In bài viết

Tổ chức hội nghị nhà chung cư thế nào là hợp lệ?

(Chinhphu.vn) – Khu chung cư của ông Ngô Trung Sơn (Hà Nội) gồm 8 toà nhà với khoảng 3.000 căn hộ. Các cư dân được nhận bàn giao nhà từ tháng 9/2018 đến nay, hiện khu chung cư đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị chung cư lần đầu.

12/03/2020 14:20

Phía đơn vị đại diện Chủ đầu tư phát phiếu cho cư dân ấn định luôn là tổ chức Hội nghị cụm chung cư (gồm 8 tòa), trong khi nhiều cư dân ở các tòa không muốn tổ chức theo mô hình Cụm 8 tòa mà là theo Ban quản trị từng tòa để thuận tiện trong các công việc hàng ngày.

Cư dân đã kiến nghị Chủ đầu tư lấy ý kiến cư dân theo mô hình Cụm hoặc Tòa rồi mới chốt nhưng phía Chủ đầu tư thì chốt là ban quản trị Cụm 8 tòa và không đồng ý lấy ý kiến mô hình Ban quản trị từng tòa. Ông Sơn hỏi, trường hợp này phải giải quyết thế nào và căn cứ theo quy định nào?

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 28/2016/TT-BXD ngày 15/12/2016 của Bộ Xây dựng thì: “Tòa nhà chung cư là một khối nhà (block) độc lập hoặc một số khối nhà có chung khối để nối trên mặt đất được xây dựng theo quy hoạch và hồ sơ dự án do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Cụm nhà chung cư là tập hợp từ 2 tòa nhà chung cư trở lên được xây dựng theo quy hoạch và hồ sơ dự án do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.

Tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 06/2019/TT-BXD ngày 31/10/2019 của Bộ Xây dựng về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư đã quy định điều kiện để tổ chức và điều kiện về số lượng người tham dự hội nghị nhà chung cư lần đầu.

Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị ông Ngô Trung Sơn đối chiếu trường hợp cụ thể của chung cư nơi ông ở với quy định của pháp luật nêu trên để thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị ông liên hệ với Sở Xây dựng thành phố Hà Nội, là cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng, nhà ở trên địa bàn để được hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền.

Chinhphu.vn