Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc tại UBND TP. Hải Phòng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ngày 19/9, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác dẫn đầu đã kiểm tra tại Cục Hải quan TP. Hải Phòng và UBND TP. Hải Phòng.
Buổi kiểm tra dự kiến diễn ra trong một ngày, nhưng Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu gộp 2 cuộc làm việc vào làm một trong buổi sáng để tiết kiệm thời gian.
Việc kiểm tra tại Hải quan Hải Phòng nhằm nắm tình hình thực tế các doanh nghiệp làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu - một trong những trọng tâm cải cách đã được Chính phủ xác định tại Nghị quyết 19. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn có vai trò quan trọng nhất với phát triển kinh tế.
Tổ công tác đã trực tiếp kiểm tra thực địa tại Chi cục Hải quan Hải phòng khu vực 3 và cảng Đình Vũ, nơi các doanh nghiệp làm thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra thú y… thuộc quản lý của các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ.
Trong buổi làm việc ngay sau đó với lãnh đạo Hải Phòng cùng lãnh đạo nhiều bộ ngành, hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt xác định năm 2017 là năm giảm chi phí chính thức và phi chính thức cho doanh nghiệp.
Hiện thời gian kiểm tra chuyên ngành là rất dài, chiếm tới 78% tổng thời gian thông quan hàng hóa, còn thời gian của Hải quan chỉ 22%. Theo Hải quan Hải Phòng, Hải quan làm thủ tục theo quy định không quá 50 giờ nhưng vẫn phải chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành, khiến thời gian thông quan trung bình khoảng 10 ngày.
Theo tính toán của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, mỗi năm, doanh nghiệp mất 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí cho các thủ tục này.
“Ngay trong tuần, Tổ công tác sẽ kiểm tra Bộ Y tế và Bộ Công Thương về vấn đề này. Việc kiểm tra tốn chi phí, thời gian vô cùng lớn như vậy nhưng tỷ lệ lô hàng vi phạm chỉ phát hiện 0,06% là rất bất cập. Trong khi Hải quan chỉ kiểm tra khoảng 6% lô hàng, nhưng các bộ lại kiểm tra rất nhiều, như số lô hàng thực phẩm phải kiểm tra an toàn thực phẩm lên tới 60-70%”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu thực tế qua kiểm tra.
Cùng với đó, nhiều mặt hàng chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản, có mặt hàng tới 4 văn bản, nhiều mặt hàng chịu sự kiểm tra của 2-3 bộ, tức là phải làm 2-3 bộ thủ tục.
Tổ trưởng Tổ công tác cũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng yêu cầu ngành hải quan chấn chỉnh, quán triệt lực lượng hải quan toàn quốc trước việc các doanh nghiệp, báo chí vẫn phản ánh tình trạng cán bộ nhận phong bì của doanh nghiệp. Nếu phát hiện thì dù nhiều hay ít cũng phải rút kinh nghiệm.
Qua kiểm tra thực tế, Tổ trưởng Tổ công tác cũng nêu vấn đề, trong số 680.000 tờ khai hải quan 6 tháng đầu năm nay tại Hải Phòng, chỉ có 64.000 tờ khai thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành, tức là chỉ chiếm 9,44%. “Vậy thì tại sao thời gian thông quan lại dài như thế?”, ông nói.
Vấn đề thứ hai, việc kiểm tra chuyên ngành không hề có phân luồng như Hải quan, tức là kiểm tra 100%, trong khi nhiều lúc chỉ kiểm tra “mò mẫm” bằng cảm quan vì không có tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể .
“Kiểm tra chuyên ngành chỉ làm thủ tục giấy tờ là chính. Kiểm tra nhiều khi chỉ bằng cảm quan, phụ thuộc nhiều vào chủ quan, thậm chí có hôm khó tính thì cái nhìn cũng khác. Trong khi thu của doanh nghiệp 1,5 triệu đồng tiền phí”, Bộ trưởng nêu thực tế và cho rằng khoản phí 1,05 triệu đồng chỉ để làm thủ tục, hồ sơ này là cần xem xét lại. Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đồng tình rằng chỉ kiểm tra cảm quan mà thu 1,05 triệu đồng là “đắt quá”.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho rằng việc kiểm tra các sản phẩm công nghệ cao từ các nước G7 là không hợp lý. “Iphone 7, 8 sao cũng kiểm tra, khi ta không sản xuất được như họ, cũng không có phòng thí nghiệm?”, ông nói. Tinh thần của Chính phủ là vẫn phải bảo đảm quản lý Nhà nước, không thể bỏ việc kiểm tra, nhưng phải thay đổi phương thức kiểm tra, áp dụng kiểm tra rủi ro, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm…
Tổ công tác trao đổi với đại diện doanh nghiệp nộp hồ sơ thủ tục kiểm nghiệm thú y. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp như VCCI và trong các lĩnh vực như dệt may, vận tải tô tô, logistics… tiếp tục kiến nghị hàng loạt vấn đề liên quan tới kiểm tra chuyên ngành của các bộ và việc thu phí hạ tầng cảng biển tại Hải Phòng.
Ông Trương Văn Cẩm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho biết việc thu phí là đúng luật, nhưng mức phí quá cao mà làm gấp quá khiến doanh nghiệp “trở tay không kịp”. “Chúng tôi được biết trong 1 ngày, Hải Phòng thông qua 4 văn bản và cuối cùng thông báo cho doanh nghiệp cũng trong ngày”, ông Cẩm nói.
Hiệp hội Logistics cũng cho biết Honda nhập khẩu từng ống thép dài 5 m thép đặc biệt làm trục khuỷu, nhưng chúng ta lấy mẫu ít nhất 1 m và làm hỏng thêm 30-40 cm nữa, trong khi chúng ta khó có khả năng kiểm tra.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết cảng Hải Phòng vẫn còn rất kém cạnh tranh so với các cảng khác trong nước và khu vực. Chi phí cho kinh doanh của Việt Nam còn lớn. Chẳng hạn, một container đi từ Hải Phòng tới Yokohama (Nhật Bản) mất tới 1.000 USD, trong khi từ Quảng Châu chỉ mất có 170 USD. “Việc duy trì thu phí hạ tầng cảng biển chưa chắc đã tốt cho chính Hải Phòng. Hoạt động tạm nhập tái xuất qua cảng Hải Phòng có dấu hiệu giảm có thể do việc thu phí này”, ông Cung nhận định.
Nhận định tư duy quản lý của các Bộ chuyên ngành vẫn chưa thay đổi, “rất tù mù”, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng nếu các Bộ trưởng “chưa xuống đây mà xem quân của mình làm thực tế như thế nào là một khiếm khuyết lớn”.
Cả TS. Nguyễn Đình Cung và TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đều nhấn mạnh những bất cập tại Hải Phòng về hạ tầng giao thông có thể là nút thắt phát triển cho cả miền Bắc.
Giải trình, làm rõ về những vấn đề Tổ công tác đề cập, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho biết lãnh đạo Thành phố đã thảo luận kỹ, UBND Thành phố đang rà soát, tính toán lại việc thu phí hạ tầng cảng biển, theo hướng có mặt hàng sẽ được giảm phí. Các nội dung này sẽ được báo cáo HĐND Thành phố trong tháng 12 năm nay.
Tổ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng các kiến nghị của các cơ quan, đặc biệt TP. Hải Phòng đã có nhiều đề xuất mới. Đồng thời yêu cầu thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của Thủ tướng, các nhiệm vụ được giao.
Bộ trưởng nhắc lại rằng kiểm tra chuyên ngành đang tạo ra rào cản cực lớn với doanh nghiệp. Và việc cải cách hành chính, trong đó có các thủ tục chuyên ngành chính là dư địa với tăng trưởng.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tổ trưởng Tổ công tác cũng biểu dương Thành phố trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Từ đầu năm 2016 tới nay, Hải Phòng được giao 245 nhiệm vụ, trong đó có nhiều nhiệm vụ khó, nhưng đã hoàn thành 193 nhiệm vụ đúng thời hạn, còn 52 nhiệm vụ đang tiếp tục triển khai trong thời hạn. Cùng với đó, Hải Phòng đã đạt nhiều kết quả trong phát triển kinh tế-xã hội, đạt tốc độ tăng trưởng GDP ở mức hai con số trong nhiều năm, một điều ít địa phương làm được. TP năng động, có quyết tâm cao. Việc thu hút nguồn lực đầu tư cũng rất tốt với nhiều công trình, dự án có quy mô lớn, đặc biệt là việc khởi công dự án sản xuất ô tô ngày 2/9 vừa qua có nghĩa lớn không chỉ với Hải Phòng mà còn cho cả nước. Tuy nhiên, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc nhở Hải Phòng 3 vấn đề. Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa, quan tâm tới công tác quy hoạch để làm sao phát triển bền vững, có tầm nhìn, kết nối với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm, đầu tư trọng điểm cho hạ tầng… Thứ hai, quan tâm tới công tác khắc phục tai nạn giao thông và bảo đảm trật tự đô thị, nhất là khi số lượng xe container, xe đầu kéo… của thành phố cảng là vô cùng lớn so với các địa phương khác. Thứ ba, quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường để phát triển đô thị hiện đại, bền vững, nhất là trong lựa chọn các dự án đầu tư. |
Hà Chính