Ảnh minh họa |
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về một số nội dung, quan điểm về 30 năm hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trước khi họp tổng kết.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong tuần đầu tháng 10/2018 (ngày 4/10/2018).
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, việc tổ chức Hội nghị cần chú trọng công tác tổng kết, đánh giá thực chất về hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sau 30 năm, tạo tiền đề để tạo sự đồng thuận chung về cách nhìn nhận, đánh giá khách quan về hoạt động đầu tư nước ngoài, phát huy được những mặt tích cực, cố gắng hạn chế, giảm thiểu những mặt tiêu cực, từ đó kiến nghị việc điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi, ban hành khuôn khổ pháp lý điều chỉnh phù hợp; kết hợp xúc tiến đầu tư.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến, báo cáo tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài sẽ kế thừa kết quả nghiên cứu từ Báo cáo tổng kết 25 năm đầu tư nước ngoài; đồng thời khảo sát và đánh giá thực trạng đầu tư nước ngoài trong 5 năm (2012-2017) trên cơ sở đánh giá tình hình thu hút và quản lý FDI của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia.
Trong đó, bao gồm đánh giá chuyên sâu vào các vấn đề nổi bật của đầu tư nước ngoài trong thời gian qua như công nghiệp hỗ trợ, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, công nghệ và chuyển giao công nghệ, vấn đề môi trường của các dự án FDI, thu hút FDI vào cơ sở hạ tầng, nông nghiệp hiệu quả cao, dịch vụ chất lượng cao, các vấn đề ưu đãi, thuế, công tác quản lý nhà nước về FDI, công tác hỗ trợ nguồn lực đầu vào cho FDI, quan điểm, định hướng thu hút FDI trong thời gian tới…
Đầu tư nước ngoài đã trở thành một khu vực phát triển năng động, đóng góp tích cực vào các thành tựu tăng trưởng, bổ sung nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn xã hội, khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế, tạo việc làm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cả về máy móc, thiết bị, tri thức và kinh nghiệm quản lý, góp phần hội nhập kinh tế quốc tế…
Bên cạnh đó, khu vực đầu tư nước ngoài còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Hiệu quả tổng thể vốn đầu tư nước ngoài chưa cao, giá trị gia tăng và khả năng tham gia chuỗi giá trị thấp; Định hướng thu hút đầu tư nước ngoài theo ngành, đối tác còn hạn chế; mục tiêu thu hút công nghệ chưa đạt yêu cầu, hiệu ứng lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài sang khu vực khác của nền kinh tế còn hạn chế; còn tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường, thuế, chuyển giá của một số doanh nghiệp FDI…
Minh Hiển