Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Phó Chính uỷ Mặt trận 4 Quảng Đà - Ảnh: VGP/Minh Trang |
Đêm 19/12/1946, Ủy ban Quân sự Quảng Nam-Đà Nẵng nhận được lệnh qua điện thoại của đồng chí Nguyễn Chánh và Cao Văn Khánh (Quân khu V) chuẩn bị nổ súng tiến công giặc. Một hội nghị liên tịch đặc biệt lập tức được triệu tập tạo Trung đoàn 96 ở ngã tư Yên Khê, bao gồm các đại biểu Ban chỉ huy mặt trận, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ủy ban Kháng chiến.
Hội nghị đã thống nhất nhận định tình hình địch, ta và xác định “Nhiệm vụ chủ yếu của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng lúc này là chiến đấu giữ chân địch, không cho chúng vượt đèo Hải Vân để liên lạc với bộ phận Pháp ở Huế, đồng thời ngăn chặn không cho chúng nhanh chóng vượt qua sông Cẩm Lệ để tiến về phía nam”.
Lúc đó, ông Lê Công Thạnh đang là lính tự vệ biệt động thuộc lực lượng vũ trang huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trước tình hình chiến sự ngoài Bắc, để chuẩn bị lực lượng đối phó địch, ông Lê Công Thạnh được giao nhiệm vụ dẫn 1 tiểu đội hỗ trợ cho Trung đoàn 93 giữ phòng tuyến Cẩm Lệ trong vòng 30 ngày.
Vào thời điểm này, tại Quảng Nam-Đà Nẵng, Trung đoàn 93 chịu trách nhiệm ở vòng ngoài và Trung đoàn 96 là đơn vị chủ lực chịu trách nhiệm chiến đấu ở nội thành.
Sáng ngày 20/12, khi nghe súng nổ ở khu vực Cầu Vồng, đội tự vệ của nhà máy điện cho nổ bom phá nhà máy, Trung đoàn 93 nổ mìn phá sập cầu Cẩm Lệ và cầu xe lửa Phong Lệ (cầu Đỏ).
Trong 30 ngày thực hiện nhiệm vụ phòng tuyến vòng ngoài ở phía nam cầu Cẩm Lệ, lực lượng phòng tuyến của Trung đoàn 93 đào hệ thống giao thông hào hầm rất dày, sâu, liên tục tấn công và giằng co với quân địch ở phía bên kia sông, quyết không cho quân địch tràn vào phía nam. Với hệ thống giao thông được chuẩn bị kỹ lưỡng, phía ta không bị tổn thất nhiều, trong khi tiêu diệt được một cơ số địch. Riêng Tiểu đội của ông Lê Công Thạnh trong 1 tháng đó đã bắn cháy 1 xe jeep, tiêu diệt hàng chục tên giặc, tước vũ khí gây tổn thất đáng kể cho địch.
Sau hơn 1 tháng chiến đấu, các lực lượng quân dân Quảng Nam-Đà Nẵng đã tiêu hao một lực lượng giặc đáng kể, giam chân chúng trong thành phố, làm phá sản kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của giặc; tạo điều kiện cho đồng bào có thời gian tản cư, ổn định đời sống, chuyển dần vào sinh hoạt thời chiến, bảo tồn được lực lượng vũ trang và các cơ quan lãnh đạo của ta.
Theo Đại tá Lê Công Thạnh, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh bấy giờ như những lời hịch của non sông, thể hiện một cách cụ thể, khảng khái, sống động, như ngọn đuốc rọi sáng cho cách mạng tiến lên về phía trước, là sợi dây kết nối những trái tim nguyện vì dân tộc. Thời gian ấy, nhà nhà người người đều thuộc những lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.”
Ngay khi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được phát ra, toàn quân và dân khí thế bừng bừng, đồng loạt cổ vũ nhất tề đồng lòng chiến đấu. Những ngày sau đó, tại các khu vực ở các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, không ai là không biết những khẩu hiệu “Vàng, vàng, vàng! Ai tiếc vàng là người không yêu nước!” nhằm kêu gọi người dân đóng góp tiền của để mua vũ khí. Đi đôi với đó là lời kêu gọi: “Đồng, đồng, đồng! Ai tiếc đồng là người không yêu nước!” kêu gọi người dân góp đồng đúc vũ khí súng, ống, giáo mác.
“Thời ấy, mọi nhà từ giàu đến nghèo đều gom góp của cải trao cho bộ đội. Nhà tôi chỉ có 1 bộ nồi đồng, lư đồng là quý giá nhất cũng đem đi đóng góp cả, tiền của, tính mạng đều không tiếc gì cho cách mạng”, ông kể.
Trên hết, tình quân dân gắn kết thể hiện trên mọi mặt trận. Trên mặt trên phòng tuyến, bộ đội ta liên tục nhận được sự tiếp tế của quần chúng nhân dân, còn trong nội thành, các cán bộ công nhân viên chức, tự vệ, quân đội tự nguyện đưa một khối lượng lớn máy móc, cơ khí, các phương tiện máy in, máy đánh chữ, góp phần cho các chiến sĩ cách mạng chủ động trong cuộc kháng chiến trường kỳ.
Thấm nhuần chủ trương phá hoại giao thông để kháng chiến của Đảng và Hồ Chủ tịch, thực hiện nghị quyết Tỉnh ủy mở rộng, nhân dân đã phối hợp cùng lực lượng quân đội Quảng Nam-Đà Nẵng đã tháo gỡ hàng chục km đường ray xe lửa, đào hào chữ chi, đắp ụ làm chướng ngại, trồng cọc chi chít trên Quốc lộ 1, trên các đường tỉnh lộ, đường công hương và các con đường rẽ...
“Có thể khẳng định rằng, trước tình cảnh khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc”, việc ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào ngày 19/12/1946 thể hiện một nghệ thuật chiến tranh linh hoạt, quả cảm, sáng tạo của Bác Hồ và Đảng ta.”
“Chính trong những thời khắc quan trọng của đất nước, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và lịch sử đã chứng minh tính đúng đắn khi cách mạng thể hiện sự tin tưởng và dựa vào dân trong sự nghiệp cách mạng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, bởi nhân dân ta, dân tộc ta - một dân tộc đã có truyền thống yêu nước anh hùng, bất khuất qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước”, Đại tá Lê Công Thạnh nhấn mạnh.
Minh Trang