Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trao đổi về việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tài chính. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Clip buổi làm việc
Sau khi Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, trong phần lớn thời gian của cuộc làm việc, Tổ công tác cùng Bộ Tài chính trao đổi, phân tích, cùng làm rõ nguyên nhân khiến một số công việc được giao bị chậm tiến độ.
Bộ Tài chính rất cầu thị
Cụ thể, về việc xem xét, xử lý vấn đề ưu đãi thuế với 4 doanh nghiệp tại Đồng Tháp, hết hạn từ ngày 20/7, Tổng cục Thuế cho biết nguyên nhân do Bộ KHĐT chậm trả lời. Tuy nhiên trong tuần tới, Bộ KHĐT sẽ có văn bản, sau đó Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng.
Làm rõ hơn vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết khó khăn trong xử lý là sự vênh nhau giữa Luật Đầu tư và luật thuế về ưu đãi. Chẳng hạn một công ty ở Hà Nội mở dự án tại Hải Phòng, theo Luật Đầu tư thì được tính là dự án mới, còn theo luật thuế thì coi là dự án mở rộng nên ưu đãi chỉ bằng một nửa.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng những trường hợp như vậy rất phổ biến, cần có giải pháp xử lý tổng thể chứ không chỉ dừng lại với 4 trường hợp ở Đồng Tháp.
Về việc xây dựng dự thảo Quyết định thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư theo Nghị định 89 năm 2015 (liên quan tới phát triển thủy sản), Bộ Tài chính cho biết hiện Bộ NNPTNT chưa có ý kiến trả lời.
Trước vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị nếu gặp các trường hợp bộ ngành liên quan chậm trả lời, cần thông báo ngay cho VPCP để tham mưu cho Thủ tướng chỉ đạo, công việc sẽ nhanh hơn.
Về việc xây dựng hai văn bản hướng dẫn các nghị định liên quan đến hoạt động của hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trước giải trình của Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn không đồng tình.
“Nhiệm vụ tới 30/6 phải xong, dù thời hạn có ngắn nhưng tới 14/7 mới lấy ý kiến các Bộ là chậm, đến hôm nay vẫn chưa biết ý kiến các Bộ thế nào. Phải nghiêm khắc phê bình, tập trung làm rõ trách nhiệm. Bộ Tài chính xin nhận khuyết điểm và quyết tâm trình các văn bản này trước 30/9”, Thứ trưởng nêu rõ.
Về nhiệm vụ xây dựng Nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế, các ý kiến từ Bộ Tài chính và Tổ công tác đều cho rằng đây là vấn đề rất khó, rất phức tạp. Tuy nhiên, tinh thần là phải làm và không được cầu toàn. Các ý kiến đều thống nhất phải trình dự thảo Nghị định trước ngày 30/11.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Bộ luôn xác định nhiệm vụ xây dựng thể chế, hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Không đẩy việc lên Chính phủ, Thủ tướng
Kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá Bộ Tài chính đã nêu rõ nguyên nhân khiến các nhiệm vụ bị chậm tiến độ. Với những ý kiến nhắc nhở của Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính đã nghiêm túc kiểm điểm.
“Hôm qua, Bộ KHĐT cho biết đã có quy chế nội bộ về việc theo dõi, đánh giá việc thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng ngay từ ngày 19/4, tức là rất sớm, nhưng Bộ Tài chính còn có quy chế này sớm hơn, ngay từ 1/4. Hơn nữa, không chỉ giao việc cho từng vụ, cục mà còn giao đích danh từng cán bộ”, Tổ trưởng Tổ công tác nhận xét.
Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, Bộ Tài chính cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo của Thủ tướng, hết sức quan tâm tới xây dựng cơ chế chính sách, đặc biệt tham gia xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời cũng cần hết sức quan tâm cơ chế quản lý trụ sở, tài sản công, cơ chế liên quan tới các đơn vị sự nghiệp công lập…
Với những việc được giao từ đầu năm, Bộ đã hoàn thành khá tốt, theo số liệu thống kê chỉ có 5 đầu việc quá hạn.
Chia sẻ những kinh nghiệm tại VPCP, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin. “Cán bộ VPCP khi tiếp nhận văn bản điện tử là bắt đầu xử lý công việc, vài ngày sau khi văn bản giấy đến nơi là việc đã xong, có thể trình ngay. Làm xong sớm 1 giờ, 1 ngày thì có lợi cho xã hội rất nhiều. Tại VPCP, không được phép đặt ra những câu hỏi kiểu như “sao cậu này làm nhanh thế”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra VPCP cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, như hệ thống theo dõi chưa cập nhật đầy đủ các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng giao cho các bộ ngành, địa phương. Đồng thời rút kinh nghiệm một số trường hợp giao việc không đúng thẩm quyền hay thời hạn giao việc quá gấp, dù những trường hợp như vậy chỉ là số ít.
Riêng về cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương – vấn đề nổi lên qua các cuộc kiểm tra, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp VPCP Đinh Dũng Sỹ cho biết sắp tới Chính phủ sẽ ban hành quy chế làm việc mới. Theo đó phải thực hiện cho được quy định khi lấy ý kiến các Bộ mà không trả lời thì coi như đồng ý và Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm chính trị trước Thủ tướng, đồng thời phải giải trình tại phiên họp Chính phủ.
Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị, với những vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa các Bộ trong quá trình phối hợp, cần thông báo cho VPCP để tổ chức thảo luận, bàn bạc trực tiếp, đi tới thống nhất, giải quyết vấn đề, không giải quyết được mới trình Chính phủ, Thủ tướng, tinh thần là không đẩy việc lên Chính phủ, Thủ tướng.
“Quan điểm khác nhau là bình thường. Chẳng hạn như Bộ Tài chính vướng với Bộ KHĐT, thì ba ông Bộ trưởng cùng tên Dũng (Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng – BT) ngồi lại với nhau chắc sẽ giải quyết được”, Bộ trưởng chia sẻ.
Hà Chính