In bài viết

Tỉnh Tây Ninh kỷ niệm 180 năm hình thành và phát triển

(Chinhphu.vn) - Sáng ngày 9/9, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 180 năm tỉnh Tây Ninh hình thành và phát triển (1836-2016).

09/09/2016 11:37
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại lễ kỷ niệm 180 năm tỉnh Tây Ninh hình thành và phát triển. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Văn Nên; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Tây Ninh qua các thời kỳ, cùng đông đảo nhân dân trong tỉnh.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch UBND tỉnh đã ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang hơn 300 năm từ ngày cha ông ta đi mở làng, lập ấp tại phương Nam đến nay.

Đến nay, tỉnh Tây Ninh có bước phát triển toàn diện, đời sống của nhân dân ngày càng ấm no. Cụ thể, tỉnh có 5 khu công nghiệp thu hút vốn đầu tư nước ngoài gần 4 tỷ USD vốn đăng ký, 40.000 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư trong nước, không còn hộ gia đình đói cơm đứt bữa, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới chỉ còn 4,3%. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như thành quả to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội hiện nay.

Cùng với Sài Gòn-Gia Định, đến nay vùng đất Tây Ninh đã có lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm. Kể từ khi Tây Ninh hình thành đơn vị hành chính cấp phủ năm 1836 đến nay đã tròn 180 năm.

Trong suốt quá trình khai cơ lập nghiệp, đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Tây Ninh đã nêu cao tinh thần bất khuất, kiên cường trong xây dựng quê hương và chống ngoại xâm, giữ gìn chủ quyền Tổ quốc. Đặc biệt là trong cuộc đấu tranh chống Mỹ, Tây Ninh trở thành “thủ đô kháng chiến”, nơi đứng chân của các cơ quan đầu não lãnh đạo cách mạng miền Nam.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cắt băng khánh thành
Cổng chào tỉnh Tây Ninh. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Sau khi thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới, tỉnh Tây Ninh ngày càng có bước phát triển toàn diện và nhanh chóng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng phát triển, bức tranh kinh tế-xã hội có bước khởi sắc trên mọi mặt, từ đô thị đến nông thôn, biên giới.

Qua 180 năm hình thành và phát triển, tỉnh Tây Ninh là dấu mốc đầy tự hào, Phó Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh hãy hành động để biến niềm tự hào đó thành nguồn sức mạnh mới, đưa Tây Ninh phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đem lại cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng cho rằng, tỉnh Tây Ninh cần quan tâm tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp quyết liệt.

Đó là, nhận thức và đánh giá sâu sắc hơn nữa về tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh so với các địa phương khác để có định hướng, chiến lược, giải pháp phát triển toàn diện, phù hợp với thực tiễn của mình để thúc đẩy kinh tế phát triển toàn diện, khai thác tối đa những lợi thế sẵn có như có vị trí tiếp giáp TPHCM, có hai cửa khẩu quốc tế, có đường xuyên Á đi qua, khí hậu ôn hoà, đất đai phì nhiêu, nếu có cách làm bài bản, khoa học và đầu tư đúng mức thì người dân Tây Ninh có thể làm giàu từ nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, tỉnh Tây Ninh cần tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt chú ý đến công nghiệp chế biến gắn với các nông sản chủ lực của tỉnh…

Một trong những lợi thế vượt trội khác của Tây Ninh là du lịch. Hiện tỉnh có rất nhiều di tích, cảnh quan phong phú, độc đáo riêng mà không nơi nào có được. Đó là, Di tích quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, Toà thánh Cao Đài, núi Bà Đen, thủy lợi Dầu Tiếng, vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát… Do đó, tỉnh cần ưu tiên huy động nguồn lực khai thác, phát huy có hiệu quả lợi thế, phấn đấu đưa du lịch Tây Ninh thành ngành kinh tế trọng điểm, có đóng góp ngày càng lớn vào cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Tây Ninh cũng cần giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo, công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách với người có công, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Có giải quyết tốt vấn đề này thì mới bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Là tỉnh biên giới, giữ vị trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng-an ninh, Tây Ninh phải làm thật tốt công tác đối ngoại, giữ vững ổn định an ninh biên giới, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác, gắn với việc phân mốc biên giới, giải quyết việc làm cho bà con Việt kiều trở về nước sinh sống.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cắt băng khánh thành công trình bia lịch sử Suối Sâu. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Bên cạnh đó, tỉnh cần xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo bước chuyển biến căn bản trong đấu tranh và đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nâng cao trách nhiệm, tính gương mẫu của cán bộ các cấp, củng cố niềm tin của nhân dân và Đảng và Nhà nước.

Trước đó, các đồng chí Trương Hoà Bình và Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã cắt băng khánh thành công trình bia lịch sử Suối Sâu (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng) và khánh thành Cổng chào tỉnh Tây Ninh.

Lê Sơn