc đẩy các lĩnh vực còn dư địa. Lựa chọn các vấn đề trọng tâm để tập trung chỉ đạo, nhất là về công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu. Xây dựng kịch bản điều hành giá một số mặt hàng và dịch vụ có ảnh hưởng lớn đến chỉ số giá tiêu dùng. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, đôn đốc giải ngân và các nhiệm vụ tác động tăng trưởng, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng tăng cao nhất từ 2011 đến nay (7,08%).

Rà soát những vướng mắc, bất cập, điểm nghẽn trong phát triển. Tổ chức các hội nghị chuyên đề, đưa ra các quyết sách phù hợp, thúc đẩy phát triển lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như: Xuất khẩu, logistics, giảm chi phí, kết nối hạ tầng giao thông; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đầu tư, xây dựng, phòng chống thiên tai…

Chỉ đạo, đôn đốc kế hoạch sản xuất công nghiệp, tập trung nhóm ngành có khả năng tăng trưởng, gắn với tái cơ cấu hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty sản xuất lớn của nền kinh tế. Trong đó ngành chế biến, chế tạo tiếp tục có đóng góp lớn cho tăng trưởng toàn ngành công nghiệp.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; ban hành chính sách hỗ trợ, phát triển ngành nghề nông thôn và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Sáu tháng, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp tăng cao nhất từ 2012 đến nay (3,93%).

Khẳng định sự quan tâm sâu sắc tới nông nghiệp, nông thôn, nông dân và công nhân, lần đầu tiên Thủ tướng đã đối thoại với hơn 600 nông dân tiêu biểu với chủ đề "Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới"; đối thoại lần thứ ba với gần 1.000 công nhân lao động trong khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng với chủ đề: "Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn".

Xúc tiến quảng bá, đổi mới sản phẩm du lịch, tận dụng cơ hội từ các sự kiện quốc tế mà Việt Nam đăng cai tổ chức để quảng bá, chấn chỉnh hoạt động lữ hành, chất lượng dịch vụ du lịch. Lượng khách quốc tế tăng 27,2%. Thể thao thành tích cao đạt kết quả nổi bật, đặc biệt là thành tích của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam tại đấu trường châu lục.

Trước xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã chỉ đạo xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng 4.0, Đề án mô hình kinh tế chia sẻ. Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức diễn đàn cấp cao, 5 hội nghị chuyên đề và triển lãm quốc tế về công nghệ có quy mô lớn với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Xác định nhiệm vụ mới về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó ban hành 2 nghị định cắt giảm, đơn giản hóa hơn 700 điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành thuộc ngành Công Thương, Y tế. Riêng lĩnh vực an toàn thực phẩm đã cắt giảm trên 95% thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với thực phẩm nhập khẩu, 90% sản phẩm doanh nghiệp được phép tự công bố, tiết kiệm 7,7 triệu ngày công, tương đương trên 3.100 tỷ đồng. Lĩnh vực khoa học, công nghệ đã chuyển 91% nhóm sản phẩm hàng hóa sang áp dụng cơ chế hậu kiểm.  

Thể hiện rõ hơn tinh thần phục vụ nhân dân và doanh nghiệp với tinh thần minh bạch, công khai. Qua website Chính phủ với người dân, Chính phủ với doanh nghiệp, đã tiếp nhận 389 kiến nghị của doanh nghiệp, đã chuyển 256 đến các cơ quan có thẩm quyền, có 180 kiến nghị được trả lời doanh nghiệp; tiếp nhận và chuyển 113 kiến nghị của người dân đến bộ, cơ quan, đã xử lý có kết quả 96 kiến nghị. Hầu hết, người dân và doanh nghiệp hài lòng với kết quả giải quyết của các bộ, cơ quan.

Với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp, triển khai thi hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5. Hỗ trợ hình thành và phát triển toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ban hành 7 nghị định về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đổi mới cơ chế quản lý vốn và tài sản nhà nước.

Trong giải quyết thủ tục hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, gắn kết giữa cải cách thủ tục hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử. Mô hình một cửa, một cửa liên thông được triển khai mạnh mẽ, đã có 30 Trung tâm hành chính công được thành lập hiện đại với 2 mô hình (trực thuộc UBND tỉnh hoặc VP UBND tỉnh).

Sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, đã tinh giản biên chế các cơ quan hành chính 4.294 người, đơn vị sự nghiệp công lập 24.717 người, công chức cấp xã 5.767 người. Sắp xếp giảm 15 vụ thuộc bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục. Riêng Bộ Công an đang sắp xếp theo hướng: không còn 6 tổng cục, giảm từ 125 đơn vị cấp cục còn 60, giảm 20 sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy.

Chủ động phương án phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Lãnh đạo Chính phủ trực tiếp thị sát tại nơi xảy ra thiên tai, động viên nhân dân, chỉ đạo các lực lượng khắc phục thiệt hại, giúp nhân dân ổn định đời sống.

Chính phủ tổ chức hội nghị về công tác giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài; chỉ đạo lập kế hoạch giải quyết từng vụ việc; chấn chỉnh việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, đối thoại giải quyết vụ việc. Đồng thời rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định không phù hợp, nhất là các quy định về thu hồi đất, bồi thường thiệt hại… để bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân.

Tiếp tục mở rộng quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn, các đối tác quan trọng. Tham gia tích cực vào các diễn đàn đa phương, đặc biệt là việc Việt Nam ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); sự kiện Thủ tướng dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng đã thể hiện vị thế của Việt Nam. Thực hiện nghiêm túc các cam kết trong APEC. Tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6, Hội nghị cấp cao khu vực tam giác phát triển (CLV) lần thứ 10.

Chủ động cung cấp thông tin, nắm bắt dư luận. Kịp thời xác minh, chỉ đạo xử lý các sự việc nổi cộm được dư luận và nhân dân phản ánh, thể hiện tinh thần lắng nghe, phục vụ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành thời gian cùng trao đổi, tham vấn, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư… để có các giải pháp, quyết sách chỉ đạo, điều hành phù hợp.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tiếp tục thể hiện rõ quyết tâm của một Chính phủ hành động. Thông qua hoạt động của Tổ công tác, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ, việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao có sự chuyển biến tích cực rõ rệt.

Kết quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thể hiện rõ nét thông qua tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018, nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 7,08%, là mức tăng 6 tháng cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật đã từng bước tháo gỡ vướng mắc, bất cập, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho phát triển; khuyến khích đổi mới sáng tạo đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và xã hội; đời sống của nhân dân được cải thiện; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt; quốc phòng, an ninh được giữ vững; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được nâng cao.

Những kết quả này đã củng cố thêm niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, tạo không khí phấn khởi, thi đua trong toàn xã hội để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018./.

Hà Chính