In bài viết

Tình huống về chữ ký người ủy quyền trong hồ sơ thầu

(Chinhphu.vn) – Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty TNHH MTV nhiên liệu hàng không Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng giải đáp vướng mắc về tính pháp lý của chữ ký người ủy quyền tại các biểu mẫu trong hồ sơ dự thầu.

04/07/2018 09:02

Trong quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật gói thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ, Công ty TNHH MTV nhiên liệu hàng không Việt Nam gặp vướng mắc như sau:

Khi đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật của nhà thầu A, nhà thầu cung cấp Giấy ủy quyền đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, người ủy quyền là đại diện theo pháp luật của nhà thầu A là ông B, ủy quyền có hiệu lực từ ngày ký (ngày 15/3/2018).

Tuy nhiên các Biểu mẫu quy định tại Chương IV – Biểu mẫu dự thầu như: Hợp đồng không hoàn thành trong quá khứ; kiện tụng đang giải quyết; hợp đồng tương tự do nhà thầu thực hiện; tình hình tài chính của nhà thầu được ông B (người được ủy quyền) ký, đóng dấu công ty ngày 10/3/2018 (trước ngày ủy quyền có hiệu lực).

Công ty TNHH MTV nhiên liệu hàng không Việt Nam hỏi, các biểu mẫu nêu trên được ông B ký trước ngày ủy quyền có hiệu lực thì có được coi là hợp lệ không?

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:

Khoản 1, Điều 15 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu, căn cứ vào hồ sơ dự thầu đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu.

Theo hướng dẫn tại Mục 20.3 Chương I Mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa ban hành kèm theo Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/6/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đơn dự thầu, thư giảm giá (nếu có), các văn bản bổ sung, làm rõ hồ sơ dự thầu, bảng giá và các biểu mẫu khác tại Chương IV phải được đại diện hợp pháp của nhà thầu hoặc người được ủy quyền hợp pháp ký tên và đóng dấu (nếu có).

Theo đó, đối với các biểu mẫu yêu cầu phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật và đóng dấu (nếu có) như đơn dự thầu, thư giảm giá, bảng giá... theo hướng dẫn tại Chương IV thì nhà thầu phải tuân thủ theo yêu cầu này.

Đối với các biểu mẫu không yêu cầu phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật và đóng dấu (nếu có) như hợp đồng không hoàn thành trong quá khứ, kiện tụng đang giải quyết, hợp đồng tương tự, tình hình tài chính của nhà thầu... theo hướng dẫn tại Chương IV thì đại diện hợp pháp của nhà thầu không cần ký tên, đóng dấu (nếu có).

Bên cạnh đó, các tài liệu nêu trên là tài liệu chứng minh về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, được hình thành trong quá khứ và không làm thay đổi bản chất của nhà thầu (kể cả việc người đại diện hợp pháp ký hoặc không ký vào các tài liệu này).

Do đó, việc người được ủy quyền ký vào các tài liệu nêu trên trước khi được ủy quyền là không cần thiết và không thay đổi bản chất so với việc không ký vào các tài liệu nêu trên nên đây không phải là lý do để loại bỏ nhà thầu.

Chinhphu.vn