Vùng Tây Bắc là vùng có địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và môi trường sinh thái đối với cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là vùng đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất do điều kiện tự nhiên kém thuận lợi, kết cấu hạ tầng thấp kém, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ đói nghèo cao nhất cả nước. Đây cũng là khu vực thường xuyên bị các thế lực thù địch lợi dụng điều kiện tự nhiên hiểm trở và trình độ dân trí thấp của đồng bào các dân tộc để gây kích động, tạo ra những nhân tố tiềm ẩn gây mất đoàn kết dân tộc, chống phá cách mạng nước ta.
Đánh giá tình hình thực hiện chính sách dân tộc ở các tỉnh Tây Bắc
Từ khi có Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Quyết định 72 của HĐBT (nay là Chính phủ), vùng Tây Bắc đã có bước phát triển toàn diện kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Nhiều chính sách vĩ mô đã được thực hiện, quy hoạch tổng thể phát triển vùng dân tộc đã được xây dựng và bổ sung qua các năm, tạo nên những bước chuyển, thay đổi cơ bản và toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh Tây Bắc.
1. Thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc.
Nhà nước đã ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho vùng Tây bắc từ nhiều nguồn vốn khác nhau như: nguồn vốn thực hiện Quyết địtnh 186 TTG, Quyết định 138/TTG, Quyết định 120/TTG, nguồn vốn thực hiện Chương trình 135 cho các xã đặc biệt khó khăn, nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án do các Bộ, ngành quản lý... Bình quân mỗi năm ngân sách Nhà nước đầu tư cho các tỉnh Tây Bắc hàng nghìn tỷ đồng.
Trong 10 năm trở lại đây, hầu hết các cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các tỉnh Tây Bắc đã được tăng cường, hệ thống giao thông, đường liên xã, liên huyện, liên tỉnh được quy hoạch và nâng cấp. Một số công trình thủy lợi trọng điểm được đầu tư, hệ thống điện được xây dựng, hệ thống trường học, trạm xá và nhà văn hóa được củng cố và xây dựng mới . . .
Đồng thời với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, Nhà nước đã định hướng và chỉ đạo các tỉnh Tây Bắc đẩy mạnh phát triển kinh tế, khai thác thế mạnh của vùng đất rộng lớn giàu tiềm năng thông qua nhiều chương trình, dự án cụ thể. Nhiều vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu đã được mở rộng, công nghiệp chế biến bước đầu đã phát huy hiệu quả. Công tác trồng rừng và khoanh nuôi bảo vệ rừng được chú trọng, góp phần tăng độ che phủ đạt bình quân 36%. ở một số tỉnh Tây Bắc, vùng cao đã xuất hiện nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp, tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng hóa, chuyên môn hóa, có hiệu quả, tăng dần tỷ trọng của ngành công nghiệp, dịch vụ, giải quyết phân bổ lao động nông thôn. Các mô hình kinh tế phát triển đã khẳng định tính hiệu quả bền vững như: kinh tế trang trại, kinh tế hộ sản xuất hàng hóa trong nước và xuất khẩu... đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các tỉnh Tây Bắc.
Từ năm 1999 đến năm 2005, chương trình 135 đã đầu tư trọng điểm cho các xã đặc biệt khó khăn, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương bình quân mỗi xã được đầu tư gần 3 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư, các địa phương đã chủ động lồng ghép các chương trình, dự án trên cùng địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, tạo nên hiệu quả kinh tế - xã hội tổng hợp. Nguồn kinh phí này được đầu tư chủ yếu cho các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, thủy lợi nhỏ đã đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc các tỉnh Tây Bắc, nếu tính cả nguồn vốn CT 135 và nguồn vốn lồng ghép mỗi xã đặc biệt khó khăn được đầu tư hơn 1,3 tỷ/năm.
Đến năm 2005, các tỉnh Tây Bắc đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành để đưa vào sử dụng gần 100 trung tâm cụm xã, 100% trung tâm cụm xã có điểm bưu điện văn hóa, trung tâm thương mại, giao lưu buôn bán hàng hóa. Tại các trung tâm cụm xã: hệ thống chợ, đường giao thông thực sự là nơi trao đổi kinh tế hàng hóa, từng bước hình thành và thúc đẩy kinh tế hàng hóa phát triển.
Tính đến năm 2005 đã có hơn 80% xã đặc biệt khó khăn có công trình thủy lợi nhỏ phục vụ tưới tiêu sản xuất lương thực.
Năm 2005 đã có gần 40% xã đặc biệt khó khăn có chợ xã, chợ liên xã. Nhờ có chợ, sản phẩm do đồng bào các dân tộc sản xuất ra đã có nơi trao đổi, tiêu thụ, góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, từng bước hình 'thành nền kinh tế thị trường ở các xã đặc biệt khó khăn. Hầu hết các chợ đều được xây dựng kiên cố gắn với các công trình bưu điện, văn hóa, khuyến nông, khuyến lâm, vừa là nơi trao đổi hàng hóa và giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc.
Đầu tư phát triển nhanh chóng mạng lười điện quốc gia về các xã đặc biệt khó khăn. Cho đến nay 100% số huyện và gần 90% số xã đã có điện. Các nguồn thủy điện nhỏ và nguồn điện năng từ sức gió, pin năng lượng mặt trời cũng được quan tâm đầu tư xây dựng. Đã có hơn 60% số hộ vùng dân tộc miền núi được sử dụng điện, một số tỉnh đã có 100% số xã có điện.
Về tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu trong khu vực:
- Khoảng hơn 50% hộ đồng bào nghèo được bồi dưỡng tiếp thu kinh nghiệm sản xuất, các kiến thức về khoa học văn hóa, xã hội, chủ động vận dụng vào sản xuất và dời sống.
Hiện đã có 100% xã đặc biệt khó khăn được tiếp cận với giống cây trồng vật nuôi mới, song ở nhiều nơi do tập quán sản xuất lạc hậu, trình độ dân trí thấp nên đồng bào các dân tộc chưa có khả năng vận dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất
Về xây dựng công trình phục vụ nước sinh hoạt và nước sạch:
- 65% xã đặc biệt khó khăn có công trình phục vụ nước sinh hoạt.
Trên 70% số hộ đồng bào có đủ nước sinh hoạt, trong đó 50% số hộ được sử dụng nước sạch sinh hoạt.
Đến nay, ở vùng Tây Bắc đường ô tô đã đến được hầu hết các trung tâm cụm xã, hiện chỉ còn 40 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã. Hệ thống giao thông tuyến huyện, liên huyện, liên xã được mở rộng, nâng cấp; đường giao thông phục vụ tuần tra biên giới được đầu tư xây dựng. Đến năm 2005, gần 70% các xã đặc biệt khó khăn có bưu điện văn hóa và điện thoại. Các huyện ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa đều có trường phổ thông dân tộc nội trú kiên cố, nhiều trường học ở các xã được đầu tư xây dựng đảm bảo nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc.
Chính sách hỗ trợ hộ dân tộc đặc biệt khó khăn cũng được thực hiện có hiệu quả, mỗi năm Nhà nước đầu tư gần 10 tỷ đồng cho các tỉnh Tây Bắc nhằm hỗ trợ sản xuất và đời sống cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Chính sách trợ giá trợ cước, vận chuyển các mặt hàng thiết yếu cho đồng bào được thực hiện nghiêm túc, mỗi năm Nhà nước đầu tư cho chính sách này ở các tỉnh Tây Bắc gần 100 tỷ đồng.
Nhờ các chính sách đầu tư đồng bộ, có hiệu quả của Nhà nước tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng Tây Bắc đã giảm khá nhanh, hiện nay vùng bình quân còn khoảng 25 - 27%. Bình quân mỗi năm giảm 4 - 5% số hộ nghèo.
2. Về giáo dục, y tế, văn hóa
Tình hình thực hiện chính sách giáo dục ở vùng Tây Bắc cũng có những bước chuyển lớn như:
Đến năm 2005, 90% các xã đặc biệt khó khăn có trường tiểu học, nhà trẻ mẫu giáo. Các bản ở xa trung tâm đều có lớp cắm bản.
- Gần 90% trẻ em trong độ tuổi đến trường.
- 80% xã đặc biệt khó khăn có trường trung học cơ sở kiên cố cấp 4 trở lên, các trường đều được tăng cường về cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo điều kiện để đảm bảo chất lượng dạy và học.
- 100% các huyện đều có trường trung học phổ thông. ở một số huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa có các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường nội trú, bán trú dân nuôi tại các cụm xã.
- Nhiều địa phương đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, có nơi đã phổ cập trung học cơ sở. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú từ Trung ương đến các địa phương được kiện toàn, đáp ứng được nhu cầu học tập cho con em đồng bào các dân tộc Tây Bắc.
Mạng lưới y tế đã được xây dựng và phát triển rộng khắp. 100% huyện miền núi đã có trung tâm y tế. 100% các xã đặc biệt khó khăn đã có trạm y tế xã. Đa số thôn bản đã có y tế cộng đồng, các bệnh dịch nguy hiểm như sốt rét, bướu cổ, bệnh phong. . . được ngăn chặn kịp thời. Số trẻ em tiêm chủng đạt trên 90%. Công tác khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào các dân tộc được quan tâm. Các trạm y tế xã đã có đủ cơ số thuốc phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
- Các chương trình phát triển văn hóa thông tin ở các tỉnh Tây Bắc đạt kết quả khá tốt. Triển khai thực hiện cấp không thu tiền 18 loại báo đến các xã đặc biệt khó khăn và các đồn Biên phòng. Các hoạt động văn hóa dân tộc đã từng bước được khôi phục và phát triển. Hơn 90% các xã đặc biệt khó khăn đã có trạm truyền thanh, phản ánh kịp thời các đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc. Trên 70% các xã đã có điện thoại đảm bảo thông tin thông suất. ở nhiều xã vùng cao, vùng sâu đã có trạm thu tiếp sóng phát thanh truyền hình cung cấp kịp thời thông tin cho đồng bào các dân tộc.
3. Hệ thống chính trí cơ sở và tình hình an ninh - quốc phòng vùng dân tộc và miền núi.
3.1. Củng cố và kiện toàn hệ thống chính tri cơ sở và đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số:
Đi liền với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, việc xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây bắc được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Tỷ lệ đảng viên người dân tộc thiểu số đã tăng gấp 2-3 lần so với 10 năm trước. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã có sự đổi mới về đội ngũ cán bộ và phương thức hoạt động. Từ năm 1998 đến nay các địa phương đã triển khai nghiêm túc Quy chế dân chủ cơ sở, được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần củng cố hệ thống chính quyền cơ sở vùng dân tộc và ở các tỉnh Tây Bắc.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn, ở nhiều nơi do trình độ cán bộ cơ sở còn yếu, các tỉnh, các huyện đã cử cán bộ về tăng cường cho cơ sở, đội ngũ cán bộ tăng cường này đã phát huy tích cực trong công tác phát triển đảng viên, dìu dắt, hướng dẫn đào tạo cán bộ người dân tộc tại chỗ. Đại biểu người dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội và tham gia Hội đồng nhân dân các cấp cũng tăng lên qua các nhiệm kỳ. Tỷ lệ cán bộ người dân tộc trong bộ máy chính quyền các cấp đã tăng hơn nhiều so với những năm trước đây, tuy nhiên chủ yếu vẫn là cấp xã. Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ nòng cốt, tranh thủ già làng, những người có uy tín trong dòng họ và trưởng các thôn bản được các địa phương tiến hành thường xuyên.
3.2. Về an ninh - trật tự an toàn xã hội:
Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên đã góp phần quan trọng củng cố lòng tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước. Trong thời gian qua, về cơ bản, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng Tây Bắc được giữ vững. Tuy nhiên, do vùng Tây Bắc là nơi có địa hình phân cắt mạnh, khó quản lý, khó kiểm tra hành chính nên các thế lực thù địch thường hay xâm nhập vào những vùng này, lợi dụng đời sống đồng bào khó khăn và trình độ dân trí thấp để lôi kéo, xúi giục, kích động, thực hiện “âm mưu diễn biến hòa bình”, gây mất ổn định an ninh chính trị ở một số địa phương vùng Tây Bắc.
(www.dangcongsan.vn)