Đây là 2 phương án được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất tại dự thảo Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, thay thế Nghị định số 46/2017/NĐ-CP và Nghị định số 135/2018/NĐ-CP.
Dự thảo quy định rõ về kiểm định chất lượng giáo dục: Đối với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, dự thảo Nghị định bổ sung quy định về điều kiện thành lập/cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục công lập và tư thục để phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật Giáo dục đại học và điểm a khoản 2 Điều 111 Luật Giáo dục. Theo đó, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục muốn thành lập cần xây dựng đề án về thành lập tổ chức kiểm định.
Ngoài ra, đối với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục công lập cần đáp ứng các điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Về điều kiện cho phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, dự thảo bổ sung quy định: "Có nguồn lực tài chính để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động của trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục" để tổ chức kiểm định có trách nhiệm bảo đảm tài chính để duy trì hoạt động của trung tâm (như thuê cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, trả lương cho kiểm định viên cũng như người lao động và các hoạt động khác để phát triển hoạt động của trung tâm…).
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung điều kiện về kiểm định viên của tổ chức kiểm định như sau:
"Điều kiện về nhân lực:
a) Đối với kiểm định chất lượng giáo dục đại học:
PA1: Có ít nhất 30 kiểm định viên.
PA2: Có ít nhất 10 kiểm định viên có kinh nghiệm tham gia hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục trong thời gian 05 năm liên tiếp.
b) Đối với kiểm định chất lượng đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên: Có ít nhất 05 kiểm định viên".
Các quy định về đình chỉ hoạt động, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục cơ bản được giữ nguyên như quy định hiện hành.
Dự thảo Nghị định bổ sung điều kiện để tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được công nhận hoạt động ở Việt Nam như sau:
"1. Có tư cách pháp nhân.
2. Được nước sở tại hoặc một hiệp hội quốc tế hợp pháp công nhận hoặc cấp phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp.
3. Có thời gian hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ít nhất 05 năm ở nước sở tại.
4. Có điều lệ, mục đích, phạm vi hoạt động rõ ràng.
5. Số lượng kiểm định viên làm việc cho tổ chức ít nhất 10 kiểm định viên đối với giáo dục đại học; ít nhất 05 kiểm định viên đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên."
Các quy định này nhằm bảo đảm tư cách pháp lý của tổ chức kiểm định nước ngoài; đồng thời, bảo đảm uy tín, chất lượng và điều kiện để tổ chức kiểm định chất lượng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh