Báo cáo việc rà soát, xử lý các tồn tại, hạn chế trong thực hiện Đề án 06 theo văn bản số 8742/CQTT ngày 22/11/2023 của Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Lê Tuấn Phong chỉ ra một số tồn tại như: việc thực hiện 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông (gồm: Thủ tục Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Thủ tục Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí) còn một số vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; 04 vấn đề được nêu tại văn bản số 8742/CQTT cơ bản phản ánh theo thông tin, số liệu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tuy nhiên chưa phản ánh đúng thực tiễn giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Bộ Tư pháp.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan thực hiện nhiệm vụ tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với 02 dịch vụ công liên thông (gồm: Thủ tục thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí tòa án; Liên thông nhóm thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và đăng ký kết hôn); đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 04/7/2017 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; tiến độ số hóa, tạo lập dữ liệu hộ tịch ngành Tư pháp.
Theo đó, Bộ Tư pháp đề xuất Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp triển khai các công việc như điều chỉnh, nâng cấp, hoàn thiện quy trình, phần mềm Dịch vụ công liên thông, bảo đảm phù hợp với quy trình một cửa, một cửa liên thông trong tiếp nhận hồ sơ hành chính; Bộ Công an tạo điều kiện tốt nhất cấp số định danh cá nhân, bảo đảm kịp thời giải quyết các TTHC liên thông; Văn phòng Chính phủ tham mưu Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định liên thông 02 nhóm TTHC; quan tâm, chỉ đạo phối hợp với Bộ Tư pháp để xử lý các vấn đề kỹ thuật liên quan đến thông tin dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để đảm bảo phản ánh chính xác thực tiễn cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Bộ Tư pháp; phối hợp cử báo cáo viên tập huấn chuyên đề về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại lớp tập huấn cho cán bộ thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC của Bộ Tư pháp, dự kiến tổ chức trong tháng 12/2023.
Đối với việc thực hiện liên thông nhóm thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và đăng ký kết hôn, Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh cần được nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm cung cấp biểu mẫu điện tử (e-form) phù hợp để người dân nộp được hồ sơ; kết nối, trao đổi dữ liệu giữa Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh với Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp để giải quyết hồ sơ theo đúng quy trình; chỉ đạo UBND các tỉnh/thành phố chú trọng đầu tư hạ tầng, kỹ thuật, nâng cấp phần mềm hệ thống để kết nối, bố trí trang thiết bị cần thiết, đồng bộ để phục vụ giải quyết TTHC liên thông.
Tại phiên họp, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ đã cùng trao đổi, thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm triển khai có hiệu quả Đề án 06 trong thời gian tới như: giải pháp tháo gỡ về hạ tầng, công nghệ thông tin; kinh phí trong triển khai Đề án 06; số hóa dữ liệu quốc gia về dân cư,...
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, Tổ công tác Đề án 06 đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong thời gian qua, tuy nhiên cần tiếp tục đảm bảo lộ trình, bước đi của Đề án 06. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng đề nghị Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với C06 để thống nhất những vấn đề chưa được đồng bộ, cần có sự liền mạch, chính xác, cụ thể trong định danh, số hóa trên dữ liệu quốc gia về dân cư; Văn phòng Chính phủ chủ trì, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện 02 nhóm dịch vụ công liên thông, bảo đảm vận hành thông suốt, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhất trí cao với các đề xuất mà Bộ Tư pháp đưa ra, tuy nhiên Tổ công tác cần khẩn trương rà soát, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của phát triển công nghệ trong thời kỳ toàn cầu hóa; tại các địa phương, người đứng đầu của mỗi địa phương cần hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện, triển khai Đề án 06, chỉ đạo giải quyết vấn đề về ngân sách, hạ tầng kỹ thuật cũng như nhân lực công nghệ thông tin,…
Thay mặt Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu trong cuộc họp Thường trực Tổ công tác. Bộ trưởng đề nghị khẩn trương điều chỉnh, nâng cấp, hoàn thiện quy trình, phần mềm Dịch vụ công liên thông, bảo đảm phù hợp với quy trình một cửa, một cửa liên thông trong tiếp nhận hồ sơ hành chính; Bộ Công an tạo điều kiện tốt nhất trong việc cấp số định danh cá nhân, bảo đảm kịp thời giải quyết các TTHC liên thông; chỉ đạo UBND các tỉnh/thành phố chú trọng đầu tư hạ tầng, kỹ thuật, nâng cấp phần mềm hệ thống để kết nối, bố trí trang thiết bị cần thiết, đồng bộ để phục vụ giải quyết TTHC liên thông.
LS