Thế giới và đất nước Việt Nam đã và đang có những bước phát triển vượt bậc, với những thành tựu ngày càng to lớn và tiếp tục có những đổi thay, nhưng có thể khẳng định những di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống mãi! Những luận giải khoa học của lịch sử dân tộc và thời đại cho đến nay là minh chứng khẳng định những di sản của Hồ Chí Minh là đúng đắn và có giá trị bền vững đối với cách mạng Việt Nam, cũng như tầm nhìn thời đại của Người cho đến hôm nay và mai sau.
Việc tìm thấy con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự kết tinh những giá trị của dân tộc và thời đại mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đã thâu thái, vận dụng và mang đến sự phát triển thịnh vượng cho Việt Nam chúng ta.
Đó là một nền độc lập thực sự, độc lập hoàn toàn. Ý nghĩa và giá trị thực sự của độc lập dân tộc phải được thể hiện bằng quyền tự do và hạnh phúc của nhân dân, phải gắn bó với thống nhất đất nước, với khối đại đoàn kết toàn dân tộc và với nhân dân lao động trên thế giới. Người cũng hết sức coi trọng tình đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam với các lực lượng yêu chuộng hòa bình, tự do và công lý trên toàn thế giới, hình thành trên thực tế một mặt trận nhân dân tiến bộ thế giới ủng hộ Việt Nam, góp phần đưa hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn. Hồ Chí Minh đặt cách mạng Việt Nam hòa vào xu thế của thời đại, coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới, có nhiệm vụ đóng góp tích cực vào việc xoá bỏ áp bức bóc lột trên toàn thế giới.
Với việc nắm bắt chính xác xu thế phát triển của thời đại gắn liền với tính chủ động, sáng tạo, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối chiến lược, sách lược và phương pháp cách mạng đúng đắn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Độc lập cho dân tộc mình đồng thời độc lập cho tất cả các dân tộc khác trên thế giới không phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giành độc lập dân tộc để tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam cho đến ngày nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc vẫn còn nguyên giá trị trong cuộc đấu tranh vì độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin.
Các bài viết tham luận với chủ đề: Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam; Phát huy giá trị di sản tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh hiện nay; Xây dựng Đảng là đạo đức, là văn minh dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh; Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước liêm chính, kiến tạo, phục vụ hiện nay; Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay;… đã góp phần khẳng định và làm rõ những giá trị lý luận và giá trị thực tiễn của tư tưởng và sự nghiệp mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng, vun đắp, rèn luyện tổ chức Đảng cầm quyền, xứng đáng với kỳ vọng của dân tộc và mong muốn của đồng bào từ Bắc chí Nam. Mỗi lời chỉ dạy, mỗi hành động cách mạng của Người tỏ rõ tính toàn diện, khoa học và nhân văn trong việc xây dựng tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thực sự vừa "hồng", vừa "chuyên", phải nâng tầm bản thân nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.
Lãnh tụ Hồ Chí Minh có tầm nhìn vượt trước thời đại và những tiên đoán chính xác, được lịch sử ghi nhận và minh chứng. Cho đến nay, những nguyên tắc sinh hoạt Đảng; nguyên tắc, phương châm, phương pháp giáo dục và bồi dưỡng cán bộ các cấp; về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu luôn là bài học quý báu trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Hồ Chí Minh được thừa nhận là biểu tượng sáng ngời của sự tích hợp văn hoá Đông - Tây kim cổ, đó là kết quả của một đời không ngừng học tập và thâu thái các giá trị văn hóa tốt đẹp, đồng thời, Người luôn biết xuất phát từ bản sắc của văn hoá dân tộc để tiếp thu và biến hoá những giá trị của loài người, làm phong phú vốn văn hoá của mình mà vẫn giữ được tinh thần thuần tuý Việt Nam.
Nền văn hóa mới của Việt Nam, theo Người, phải thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng, "văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi". Văn hóa phải chống lại tham nhũng, lười biếng, phù hoa xa xỉ. Văn hóa phải làm cho mỗi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc mà mình được hưởng. Vì vậy, trong bất kỳ điều kiện nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chú trọng phát triển văn hóa, nâng cao dân trí, giáo dục đạo đức, tạo điều kiện cho mỗi người dân phát huy năng lực sẵn có của mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là gốc, là nền tảng của con người, của xã hội, giống như gốc của cây, nguồn của sông suối. Người là tấm gương sáng ngời về việc tự tu mình, tự trau dồi mình, tự rèn luyện mình và tự phê bình mình để không ngừng tiến bộ. Đó là cả cuộc đời tự học và tự tu dưỡng suốt đời. Người là biểu tượng mẫu mực về sự nhất quán giữa tư tưởng và hành động, giữa nói và làm. Người là hiện thân của sự toàn mỹ về văn hóa, đạo đức: yêu đồng bào, yêu nhân loại; uyên bác mà cực kỳ khiêm tốn; triệt để cách mạng và vô cùng nhân từ; vĩ đại mà rất mực bình dị; chói sáng mà không choáng ngợp… Người là mẫu hình về nhân cách và phong cách cao đẹp của người cách mạng, là vị lãnh tụ gần gũi nhân dân, là sự kết tinh những giá trị cao quý nhất của văn hóa, đạo đức Việt Nam.
Tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh là sự nghiệp thấm đẫm giá trị nhân văn cao cả. Từ đấu tranh cách mạng đến xây dựng xã hội mới cũng là vì con người. Người đã từng khái quát về triết lý cuộc sống: "Nghĩ cho cùng, mọi vấn đề là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại khổ đau bị áp bức"[1]. Từ tình yêu đồng bào mình, dân tộc mình, Người mở rộng lòng yêu thương đó đến tất cả nhân loại cần lao. Đặc biệt, Hồ Chí Minh có niềm tin vào sức mạnh và tính sáng tạo của con người, của nhân dân. Người khẳng định: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa"[2].
Muốn xây dựng, kiến thiết chế độ mới thành công thì phải dựa và dân, đem tài dân, sức dân và đại đoàn kết nhân dân để làm lợi cho dân. Đó là những bài học vô giá cho lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân về tinh thần xây dựng chiến lược quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên cơ sở thế trận lòng dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hồ Chí Minh là người đã bắc những nhịp cầu hữu nghị, đẩy mạnh việc giao lưu, tiếp xúc, nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc - một cơ sở để duy trì và củng cố hòa bình. Người khẳng định Việt Nam là "một bộ phận trong phe hòa bình, dân chủ thế giới"[3], Hồ Chí Minh đã xác định chính sách đối ngoại của Việt Nam là "làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai"[4], "nhằm xây đắp nền hòa bình thế giới"[5]. Suốt đời mình, Người luôn chăm lo xây dựng, vun đắp cho tình hữu nghị, hợp tác và đoàn kết giữa nhân dân các nước theo tinh thần "bốn phương vô sản đều là anh em"[6], không phân biệt chủng tộc, màu da.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đặt nền móng cho chính sách mở cửa và hợp tác rộng rãi của Việt Nam với thế giới trên mọi lĩnh vực. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, mở cửa và hợp tác đối với Việt Nam vừa là nhu cầu, vừa là điều kiện quan trọng để phát triển đất nước. Chỉ có thông qua hợp tác quốc tế, Việt Nam mới nhanh chóng khắc phục được những yếu kém của nền kinh tế và khai thác tốt hơn những tiềm năng to lớn sẵn có của đất nước. Với cách nhìn nhận đó, Người chủ trương "mời những nhà chuyên môn Pháp, cũng như Mỹ, Nga hay Tàu giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia"[7], nhằm khuyến khích các đối tác nước ngoài hợp tác trên những lĩnh vực mà Việt Nam còn yếu, chưa có điều kiện khai thác, nhằm thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế, cho sự phát triển mọi mặt của đất nước.
Hơn 60 năm cho đến nay, việc gìn giữ thi hài lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng với việc sưu tầm, bảo quản, tuyên truyền, phổ biến và phát huy những hiện vật, tư liệu, di tích có liên quan đến Người đã đạt được những thành tựu to lớn, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tôn vinh.
Hiện nay, hệ thống di tích lưu niệm cùng hàng chục nghìn các di vật về Người hiện hữu ở 35 tỉnh thành Việt Nam[8] và khắp các châu lục trên thế giới (châu Á, châu Âu, châu Mỹ...). Trên thế giới đã có 22 quốc gia dựng 36 tượng, tượng đài Hồ Chí Minh; 6 bia tưởng niệm; 6 đại lộ; 7 con đường mang tên Người. Đặc biệt là Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong 15 năm (1954 - 1969), bao gồm 15 di tích bất động sản, hơn 1700 di tích động sản cùng cảnh quan môi trường vườn cây, ao cá…
Trong bối cảnh mới, các cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, lưu giữ hiện vật, tài liệu, di tích về Hồ Chí Minh cần nâng cao hơn nữa chất lượng bảo tồn, lan tỏa giá trị di sản của Người là vô cùng quan trọng và cần thiết. Qua đó, đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa đối với các cơ quan lưu niệm này nhằm ứng dụng phần mềm công nghệ số, khai thác hiệu quả và phát huy giá trị của các di tích hiện nay.
Từ những di sản quý báu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp và những gì có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh còn giữ lại cho đến ngày nay góp phần tuyên truyền, giáo dục sự nghiệp cách mạng vẻ vang cho mỗi thế hệ người Việt Nam, quảng bá hình ảnh đẹp về một đất nước vì hòa bình, độc lập, dân chủ và sự tiến bộ của loài người mà lịch sử thế giới đã ghi nhận một anh hùng dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này góp phần quan trọng vào việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực và trở thành nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Việc bảo tồn, phát huy những di sản lãnh tụ Hồ Chí Minh là góp phần đấu tranh phản bác những luận điệu, xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch và đặt ra yêu cầu cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cần phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
TS. Lê Trung Kiên
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Hồ Chí Minh (1990): Nhà nước và pháp luật Việt Nam, Nxb. Pháp lý, Hà Nội, tr. 174.
[2] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 66.
[3] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 384.
[4] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 256.
[5] Báo Cứu quốc, số 57, ngày 3-10-1945.
[6] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 670.
[7] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 86.
[8] Chủ tịch Hồ Chí Minh - từ Nhà sàn Việt Bắc đến Nhà sàn Hà Nội, Nxb. Thông tin và Truyền thông, H.2018, tr.3.