Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: VGP |
Tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương
Có thể nói công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực sự có chuyển biến rõ rệt từ khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1642/QĐ-TTg, ngày 19/8/2016 về việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) làm Tổ trưởng.
Hơn một năm qua, kể từ khi thành lập đến nay, Tổ đã tiến hành kiểm tra được 40 cuộc, trong đó 4 tháng cuối năm 2016 kiểm tra được 13 cuộc, năm 2017 đã kiểm tra được 27 cuộc. Trong 27 cuộc kiểm tra của năm 2017 có 7 cuộc kiểm tra bộ, cơ quan, địa phương, Tập đoàn, Tổng Công ty về nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; 20 cuộc kiểm tra về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và kiểm tra chuyên ngành nhằm tháo gỡ những khó khăn về xuất nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp.
Các bộ, ngành, địa phương - những đơn vị trực tiếp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đến kiểm tra đều cho rằng, việc thành lập Tổ Công tác của Thủ tướng đã tạo ra một áp lực theo nghĩa “tích cực”, thường xuyên gắn với nhiệm vụ cụ thể, trực tiếp của từng bộ, ngành, địa phương.
Nhiều bộ cho rằng, Tổ công tác tới kiểm tra như một cơ hội để các bộ rà soát lại tất cả những nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, là cơ hội để Bộ chấn chỉnh lại kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Trước các cuộc kiểm tra chuyên ngành, có những nhiệm vụ, công việc thậm chí động chạm đến lợi ích của các bộ, Vụ Tổng hợp (Văn phòng Chính phủ) - Thường trực Tổ công tác cùng các vụ chuyên ngành của Văn phòng Chính phủ và Cổng TTĐT Chính phủ tập hợp những dư luận mà báo chí phản ánh, ý kiến của người dân và doanh nghiệp để tổng hợp, tham mưu giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP kiểm tra đối đối với các Bộ, cơ quan, địa phương về những vấn đề còn bất cập này.
Sau các đợt kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã báo cáo tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng. Đồng thời, có thông báo kết luận của Tổ công tác gửi từng bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra. Các báo cáo, thông báo kết luận của Tổ công tác đã đánh giá đầy đủ, khách quan, trung thực những kết quả đạt được của bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, yếu kém, dư luận quan tâm, bức xúc, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Thông qua các buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao của bộ, cơ quan, địa phương để có biện pháp thực hiện, bảo đảm đúng tiến độ. Hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng đã có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, cơ quan, địa phương. Việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao được các bộ, cơ quan, địa phương chú trọng, quan tâm hơn, kết quả chuyển biến rất tích cực, số nhiệm vụ quá hạn giảm nhiều so với thời điểm trước đó.
5 bài học thành công của Tổ công tác
Để có được những kết quả tích cực trên, trước hết Thường trực Tổ công tác phải luôn bám sát nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm; bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng hàng ngày, hàng tháng và bám sát những nhiệm vụ cần giải quyết cấp bách. Từ đó xây dựng kế hoạch kiểm tra.
Thứ hai, Thường trực Tổ công tác phải phối hợp rất chặt chẽ với các vụ, cục, đơn vị chức năng của VPCP và các bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra. Trong quá trình phối hợp làm việc không tránh khỏi những khó khăn, nhưng với tinh thần tăng cường đoàn kết, giúp đỡ, chia sẻ với đồng chí, đồng nghiệp trong công việc, vượt lên sự khác biệt, cùng thống nhất ý trí để tạo sự đồng thuận trong công việc.
Thứ ba, các đồng chí được giao nhiệm vụ Thường trực, giúp việc cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhiệt tình, tận tâm, tận lực, trách nhiệm với công việc được giao; giữ nghiêm kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính, đeo bám công việc, thực hiện phương châm “việc hôm nay không để ngày mai”.
Thứ tư là vai trò của người đứng đầu, vai trò Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã chỉ đạo rất quyết liệt từ khâu chuẩn bị nội dung kiểm tra để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất cho các bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra. Tổ trưởng Tổ công tác đi sâu vào giải quyết những vấn đề từ những chính sách mang tầm vĩ mô như các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, giải ngân vốn, chương trình xây dựng pháp luật, đến các vấn đề rất cụ thể như: Muối iốt, chính sách thuế cho lượng vải dư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu nằm trong định mức 3% tiết kiệm được của doanh nghiệp…
Thứ năm, công tác thông tin, truyền thông đã giúp cho kết quả kiểm tra của Tổ công tác có sức lan tỏa mạnh mẽ đến tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, cơ quan, địa phương, đến người dân và doanh nghiệp.
Với những kết quả đạt được, Tổ Công tác đã được Thủ tướng đánh giá cao và Thủ tướng đã tặng Bằng khen của Thủ tướng cho 6 thành viên Tổ công tác, trong đó có Thường trực Tổ công tác.
Trong năm 2018, Tổ công tác tiếp tục kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt tập trung kiểm tra: Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018, kiểm tra chuyên đề về công tác xây dựng luật, pháp lệnh, các Nghị quyết số 19, Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số 35a/NQ-CP, Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ... và kiểm tra chuyên đề đối với các nhiệm vụ giao có tính cấp bách, cần khẩn trương cần thực hiện. Tổ công tác sẽ tiến hành kiểm tra việc thực hiện các giải pháp liên quan đến bảo đảm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 và cắt giảm điều kiện kinh doanh; kiểm tra công tác cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Từ 1/1/2017 đến 31/12/2017 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 21.914 nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan, địa phương. Nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành chỉ chiếm 1,38% (nhiệm vụ quá hạn năm 2014 là: 28,9%; năm 2015 là: 26,7%; năm 2016: Trước tháng 7/2016 thời điểm chưa có Tổ công tác của Thủ tướng là 25%, và đến 31/12/2016 còn 3,2%). |
Vũ Thiện Vương