* Clip: Bộ trưởng TN&MT trả lời chất vấn chiều 15/11
-
Từ 8.00' - 8.30': Sáng 16/11, Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp tục trả lời các nhóm vấn đề đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi chất vấn từ chiều 15/11.
Về vấn đề quản lý nhà nước đối với lĩnh vực môi trường, Bộ trưởng cho biết, hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước đã được thiết kế từ Trung ương đến địa phương, tuy nhiên việc phối hợp giữa các cơ quan chưa đồng bộ. Bộ trưởng cho rằng, để nâng cao hiệu quả quản lý về môi trường, cần rà soát lại chức năng, nhiệm vụ; phân cấp trách nhiệm cụ thể đối với mỗi tổ chức, cá nhân, cũng như cơ chế phối hợp đối với từng cơ quan; nâng cao chất lượng, phẩm chất cán bộ trong ngành;...
Về xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, Bộ trưởng cho biết, với mức đầu tư kinh phí xử lý ô nhiễm và sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương hiện nay, trong khoảng 3 năm tới vấn đề này sẽ được khắc phục.
Về nâng cao chất lượng đánh giá báo cáo tác động môi trường, Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp về tài chính, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, chất lượng công tác giám sát, tư vấn, thẩm định....
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đưa ra những giải pháp về xử lý ô nhiễm các lưu vực sông; khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra, và xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan; đồng thời cho biết về cơ bản môi trường biển 4 tỉnh miền Trung đã an toàn, đảm bảo cho các hoạt động du lịch, thể thao, nuôi trồng thủy sản; quản lý đất nông lâm trường; cấp sổ đỏ...
-
17.00': Quốc hội kết thúc phiên họp chiều 15/11. Đầu giờ sáng 16/11, Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu.
-
16.36': Các đại biểu Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị), Cao Văn Trọng (Bến Tre), Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận), Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Dương Trung Quốc (Đồng Nai)... chất vấn: Khi nào Bộ công bố 100% biển, hải sản 4 miền Trung an toàn; giải pháp giúp địa phương thẩm định công nghệ khi thu hút đầu tư; giải pháp đột phá để ngăn chặn cát tặc; sự thống nhất về chính sách môi trường giữa các địa phương liền kề; giải pháp xử lý căn cơ bụi xỉ nhiệt điện; giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức của Bộ để đáp ứng nhiệm vụ đặt ra; có tiêu cực hay không trong quản lý về môi trường; giải pháp tăng cường quản lý tài nguyên đất, nhất là trong lĩnh vực lâm nghiệp; trách nhiệm của Bộ đối với những dự án đã cấp phép gây ô nhiễm môi trường, và những dự án đang triển khai có nguy cơ ô nhiễm cao; giải pháp nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường; giải pháp căn cơ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
-
16.13': Các đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam), Nguyễn Chiến (Hà Nội), Nguyễn Thái Học (Phú Yên), Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), Nguyễn Tuấn Anh (Long An), Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), Ngô Sách Thực (Bắc Giang), Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận)... chất vấn về: Xử lý môi trường sông Nhuệ, sông Châu Giang; kết quả thực hiện các dự án xử lý môi trường tại các làng ung thư trong cả nước; trách nhiệm của các cơ quan và giải pháp ngăn chặn tình trạng quản lý tài nguyên khoáng sản trái phép, lãng phí, gây ô nhiễm nghiêm trọng; giải pháp căn bản về chống hạn, chống lũ cho người dân khu vực miền Trung; xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu cho từng vùng trong điều kiện ngân sách khó khăn; giải pháp phân cấp quản lý nhà nước về môi trường; chủ trương quy hoạch xây dựng lò đốt rác thủ công ở nông thôn; vấn đề bảo vệ môi trường trong thu hút đầu tư...
Về xử lý môi trường sông Nhuệ, sông Đáy, Bộ trưởng cho biết, hiện 90% nước thải là từ Hà Nội, 10% từ Hòa Bình, Bộ trưởng nhấn mạnh trách nhiệm của các địa phương; đồng thời đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực để thu gom, xử lý nước thải từ nguồn; bổ sung nước, khơi thông nguồn chảy; thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng vận hành nhà máy xử lý nguồn thải... Hiện Hà Nội đang tích cực triển khai các giải pháp để khắc phục ô nhiễm 2 lưu vực sông này.
-
15.50': Trả lời về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long; chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường,... Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, kịch bản biến đổi khí hậu 2016 đã được Bộ xây dựng dựa trên số liệu tính toán về nước biển dâng, quá trình sụt lún,... quá trình này sẽ tiếp tục cập nhật số liệu để tính toán kịch bản cụ thể nhất.
Về giải pháp nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường, Bộ trưởng cho rằng việc xây dựng báo cáo phải dựa trên các số liệu, quy trình công nghệ. Bên cạnh đó các cơ quan quản lý nhà nước cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phân định rõ trách nhiệm, gắn trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm tra với các hoạt động giám sát môi trường, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường...
Về vấn đề bảo đảm môi trường lưu vực sông Hậu; Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của sông Hậu đối với đồng bằng Sông Cửu Long cho biết, Bộ TN&MT cần có ngay quy hoạch tổng thể về sử dụng nguồn nước lưu vực sông này; đồng thời tiến hành rà soát lại toàn bộ các cơ sở đang sản xuất, kinh doanh ven sông (cả về công nghệ, quá trình xử lý chất thải), có biện pháp kiểm tra, giám sát xả thải, bảo đảm vấn đề môi trường;...
Về xử lý tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xây dựng quy hoạch khai thác, Bộ trưởng cho rằng cần xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương...
|
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
- 15.30': Quốc hội nghỉ giải lao
- 1
5.22': Các đại biểu Hoàng Thanh Tùng, Nguyễn Văn Hiển, Đỗ Đức Hồng Hà... tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà về vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường biển, theo đó, việc thẩm tra đánh giá tác động môi trường có tiêu cực, buông lỏng quản lý hay không? Giải pháp chấn chỉnh như thế nào? Các giải pháp: Phòng ngừa bảo đảm môi trường sông Hậu; xử lý tình trạng khai thác trái phép cát sỏi trên sông; ứng phó tác động tiêu cực của các nhà máy thủy điện, nhiệt điện than...
-
14.30': Chủ tịch Quốc hội cho biết, có 44 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
Các đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Phạm Đình Phúc, Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long)... chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà các vấn đề và chương trình, giải pháp khắc phục và trách nhiệm của Bộ trưởng về: Ô nhiễm môi trường nông thôn, đô thị, làng nghề, ô nhiễm các lưu vực sông; giải quyết sự cố Formosa (giám sát hoạt động doanh nghiệp và triển khai công tác đền bù cho người dân); xử lý chất thải rắn công nghiệp; xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, trách nhiệm của Bộ trong việc để xảy ra ô nhiễm môi trường; giải pháp để người dân tham gia giám sát vấn đề môi trường; kịch bản, giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn; giải pháp nâng cao chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường...
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đồng tình với đánh giá của các đại biểu về thực trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, làng nghề, các cụm công nghiệp... Nêu các nguyên nhân, Bộ trưởng nhấn mạnh các giải pháp về quy hoạch sản xuất làng nghề, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại; tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn người dân quy trình công nghệ xử lý chất thải, gìn giữ môi trường; gắn vấn đề môi trường với chương trình xây dựng nông thôn mới...
|
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Về xử lý trách nhiệm cá nhân khi để xảy ra vấn đề ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng cho biết, quy định hiện hành về trách nhiệm trong vấn đề môi trường đã được phân cấp quản lý từ Trung ương, đến địa phương. Tuy nhiên việc phối hợp giải quyết giữa Trung ương và địa phương chưa được quy định rõ, chưa xác định cụ thể trách nhiệm giữa các chủ thể; các quy định cũng được nêu trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau... Theo đó cần sửa đổi quy định pháp luật theo hướng phân cấp rõ ràng, gắn quyền hạn với trách nhiệm cụ thể của từng cấp....
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng trả lời về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các báo cáo đánh giá tác động môi trường; giải pháp về vốn, công nghệ để xử lý môi trường các lưu vực sông; môi trường làng nghề; giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn; xử lý hậu quả sự cố môi trường biển do Formosa gây ra và các giải pháp giám sát quá trình vận hành của Formosa trong xử lý chất thải; quản lý các bãi thải công nghiệp...
Từ 14h30 đến 17h00 (giải lao từ 15h30-15h50), Chủ tịch Quốc hội chủ trì điều hành chất vấn Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường với 4 vấn đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư; việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong các dự án để xảy ra sự cố môi trường; giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; việc quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản.
Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác trả lời về những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của mình (nếu có).
Thứ Tư, ngày 16/11, đầu giờ sáng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan tiếp tục trả lời chất vấn về nội dung của buổi chiều 15/11.