Phát biểu tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, việc kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành tại TPHCM nhằm nắm bắt những thông tin chính xác về thực tiễn thi hành; đánh giá đúng, sát thực tình hình thi hành pháp luật về thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật nói chung và tình hình thi hành pháp luật trong các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành về an toàn thực phẩm; quản lý thuế; xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn TPHCM nói riêng.
Việc kiểm tra cũng nhằm làm rõ những hạn chế, vướng mắc trong các quy định pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật về việc quản lý nhà nước trong các lĩnh vực trọng tâm trên; tìm ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quy định và thực thi pháp luật trong các lĩnh vực này. Qua đó kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành và hoàn thiện pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Tại buổi kiểm tra, ông Phan Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM đã báo cáo về việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024 trên địa bàn TPHCM. Báo cáo đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh về ba lĩnh vực trọng tâm, đồng thời cho thấy sự quan tâm của UBND TPHCM đối với công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành với việc ban hành nhiều văn bản phù hợp.
Cụ thể, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, TPHCM là địa phương duy nhất có Cục An toàn thực phẩm. TPHCM đã ban hành các kế hoạch triển khai các nội dung có liên quan về quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, người lao động; đăng tải thông tin trên cổng thông tin điện tử của Thành phố để người dân và các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, cập nhật thông tin, quy định pháp luật hiện hành về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, bên cạnh Cổng dịch vụ công quốc gia, Thành phố đã thiết lập Cổng thông tin 1022 để tiếp nhận, xử lý, giải đáp những thắc mắc của người dân, doanh nghiệp liên quan đến việc quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Trong lĩnh vực quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Cục Thuế Thành phố thường xuyên ban hành các công văn gửi các Phòng Thanh tra - Kiểm tra Thuế thuộc Cục Thuế và các Chi cục Thuế ở quận, huyện, TP Thủ Đức về tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), đồng thời tăng cường kiểm tra, quản lý đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động TMĐT.
Về xuất bản, in và phát hành, năm 2024, lĩnh vực này được chọn là lĩnh vực trọng tâm, liên ngành trong công tác theo dõi thi hành pháp luật. Sở Thông tin và Truyền thông đã thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động in; xây dựng kế hoạch tổ chức đoàn công tác kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm tại một số địa phương trên địa bàn TP với thời gian thực hiện dự kiến trong tháng 10/2024.
Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cùng các thành viên Đoàn kiểm tra như đại diện Tổng Cục thuế, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), Đại diện Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT), Bộ Công Thương... đã đặt ra các câu hỏi liên quan đến các lĩnh vực trọng tâm cho các Sở ban ngành liên quan.
Đại diện các Sở, ngành như Văn phòng UBND Thành phố, Sở Tư pháp, Cục Thuế TP, Sở An toàn thực phẩm, Sở Y tế, Sở NNPTNT, Sở TTTT, Sở Nội vụ... đã trả lời, giải trình, bổ sung số liệu những vấn đề Đoàn kiểm tra yêu cầu.
Tại buổi kiểm tra, ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã bày tỏ: “Đây là cơ hội để các cơ quan, sở ban ngành tiếp tục nâng cao nhận thức tầm quan trọng của việc theo dõi thi hành pháp luật nói chung và trong các lĩnh vực trọng tâm nói riêng. Với những ưu điểm và hạn chế mà đoàn đã chỉ ra, UBND TPHCM và các Sở, ngành sẽ tiếp thu, quan tâm và có những bước xử lý phù hợp”.
Trên cơ sở kết quả làm việc, báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành tại TPHCM, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024 đã được lãnh đạo UBND TPHCM quan tâm, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và đã đạt được một số kết quả nhất định.
Công tác chỉ đạo điều hành đã được chú trọng; công tác thanh tra, kiểm tra đã được thực hiện; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành đã được chú trọng triển khai.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện và cần được tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh nâng cao hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Thay mặt Đoàn công tác liên ngành, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị UBND TPHCM thời gian tới tiếp tục hoàn thiện, chỉnh sửa Báo cáo, trong đó bổ sung thêm các số liệu cụ thể mà các thành viên Đoàn công tác liên ngành đã đặt vấn đề; tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ về ý nghĩa, vai trò của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Đồng thời, triển khai liên tục, hiệu quả và đồng bộ Kế hoạch số 6555/KH-UBND ngày 29/12/2023 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2024 trên địa bàn Thành phố, trong đó tập trung tăng cường năng lực phản ứng chính sách và bảo đảm các điều kiện cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Rà soát, hoàn thiện và kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; tăng cường thanh tra công vụ, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; quản lý thuế; xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm; quan tâm kiện toàn tổ chức, biên chế và tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, bố trí kinh phí và các điều kiện bảo đảm khác theo quy định.
LS