In bài viết

Tổ công tác của Thủ tướng đề nghị Ninh Bình đẩy mạnh tinh giản biên chế

(Chinhphu.vn) – Hiện nay, việc tinh giản biên chế của tỉnh Ninh Bình còn chậm. Tỉnh cần phấn đấu đến 2021 giảm tối thiểu 10% đối với công chức và viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

29/06/2018 19:47

Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Tổ trưởng Tổ công tác làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc và kiểm tra hoạt động công vụ tại tỉnh Ninh Bình.

Báo cáo tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn cho biết, năm 2015 tỉnh được Bộ Nội vụ giao 1.753 biên chế; năm 2016 là 1.753 biên chế; năm 2017 là 1.726 biên chế; năm 2018 là 1.701 biên chế. UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết và UBND tỉnh đã ban hành quyết định giao chỉ tiêu biên chế cho các cơ quan, đơn vị theo đúng quy định.

Về quản lý biên chế sự nghiệp, năm 2015 HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về việc quyết định tổng biên chế sự nghiệp của tỉnh là 21.159 biên chế; năm 2016 là 21.499 biên chế; năm 2017 là 21.113 biên chế; năm 2018 tỉnh được Bộ Nội vụ thẩm ddinhj20.655 biên chế sự nghiệp và 508 hợp đồng lao đọng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP.

Về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, UBND tỉnh đã phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm thuộc 8/8 UBND huyện, thành phố và 20/20 cơ quan Sở và tương đương theo đúng Quyết định số 2044/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; đồng thời chỉ đạo việc tuyển sụng, sử dụng công chức trong các cơ quan, đơn vị theo đúng vị trí việc làm, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức.

Về tinh giản biên chế, UBND tỉnh đã thực hiện tinh giản 84 biên chế công chức (năm 2015 tinh giản 32 biên chế, năm 2017 là 27 biên chế; năm 2018 là 28 biên chế); đã tinh giản 1.139 biên chế sự nghiệp và 14 hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP.

Thực hiện việc sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy theo sự điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, số lượng các phòng, Chi cục, đơn vị trực thuộc Sở đã giảm 6 phòng và sáp nhập một số phòng vào một số Chi cục thuộc Sở NNPTNT.

Việc sắp xếp, kiện toàn, sáp nhập, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập cũng đã thực hiện có hiệu quả: Đã thu gọn 27 đầu mối (từ 35 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng xuống còn 8 Ban trực thuộc UBND cấp huyện) và giảm 16 đơn vị sự nghiệp công lập.

Công tác tuyển dụng công chức, viên chức, từ tháng 6/2012 đến nay, đã tuyển dụng 19 công chức, 6.405 viên chức, trong đó có 799 viên chức tuyển dụng theo chính sách thu hút của tỉnh. Về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức, viên chức, từ tháng 6/2012 đến nay đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cho 2.943 lượt lãnh đạo quản lý…

Phát biểu tại buổi kiểm tra, các thành viên Tổ công tác đánh giá cao công tác chuẩn bị của UBND tỉnh phục vụ buổi kiểm tra, báo cáo đầy đủ, chi tiết theo yêu cầu của Tổ công tác. Tuy nhiên, còn một số vần đề thực hiện chưa tốt hoặc cần làm rõ, cần bổ sung vào báo cáo.

Cụ thể, tỉnh cần bổ sung kết quả việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa, giao tiếp công sở, từ kết quả đạt được sẽ làm cơ sở để đánh giá, xếp loại đối với công chức, viên chức, điều đó có tác động đến kết quả cải cách hành chính của tỉnh. Bổ sung, làm rõ việc số lượng hợp đồng lao động theo Nghị định định số 68/2000/NĐ-CP cao hơn so với chỉ tiêu được giao.

Về tuyển dụng công chức và viên chức cần xác định điều kiện, tiêu chuẩn cho phù hợp với tình hình thực tế và đúng với quy định pháp luật. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, kiểm tra lại những trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn hoặc không đúng trình tự, thủ tục phải nghiêm túc xử lý. Ninh Bình là một trong 14 Bộ, ngành và 22 địa phương thực hiện thí điểm việc thi tuyển lãnh đạo, quản lý, tuy nhiên việc triển khai chưa được quyết liệt và đầy đủ.

Về công tác xử lý trách nhiệm sau kết luận thanh tra, UBND tỉnh mới đưa vào báo cáo 2 kết luận, còn một kết luận chưa được nêu trong báo cáo. Đặc biệt, vấn đề nổi cộm hiện nay là tình hình quản lý, sử dụng đất và tài sản công cũng cần có báo cáo đánh giá, làm rõ quy trình cho thuê, sử dụng.

Đề nghị UBND tỉnh quan tâm triển khai, xây dựng quy chế tiếp cận thông tin của cơ quan, đơn vịtheo quy định của Luật tiếp cận thông tin có hiệu lực từ ngày 1/7/2018, tránh tình trạng khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến cung cấp thông tin.

Báo cáo, giải trình làm rõ thêm các vấn đề thành viên Tổ công tác nêu ra, lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành đã tiếp thu, giải trình các vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng biên chế công chức, viên chức và hợp đồng lao động; vần đề bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; tinh giản biên chế; chính sách thu hút; xử lý kết luận sau thanh tra… Đồng thời, tỉnh cũng kiến nghị, đề xuất và mong muốn được giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Kết luận buổi kiểm tra, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đánh giá cáo công tác chuẩn bị của Ninh Bình, báo cáo với các phụ lục số liệu, các ý kiến giải trình đầy đủ; thành phần tham dự đầy đủ lãnh đạo các sở, ngành và lãnh đạo UBND cấp huyện, thể hiện sự cầu thị của lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo các cấp.

Về biên chế sử dụng vượt chỉ tiêu trong các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng đề nghị tỉnh chủ động xử lý dứt điểm hoặc chuyển sang tự chủ hoàn toàn.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần có kế hoạch đẩy mạnh việc tinh giản biên chế theo lộ trình, hiện nay, việc tinh giản biên chế của tỉnh còn chậm, phấn đấu đến 2021 giảm tối thiểu 10% đối với công chức và viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Khẩn trương xây dựng đề án xác định vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

UBND tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; rà soát, xử lý các quy định về tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm chưa đúng quy định hiện hành.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị UBND tỉnh tiếp thu đầy đủ ý kiến thành viên Tổ công tác để tổng hợp báo cáo, trình Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 6. Đồng thời, Tổ công tác cũng ghi nhận các ý kiến đề xuất của tỉnh để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng ban hành văn bản./.