Sau gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 - CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội", Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk tham mưu cấp ủy, chính quyền huy động nguồn lực, tạo lập nguồn vốn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhờ đó, nguồn vốn ưu đãi được triển khai rộng khắp, hỗ trợ đắc lực chương trình phát triển kinh tế - xã hội, làm rạng sáng hơn một chính sách mang đầy tính nhân văn.
Cả hệ thống chính trị chăm lo cho người nghèo
Huyện Lắk nằm phía đông nam tỉnh Đắk Lắk, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1998. Đây là huyện ATK, khu căn cứ cách mạng H10 có nhiều đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với truyền thống cách mạng, son sắt với Đảng, với Bác Hồ. Huyện có 63% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người M'Nông, Ê Đê và một số đồng bào dân tộc phía bắc vào lập nghiệp sau ngày giải phóng.
Sau khi có Chỉ thị 40 - CT/TW, Huyện ủy chủ trương xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Với sự vào cuộc đầy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai đồng bộ các chương trình, dự án hỗ trợ cho người nghèo phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, qua đó, tỉ lệ hộ nghèo ở huyện Lắk giảm nhanh qua từng năm.
Ông Bùi Quang Tuyên, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Lắk cho biết, Phòng giao dịch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội để cung cấp thông tin chính xác, phản ánh kịp thời các hoạt động triển khai Chỉ thị số 40 -CT/TW; các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước; hướng dẫn tiêu chí bình xét đối tượng vay vốn, thủ tục vay vốn, phối hợp lồng ghép với các chương trình kinh tế - xã hội khác nhằm nâng cao hiệu quả vốn vay, giúp người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo. Từ đó đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện. Công tác phối hợp giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, chất lượng ủy thác ngày càng được nâng cao.
Đặc biệt, nguồn vốn ủy thác của địa phương được cấp ủy, chính quyền quan tâm, hằng năm ưu tiên dành một phần ngân sách chuyển ủy thác sang NHCSXH để cho vay luôn tăng trưởng. Mô hình tổ chức và phương thức quản lý phù hợp với thực tiễn cơ sở, huy động được nhiều nguồn lực, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Hiệu quả thực chất từ đồng vốn nhân văn
Theo đồng chí Nguyễn Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Lắk, Huyện ủy, UBND huyện luôn dành sự quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của NHCSXH trên địa bàn, góp phần đẩy nhanh các chương trình cho vay đến các đối tượng thụ hưởng. Hằng năm, huyện đều cân đối, bố trí vốn chuyển sang Phòng giao dịch NHCSXH huyện để bổ sung nguồn vốn, nâng tổng số vốn ngân sách địa phương ủy thác đến nay lên trên 18,714 tỷ đồng. Tổng dư nợ qua 13 chương trình tín dụng chính sách tại địa phương đến nay đạt hơn 562 tỷ đồng, giúp cho 10.762 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi vay vốn phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững qua từng giai đoạn.
Năm 2023, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã giải ngân 123 tỷ đồng cho hơn 2.800 lượt khách hàng vay vốn, tổng dư nợ đạt hơn 530 tỷ đồng, với 10.700 khách hàng còn dư nợ, tỉ lệ tăng trưởng đạt 9,8%. Nguồn vốn cho vay tín dụng chính sách từ NHCSXH huyện đã tạo điều kiện cho trên 3.993 lượt hộ nghèo, 2.343 lượt hộ cận nghèo và 1.069 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn để đầu tư, sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, tạo ra sản phẩm, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nguồn vốn cho vay đã giúp cho 2.583 lượt hộ gia đình ở nông thôn được vay vốn đầu tư xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; 460 lao động được vay vốn tạo việc làm; 2.075 hộ gia đình sinh sống ở vùng khó khăn được vay vốn. Qua đó đã tạo điều kiện để người dân có nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.
Triển khai thực hiện cho vay ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 của Chính phủ "Về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" cho 21 hộ với số tiền 1,31 tỷ đồng; giải ngân 590 triệu đồng cho 7 trường hợp chấp hành xong án phạt tù theo theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ "Về tín dụng đối với người chấp hành án phạt tù".
Những ngày đầu tháng 6/2024, chúng tôi đến thăm gia đình ông Y Phơi Lưk, buôn Cũa Tắk, xã Yang Tao từng là hộ nghèo lâu năm, bởi đất sản xuất ít, nghề nghiệp không ổn định. Nhờ được vay 30 triệu đồng của NHCSXH mà gia đình ông đã vươn lên thoát khỏi hộ nghèo. Đầu năm nay, ông tiếp tục được vay 100 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ cận nghèo. Đây là 1 trong 10 hộ được vay vốn với mức cao nhất trên địa bàn huyện. Với số tiền này, ông đã mua 11 con bò về nuôi. Ông cho biết, nhờ có nguồn cỏ ổn định nên bò nhanh lớn, thu nhập phụ từ chăn nuôi giúp ông có tiền trả lãi hằng tháng. Thời gian tới, khi bò sinh sản, tăng đàn, ông sẽ bán một phần để trả nợ và tăng thêm quy mô chăn nuôi.
Còn gia đình anh Lương Văn Mau, buôn Thái, xã Bông Krang cũng là một trong những hộ được hưởng lợi từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Gia đình anh có 9 sào đất, nhưng lâu nay trồng cây gì hiệu quả cũng thấp. Năm 2023, gia đình vay 40 triệu đồng theo Chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Anh dùng vốn trồng dâu nuôi tằm. Nhờ nghề mới này, mỗi tháng gia đình anh thu nhập được 12 triệu đồng. Sắp tới, anh dự định tiếp tục mở rộng quy mô để tăng thêm thu nhập.
Hộ anh Cù Ngọc Út ở buôn Dơng Yang, xã Yang Tao là trường hợp được nhận gói tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, giữa năm 2023, anh được vay 100 triệu đồng, điều này giúp anh hòa nhập với cộng đồng, tự tạo việc làm, sinh kế cho bản thân, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Ông Nay Y Phú, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lắk tâm sự, những năm trước đây, huyện Lắk nằm trong danh sách 74 huyện nghèo của cả nước. Nhưng với nỗ lực lớn, quyết tâm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, tháng 3/2022, huyện Lắk chính thức thoát khỏi danh sách huyện nghèo. Đây là thành quả của cả hệ thống chính trị đồng lòng, vượt lên gian khó mà có được, rất đáng trân trọng.
Có thể khẳng định, đồng vốn nhân văn đã bắc nhịp cầu phát triển kinh tế bền vững không chỉ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên quê hương Lắk anh hùng mà hơn cả là vì sự phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Huy động được nguồn vốn tăng trưởng nhanh, nợ quá hạn thấp, dòng vốn tín dụng chính sách đã và đang chảy đều đặn, thấm sâu trong lòng đất, nảy mầm, sinh sôi trên những vùng đất dọc dòng Krông Ana muôn đời thao thiết chảy…
Ông Bùi Quang Tuyên, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lắk nêu quyết tâm: Thời gian tới, Phòng giao dịch huyện tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, bảo đảm 100% người nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện và có nhu cầu đều được vay vốn. Triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi mới của Chính phủ. Đặc biệt, đơn vị chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, đạo đức nghề nghiệp tốt, có phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, luôn gần dân, sát dân với phương châm "Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ".
Nguyễn Văn Chiến