In bài viết

Tính toán lộ trình điều chỉnh thuế, nâng hiệu quả chống buôn lậu

(Chinhphu.vn) - Mục tiêu chính của thuế TTĐB là điều chỉnh hành vi tiêu dùng, không phải tăng thu ngân sách. Thuốc lá là sản phẩm có hại cho sức khỏe, nhưng chính sách thuế phải khuyến khích thay đổi hành vi theo hướng lành mạnh hơn, thay vì tạo cơ hội cho việc sử dụng các sản phẩm thay thế không đảm bảo chất lượng, hay buôn lậu.

19/11/2024 18:25
Tính toán lộ trình điều chỉnh thuế, nâng hiệu quả chống buôn lậu- Ảnh 1.

Tọa đàm "Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và chống buôn lậu thuốc lá - những vấn đề đặt ra" - Ảnh: VGP/HT

Đó là ý kiến của tại Tọa đàm "Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và chống buôn lậu thuốc lá - những vấn đề đặt ra" do Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức ngày 19/11, tại Hà Nội.

Áp lực buôn lậu sẽ cao hơn, nhưng vẫn cần tăng thuế

Tại Hội thảo, đã có nhiều ý kiến đánh giá từ các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà quản lý từ các cơ quan Nhà nước và Hiệp hội về mối tương quan giữa tăng thuế và thuốc lá lậu, cũng như ghi nhận những đề xuất về mức tăng và lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội để hỗ trợ tốt nhất cho các mục tiêu mà Chính phủ đề ra.

TS Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập báo Pháp luật Việt Nam phân tích: Việc tăng thuế nhằm đảm bảo thực hiện một loạt các mục tiêu của Chính phủ, bao gồm giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam, góp phần tăng thu ngân sách một cách bền vững và cân đối giảm thiểu các tác động tiêu cực về mặt xã hội. Tuy nhiên, cần lưu ý người tiêu dùng sẽ tìm đến thuốc lá lậu để thay thế, khiến cho hoạt động phòng, chống thuốc lá lậu vốn đã phức tạp sẽ gặp thêm nhiều thử thách", ông Vũ Hoài Nam nói.

Số liệu mới nhất của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy dù các cơ quan Nhà nước đã có nhiều nỗ lực, tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp. Trong 10 tháng đầu năm 2024, có 1.067 vụ vi phạm liên quan đến thuốc lá nhập lậu, 800 vụ bị xử lý, trong đó có 3 vụ chuyển hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra.

Về vấn đề buôn lậu, Thượng tá Lê Thiện Thành, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn Điều tra, Cục Phòng, chống Ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), cho hay trong năm 2024, hoạt động buôn lậu, nhập lậu thuốc lá điếu ngoại, nguyên liệu thuốc lá không rõ nguồn gốc xuất xứ vào nước ta đang là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Trong bối cảnh đó, ông Lê Thiện Thành cho biết: Cần có lộ trình, chính sách tăng thuế hợp lý, giãn phù hợp thực tiễn, trong đó chủ động thực hiện hài hòa mục tiêu của Chính phủ đặt ra về hạn chế tiêu dùng.

Bên cạnh đó, ông Lê Thiện Thành cho rằng: Cần sớm sửa đổi Nghị định 98/2020/ND-CP để ban hành chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc lá lậu, củng cố cơ sở pháp lý trong công tác phòng chống buôn lậu, cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp hợp pháp tồn tại.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Tráng A Dương, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phân tích mối liên hệ giữa việc tăng thuế và tăng thuốc lá lậu. Nhìn lại năm 2016, Việt Nam tăng thuế từ 65% lên 70% và cũng trong năm này, số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ 6,8 triệu bao năm 2016 lên gần 7,5 triệu bao năm 2017. Năm 2019, khi tăng thuế từ 70% lên 75%, số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ gần 1,4 triệu bao năm 2019 lên hơn 5,1 triệu bao năm 2020 và lên gần 6,6 triệu bao năm 2021.

"Việc tăng thuế tất nhiên không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến tăng thuốc lậu, tuy nhiên khi suy xét lại các cột mốc kể trên. Nếu tăng thuế theo lộ trình phù hợp sẽ giảm đi một nguy cơ quan trọng gia tăng việc buôn bán bất hợp pháp sản phẩm thuốc lá. Đồng thời, cần hỗ trợ công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá hiệu quả sau khi tăng thuế, lộ trình tăng thuế nên giãn ra, tần suất tăng thuế nên là 2 tới 3 năm/lần để các cơ quan quản lí thị trường có thêm thời gian để lên kế hoạch và chuẩn bị lực lượng nhằm ứng phó với làn sóng buôn lậu được dự đoán sẽ tràn mạnh mẽ vào Việt Nam sau khi thuế tăng," ông Tráng A Dương nhận định.

Tính toán đầy đủ tác động, hướng tới điều chỉnh hành vi thật chất

Về vấn đề mối tương quan thuế và thuốc lá lậu, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam (VTCA), phân tích thêm do thuế TTĐB nằm trong giá bán, tăng thuế TTĐB, hạn chế thuốc lá là cần thiết. Tuy nhiên, khi giá bán trong nước cao là cơ hội cho thuốc lá lậu sản phẩm có thể tránh tất cả các loại thuế và quy định hàm lượng chất trong sản phẩm nhằm bù vào phần thiếu hụt tiêu thụ trong nước có khả năng cao xảy ra do việc giảm sản lượng hợp pháp.

Dẫn mô hình phân tích tác động của việc tăng thuế của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, bà Cúc cho hay cả 2 phương án tăng thuế TTĐB theo dự Luật, tổng lượng tiêu thụ thuốc lá sẽ giảm khoảng 7% vào năm 2030. Sản lượng thuốc lá hợp pháp ở cả 2 phương án đều giảm mạnh vào năm 2030. Thuốc lá hợp pháp giảm 30% ở phương án 1 (tương đương giảm 28 tỷ điếu) và giảm 36% ở phương án 2 (khoảng 31 tỷ điếu) so với năm 2025 trước khi tăng thuế.

Ngược lại, lượng thuốc lá lậu sẽ tăng mạnh ở cả 2 phương án tăng thuế mà Bộ Tài chính đề xuất. Đến năm 2030, thuốc lá lậu có thể sẽ tăng 205% ở phương án 1 (khoảng 22 tỷ điếu) và tăng 230% ở phương án 2 (tương đương 24 tỷ điếu) so với 2025.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội lưu ý: Trong kinh tế học, có đường cong Khaldun-Laffer là sự miêu tả quan hệ giữa các mức thuế suất có thể với mức thu ngân sách nhà nước. Theo đó, khi thuế suất tăng qua điểm giới hạn thì có thể tác dụng ngược tới thu ngân sách. Khi đó có thể dẫn đến giảm lượng tiêu thụ và sản xuất, từ đó có khả năng giảm số thu ngân sách. Đồng thời, cần lưu ý đến khả năng thất thu thuế do buôn lậu gia tăng nếu thuế quá cao.

"Mục tiêu chính của thuế TTĐB là điều chỉnh hành vi tiêu dùng, không phải tăng thu ngân sách, dù điều này cũng cần tính đến. Đối với thuốc lá, đây là sản phẩm có hại cho sức khỏe, nhưng chính sách thuế phải khuyến khích thay đổi hành vi theo hướng lành mạnh hơn, thay vì tạo cơ hội cho việc sử dụng các sản phẩm thay thế không đảm bảo chất lượng, hay buôn lậu", GS.TS Hoàng Văn Cường nói.

GS.TS Hoàng Văn Cường đồng tình với việc nên điều chỉnh nên ưu tiên sử dụng thuế tuyệt đối (thuế cố định trên mỗi sản phẩm), giúp ổn định nguồn thu và tránh khuyến khích tiêu dùng thuốc lá giá rẻ, chất lượng thấp.

"Cần phải hài hòa giữa các mục tiêu sức khỏe cộng đồng, nguồn thu ngân sách và tác động lên hành vi tiêu dùng, đồng thời phải có chiến lược kiểm soát buôn lậu hiệu quả", GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Dẫn thông tin từ Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ thuốc lá Việt Nam, bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng Xây dựng Pháp luật, Ban Pháp chế (VCCI) phân tích cho biết hiện có 5 đầu mối chính đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thuốc lá điếu đều là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Việc tăng thuế TTĐB sẽ có tác động tiêu cực đến việc sử dụng hiệu quả vốn, tài sản của Nhà nước đã đầu tư, NSNN có thể thất thu nhiều hơn từ thuốc lá nhập lậu.

Do đó, bà Thủy cho hay, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và các doanh nghiệp trong ngành thuốc lá đề xuất tăng mức thuế tuyệt đối thêm 2.000 đồng vào năm 2026, tăng thêm 2.000 đồng vào năm 2028 và thêm 2.000 đồng vào năm 2030.

Theo ý kiến các đại biểu tham gia Tọa đàm, khi cân nhắc giữa hai phương án tăng thuế của Chính phủ, phương án 1 là cách tiếp cận hợp lý hơn, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến các chủ thể liên quan so với phương án 2. Tuy nhiên, mức tăng nên thấp hơn đề xuất hiện nay và lộ trình tăng thuế nên được giãn ra một cách phù hợp hơn, không nên tăng liên tục hằng năm, nhằm giúp ngành thuốc lá hợp pháp có đủ thời gian chuyển đổi và thích nghi, cũng như có thời gian lên kế hoạch và đầu tư vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm.

Song song với tăng thuế hợp lý, cần tăng cường công tác chống buôn lậu hiệu quả và kết hợp nhiều biện pháp khác, như: giúp đỡ để bỏ thuốc lá, tăng cường cảnh báo về sự nguy hiểm của thuốc lá...nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc của Chính phủ.

Sơn Minh