Tháng 4/1984 ông Hồng là Thường vụ Đảng ủy xã và tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Năm 1994 ông được bầu làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã. Năm 2000 ông được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã. Năm 2004, ông được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn. Thực hiện Nghị định số 67/2010/NĐ-CP ngày 15/6/2010 của Chính phủ và Hướng dẫn số 40-HD/BTCTW, ông Hồng làm đơn xin được nghỉ hưu do sức khỏe yếu.
Về vấn đề trên, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Ngày 15/6/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2010/NĐ-CP quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Bao gồm:
- Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
- Cán bộ xã, phường, thị trấn (cấp xã) là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội; công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.
Theo điểm 2.2, Mục 2 Hướng dẫn số 40-HD/BTCTW ngày 29/10/2010 thì cán bộ có đủ các điều kiện hưởng chế độ, chính sách cán bộ nghỉ hưu trước tuổi là cán bộ không đủ tuổi tái cử cấp ủy.
Trường hợp không bị trừ tỷ lệ lương hưu
Tại điểm a, khoản 1, Điều 2 Nghị định số 67/2010/NĐ-CP quy định cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, nếu có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi gửi cơ quan quản lý cán bộ thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Theo Công văn số 5905/BHXH-CSXH ngày 31/12/2010 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn thực hiện chế độ BHXH theo Nghị định số 67/2010/NĐ-CP quy định: Cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm có đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi quy định tại khoản 1 điều 2 Nghị định số 67/2010/NĐ-CP và tại khoản 2.1 mục 2 Hướng dẫn số 40-HD/BTCTW, thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về BHXH mà không phải có điều kiện về suy giảm khả năng lao động (hồ sơ không cần có biên bản giám định mức độ suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa) và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ trước tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thực hiện (tức là không bị trừ giảm 1% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi).
Mức lương hưu hằng tháng
Tại khoản 1 Điều 52 Luật BHXH quy định: Mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH, tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
Mức bình quân tiền lương tính lương hưu
Theo điểm a, khoản 1, Điều 31 Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn: Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người lao động tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995, thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân các mức tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Trường hợp ông Đinh Vạn Hồng, còn một số thông tin ông Hồng cung cấp chưa rõ như: Quá trình tham gia BHXH của ông Hồng có bị ngắt quãng không; ông nghỉ hưởng lương hưu từ ngày, tháng, năm nào; trong quyết định nghỉ hưu có ghi ông nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 67/2010/NĐ-CP không; các mức tiền lương đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu như thế nào…
Bên cạnh đó, lý do ông xin nghỉ hưu trước tuổi do sức khỏe yếu là không phù hợp với chính sách đối với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi do không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm tại Nghị định 67/2010/NĐ-CP nên có thể bị trừ giảm 1% cho mỗi năm nghỉ trước tuổi; Hệ số lương 3,76 mà ông nêu có thể không chính xác, vì ông là cán bộ có trình độ trung cấp đã được chuyển xếp lương như công chức hành chính theo bảng lương số 2 Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004, 12 bậc lương trong ngạch lương công chức trình độ trung cấp không bậc nào có hệ số 3,76; kể cả cộng với phụ cấp chức vụ chủ tịch UBND cấp xã hệ số 0,25 cũng không có tổng hệ số là 3,76. Do đó, luật sư không đủ căn cứ trả lời mức hưởng lương hưu của ông đã được tính có đúng hay chưa đúng quy định.
Đề nghị ông Hồng đối chiếu các quy định nêu trên với quá trình tham gia, đóng BHXH; các mức tiền lương tháng đóng BHXH thời kỳ 5 năm cuối của ông thể hiện trong hồ sơ hưởng lương hưu như: Sổ BHXH, quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí để rõ.
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.