In bài viết

TOÀN CẢNH: Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn

(Chinhphu.vn) –  Phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội khoá XIV bắt đầu từ ngày 15/11 và kéo dài trong 2,5 ngày làm việc. Bốn Bộ trưởng: Công Thương, TN&MT, GD&ĐT, Nội vụ lần lượt đăng đàn. Thủ tướng và các thành viên Chính phủ khác cũng sẽ trực tiếp trả lời, giải trình thêm các nội dung đại biểu Quốc hội đặt ra trên nghị trường. *Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn sáng 15/11

15/11/2016 19:35
* Clip Bộ trưởng Công Thương trả lời chất vấn sáng 15/11
14.25':
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh kết thúc phần trả lời chất vấn. Các câu hỏi của đại biểu Quốc hội chưa được trả lời tại hội trường, Bộ trưởng sẽ trả lời bằng văn bản.

- 14.00':
Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ quy định và trách nhiệm về lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ tại các hồ thủy điện; Bộ sẽ cho rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình xả lũ của các chủ hồ, sự tham gia của người dân trong giám sát, xây dựng phương án xả lũ;...

Về phát triển công nghiệp ô tô, Bộ trưởng cho biết chúng ta đã có mục tiêu chiến lược phát triển ngành này. Tuy nhiên vừa qua chúng ta chưa đạt được mục tiêu đề ra, chưa tham gia vào chuỗi giá trị thế giới và tăng tỉ lệ hóa. Bộ đã xem xét, làm rõ các nguyên nhân cả về: dung lượng thị trường, thực thi chính sách, phát triển công nghiệp phụ trợ, chuyển giao công nghệ... Trên cơ sở xác định nguyên nhân như trên, Bộ đề ra các giải pháp khắc phục, theo hướng xây dựng các chính sách ưu tiên, hỗ trợ về thuế, phát triển hạ tầng, khuyến khích chuyển giao công nghệ...  để phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và phát triển kinh tế đất nước.

Về chính sách phát triển ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ, Bộ trưởng thừa nhận về chính sách còn bất cập, năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế... Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ cả về xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ... để phát triển ngành này.

Về đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại, khẳng định đây là vấn đề phức tạp, các lực lượng (trong đó có quản lý thị trường) đã và đang tích cực đấu tranh từ biên giới đến thị trường trong nước để khắc phục tình trạng này. Trong đó, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý thị trường, việc phòng chống hàng giả, gian lận thương mại cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, địa phương và nhân dân...

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng trả lời rõ thêm về dự án Đạm Ninh Bình (theo tinh thần giải quyết hậu quả trên cơ sở pháp luật, làm rõ trách nhiệm của các các nhân liên quan, bảo đảm lợi ích của Nhà nước); đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cồn Cỏ; giải quyết sự cố thủy điện Sông Bung 2 (có vấn đề về thiết kế, thi công, hiện vẫn đang được xem xét xử lý); rà soát các dự án thua lỗ...

Về trách nhiệm trong liên kết 4 nhà trong giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp phát triển nông nghiệp quy mô lớn, bỏ hạn điền, xây dựng chuỗi sản phẩm chủ lực, xây dựng chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn... Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ NN&PTNT và các bộ ngành liên quan để triển khai các chương trình, giải pháp nhằm tạo ra những mối liên kết chặt chẽ trong tiêu thụ sản phẩm trong thị trường nội địa và xuất khẩu...

- 11.30':
Quốc hội nghỉ.

- 11.10':
Các đại biểu: Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa), Nguyễn Lân Hiếu (An Giang), Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội), Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam), Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Lê Tấn Tới (Bạc Liêu), Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), Nguyễn Thanh Trí (Hà Nội), Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An), Phùng Đức Tiến (Hà Nam)... chất vấn trách nhiệm và giải pháp của Bộ về thực trạng một số doanh nghiệp, cá nhân nhập lậu nông sản giá rẻ, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm; công tác rà soát, xử lý các dự án đầu tư không hiệu quả và trách nhiệm của Bộ? Về phát triển hệ thống bán lẻ? Chống buôn lậu và gian lận thương mại? Giải pháp xuất khẩu nông sản chủ lực? Chính sách phát triển công nghiệp ô tô trước thách thức hội nhập? Sắp xếp lại bộ máy quản lý phân bón? Công tác cán bộ, xử lý trách nhiệm các cá nhân để xảy ra sai sót? Phát triển công nghiệp phụ trợ? Phát triển ngành cơ khí chế tạo? Nguyên nhân, giải pháp vận hành xả lũ thủy điện để bảo đảm an toàn cho hạ du...

- 10. 56': Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề về quản lý phân bón và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Về vấn đề phân bón, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị cần định hướng lại việc sử dụng phân bón theo hướng hữu cơ, hạn chế việc sử dụng phân bón hóa học, từng bước chuyển sang nền nông nghiệp sạch, hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, việc quản lý phân bón cũng cần có sự điều chỉnh theo hướng, chuyển trạng thái từ quản lý theo danh mục, sang quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Theo đó, phải có một bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn để quản lý, đồng thời, sắp xếp lại hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về phân bón; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để hoạt động cho tốt hơn...

Về xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp cải tạo nguồn giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi,  xây dựng chuỗi chăn nuôi, tiêu thụ nông sản, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp... nhằm bảo đảm có lợi nhất trong tương lai.
Trần Thị Dung (Điện Biên) chất vấn về vấn đề vận hành các công trình thủy điện, xử lý sai phạm trong xả lũ thủy điện, rà soát quy hoạch thủy điện. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

- 9h50': Về vấn đề phân bón, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, sau khi có thông tin Bộ NN&PTNT thanh tra các tổ chức xác nhận chất lượng phân bón, Bộ Công Thương đã tổ chức kiểm tra các cơ quan chức năng của Bộ, đã kiểm tra 2 đợt và phát hiện 2 tổ chức được chứng nhận, xác nhận trong việc thực hiện chứng nhận, đã ban hành quyết định hủy bỏ chức năng, giấy phép của 2 tổ chức này. Bộ đã chủ động giao cho các đơn vị trực thuộc chỉ định các tổ chức xác nhận và công bố hợp quy. Sắp tới, Bộ sẽ tiếp tục sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, không phù hợp, xây dựng hệ quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia để bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng và vấn đề môi trường. Trước mắt, ngoài việc hoàn thiện hệ thống quy chuẩn để gửi Bộ KH&CN thẩm định, sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT để quản lý lĩnh vực này cũng như giao cho các địa phương kiểm tra xử lý các sai phạm.

Về vấn đề bán hàng đa cấp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đã sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng thắt chặt hơn. Tuy nhiên qua thực hiện đã bộc lộ ra một số vấn đề như các khung khổ pháp lý chưa hoàn thiện, công tác quản lý bán hàng đa cấp chưa rạch ròi, bán hàng đa cấp có sức hút rất lớn bởi những hành vi biến tướng, tập trung vào lợi nhuận "khủng". Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương kiểm tra, từ đầu 2016 đã ban hành 2 chỉ thị, cùng với các địa phương kiểm tra, rút giấy phép 25 doanh nghiệp, xử phạt 14 doanh nghiệp khác. Bộ cũng đã đề nghị sửa đổi Nghị định 42 về bán hàng đa cấp theo hướng thắt chặt hơn, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ về lĩnh vực này.

Bộ trưởng cho biết trên cơ sở cam kết quốc tế, Bộ Công Thương đã thể hiện rõ quan điểm tập trung khai thác nguồn lực, đặc biệt từ doanh nghiệp trong nước. Trong quá trình xây dựng chính sách, Bộ cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng các chính sách cụ thể về thuế để bảo đảm yêu cầu hài hòa của nền kinh tế, cũng như bảo vệ, bảo hộ các ngành sản xuất trong nước một cách hợp lý, hợp pháp. Quan điểm của Bộ Công Thương mong muốn các bộ ngành liên quan có một mức thuế phù hợp đối với các linh kiện, chi tiết máy móc mà trong nước chưa sản xuất được.

Về quy hoạch điện quốc gia, Bộ trưởng cho biết quan điểm là bằng mọi giá phải bảo đảm điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, phải xây dựng được sơ đồ không chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt mà phải hướng tới sự phát triển bền vững, trên cơ sở nền năng lượng xanh và sạch. Bên cạnh nghiên cứu các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển điện tái tạo, tiếp tục phát triển các nguồn điện cơ bản, bằng việc nâng cao chất lượng, bảo đảm công nghệ xử lý chất thải của điện than, bảo đảm vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn điện bằng quản trị và công nghệ...

Bên cạnh đó, Bộ trưởng giải trình về vấn đề điều hòa nước của Thủy điện Đắk Mi 4; chính sách phát triển công nghiệp...

- 9h30': Quốc hội nghỉ giải lao.

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về quy hoạch điện quốc gia. Ảnh: VGP/Hoàng Anh

- 9.20': Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chất vấn về vấn đề quản lý Nhà nước đối với phân bón, các biện pháp hạn chế thiệt hại cho người nông dân trước vấn đề phân bón giả, kém chất lượng. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chất vấn về vấn đề phê duyệt dự án, đề nghị làm rõ còn bao nhiêu dự án vừa và nhỏ đầu tư gây thất thoát vốn, đồng thời chất vấn về vấn đề bán hàng đa cấp. Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) tiếp tục chất vấn về quy trình xả lũ, đặt vấn đề quy trình xả lũ không có thời gian báo trước để địa phương và người dân, thiếu tính thực tế gây thiệt hại cho người dân. Đại biểu Nguyễn Bắc Sơn (Đà Nẵng) chất vấn về vấn đề cạn kiệt tài nguyên nước và xâm nhập mặn tại Đà Nẵng, ảnh hưởng tới hàng triệu người dân vùng hạ du sông Vu Gia mà nguyên nhân được cho là do Thủy điện Đắk Mi 4. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) chất vấn hỏi về việc bảo vệ hợp lý, hợp pháp cho sản xuất, thị trường và người tiêu dùng nội địa. Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) chất vấn về quy hoạch điện quốc gia, đặt câu hỏi Bộ Công Thương cân đối nguồn điện trong thời gian tới như thế nào để đáp ứng nhu cầu sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt.

- 8.30': Chủ tịch Quốc hội cho biết, có 22 đại biểu Quốc hội đã đăng ký chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) chất vấn về nguyên nhân thua lỗ yếu kém của những siêu dự án; đề nghị Bộ trưởng làm rõ sai phạm, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và những kiến nghị để giải quyết những bất cập, không để tình trạng "con voi chui lọt lỗ kim" như vừa qua. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn về tính hiệu quả và bảo đảm an toàn của dự án bô xít Tây Nguyên, giải pháp khắc phục hạn chế của dự án. Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) chất vấn giải pháp ngăn chặn tình trạng sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng, lập lại trật tự thị trường phân bón. Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) chất vấn về vấn đề vận hành các công trình thủy điện, xử lý sai phạm trong xả lũ thủy điện, rà soát quy hoạch thủy điện...

Trả lời câu hỏi của 4 đại biểu đầu tiên. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đây là những vấn đề bức xúc của cử tri cả nước. Trả lời cụ thể từng câu hỏi, Bộ trưởng cho biết, về xử lý, khắc phục hậu quả 5 dự án thua lỗ. Các dự án này đều được triển khai đầu tư kéo dài quá thời hạn được phê duyệt. Lại rơi vào thời điểm thị trường thế giới nhiều biến động, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả và tính khả thi của dự án (ví dụ, dự án Đạm Ninh Bình, Xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên, Xăng sinh học Ethanol). Các dự án này kém hiệu quả vì năng lực của chủ đầu tư (theo phân cấp các tập đoàn, tổng công ty 91) phải chịu trách nhiệm phê duyệt, thẩm định, năng lực các ban quản lý dự án hạn chế. Năng lực đàm phán, ký kết, quản lý dự án hạn chế làm dự án bị kéo dài, thực hiện không đúng quy định của hợp đồng...

Bộ trưởng nhấn mạnh, quan điểm của Chính phủ và các bộ ngành là đánh giá rõ ràng, làm rõ nguyên nhân cả về chủ quan, khách quan, qua đó nghiên cứu tổng thể các giải pháp theo quy định của pháp luật và quy luật thị trường trên cơ sở bảo toàn vốn Nhà nước, phù hợp với các cam kết quốc tế, có giải pháp khắc phục cụ thể; xem xét trách nhiệm của các chủ thể trên tinh thần cẩn trọng, đúng quy định... Nếu cố tình làm sai sẽ xem xét xử lý hình sự. Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng nhấn mạnh cần phải đổi mới phương thức quản lý, mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước, hoàn thiện khung khổ pháp lý (tăng cường phân cấp kèm hậu kiểm, quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể).

Về vấn đề bô xít ở Đắk Nông, các dự án được triển khai thực hiện phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường. Các cơ quan quản lý Trung ương, địa phương đã giám sát chặt chẽ việc thi công dự án. Tuy nhiên trong quá trình thi công đã xảy ra một số sự cố (đã được kiểm tra, khắc phục, rút kinh nghiệm kịp thời). Bộ trưởng cam kết sẽ phối hợp với địa phương tăng cường giám sát để bảo đảm an toàn dự án.

Về quản lý Nhà nước trong đấu tranh chống hàng lậu, đặc biệt là mặt hàng phân bón, Bộ trưởng khẳng định có trách nhiệm của quản lý Nhà nước đối với thị trường phân bón (còn chồng chéo giữa Bộ NN&PTNN và Bộ Công Thương trong quản lý phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ), nguồn lực quản lý hạn chế... Hai Bộ đã nhiều lần phối hợp bàn thảo, kiến nghị cấp trên giao 1 cơ quan quản lý mặt hàng phân bón; bên cạnh đó tăng cường hoạt động đấu tranh phòng chống hàng giả; sớm xây dựng khung khổ pháp lý đặc biệt về quy chuẩn, tiêu chuẩn để phát triển bền vững ngành hàng này,...

Về vận hành xả lũ các công trình thủy điện, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã có báo cáo, đánh giá toàn diện nội dung này với Quốc hội. Khẳng định chúng ta không phát triển thủy điện bằng mọi giá. Hiện cơ bản chúng ta đã khai thác hết tiềm năng thủy điện lớn. Rà soát loại bỏ những dự án nhỏ, không bảo đảm hiệu quả kinh tế và môi trường...

- 8.28': Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu các vấn đề cử tri quan tâm, đại biểu sẽ đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Công Thương: Đánh giá tổng thể, phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng không triển khai, để hoang hóa, lãng phí; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; giải pháp củng cố hệ thống bán lẻ hàng hóa thích ứng với hội nhập quốc tế...

- 8.08': Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.

Báo cáo nêu tóm tắt tình hình, nội dung kiến nghị của cử tri, trong đó có hơn 800 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ. Nội dung kiến nghị tập trung vào các vấn đề chính: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn; y tế, giáo dục; tài nguyên, môi trường; cải cách hành chính, quản lý công chức, viên chức...

Các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ đã trả lời, giải quyết nhiều nội dung cử tri phản ánh dưới hình thức ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong các lĩnh vực: Thức ăn chăn nuôi; bán hàng đa cấp; quản lý lao động nước  ngoài; dạy thêm học thêm; vệ sinh an toàn thực phẩm; kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện...

Các cơ quan thuộc Chính phủ dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực trả lời, giải quyết các kiến nghị của cử tri. Theo đó, 100% kiến nghị đã được trả lời tương đối cụ thể, rõ ràng, rành mạch, được cử tri đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 142 kiến nghị của cử tri tồn đọng từ các kỳ họp trước chưa được các bộ, ngành giải quyết; nội dung một số văn bản trả lời cử tri còn chưa rõ ràng; một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành chất lượng chưa cao, nội dung chưa phù hợp với các văn bản pháp luật liên quan,...

- 8.00': Bắt đầu phiên chất vấn.

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tính đến cuối ngày 14/11, 44 đại biểu Quốc hội đã gửi câu hỏi chất vấn đến các thành viên Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC...

Các đại biểu Quốc hội cũng đã dành nhiều thời gian thảo luận về KT-XH, đồng thời qua hoạt động giám sát tối cao và căn cứ quy định hiện hành,... UBTVQH đã trình Quốc hội lựa chọn 4 vấn đề để tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn trên tinh thần nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu, tăng cường đối thoại, tranh luận để tìm giải pháp giải quyết đến cùng những vấn đề cử tri và nhân dân mong đợi.

Phương án xử lý các nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả

Theo chương trình, đầu giờ sáng thứ Ba, ngày 15/11, sau khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.

Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì điều hành phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương về: Đánh giá tổng thể, phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng không triển khai, để hoang hóa, lãng phí; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; giải pháp củng cố hệ thống bán lẻ hàng hóa thích ứng với hội nhập quốc tế; kiểm soát kinh doanh đa cấp; quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; chính sách đột phá phát triển ngành ô tô theo định hướng đầu tư của Nhà nước và các cam kết hội nhập quốc tế. Phương án tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng, quy hoạch các công trình thủy điện, thủy lợi và đảm bảo an toàn xả lũ trong thời gian tới.

Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn gồm Bộ trưởng: Kế hoạch và  Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Quốc phòng. Đồng thời, các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác trả lời về những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của mình (nếu có).

Đầu giờ chiều, Bộ trưởng Bộ Công Thương và các Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan tiếp tục trả lời chất vấn về nội dung của buổi sáng.

Ảnh VGP/Nhật Bắc
Xử lý chất thải công nghiệp; ứng phó biến đổi khí hậu

Từ 14h30 đến 17h00 (giải lao từ 15h30-15h50), Chủ tịch Quốc hội chủ trì điều hành chất vấn Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường với nội dung: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư. Việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong các dự án để xảy ra sự cố môi trường; giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; việc quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản.

Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác trả lời về những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của mình (nếu có).

Thứ Tư, ngày 16/11, đầu giờ sáng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan tiếp tục trả lời chất vấn về nội dung của buổi chiều 15/11.

Cải cách, đổi mới giáo dục

Từ 8h30 đến 11h30 (giải lao từ 9h30-9h50, Chủ tịch Quốc hội chủ trì điều hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo các nội dung: Tình hình thực hiện chương trình cải cách giáo dục và đào tạo, đổi mới giáo dục cơ bản, toàn diện, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội. Thực hiện phân luồng cho học sinh cấp phổ thông để định hướng nghề nghiệp; công tác quản lý chất lượng đào tạo, nhất là chất lượng đào tạo của các trường đại học do địa phương quản lý; giải pháp quản lý chất lượng giáo dục đại học, gắn đào tạo với quy hoạch, dự báo và sử dụng nguồn nhân lực; việc thực hiện đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội; giải pháp để ổn định việc tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông và đại học trong giai đoạn 2016-2020.

Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn: Kế hoạch và  Đầu tư, Tài chính, Lao động, Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời về những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của mình (nếu có).

Đầu giờ chiều, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan tiếp tục trả lời chất vấn về nội dung của buổi sáng.

Tinh giản biên chế, đổi mới công tác cán bộ

Từ 14h30 đến 17h00 (giải lao từ 15h30-15h50), Chủ tịch Quốc hội chủ trì điều hành nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về: Vấn đề tinh giản biên chế, thực hiện đề án vị trí việc làm; giải pháp cải cách tiền lương, nâng cao trách nhiệm, kỷ luật công vụ,chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chỉ số hài lòng của Nhân dân trong đánh giá chế độ công vụ, công chức; đổi mới công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ.

Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn: Kế hoạch và  đầu tư, Tài chính, Công Thương, Thanh tra Chính phủ. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác và Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình trả lời về những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của mình (nếu có).

Đầu giờ sáng thứ Năm, ngày 17/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan tiếp tục trả lời chất vấn về nội dung của buổi chiều 16/11.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những nội dung thuộc trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các nhóm vấn đề đã chất vấn trong ngày 2 ngày 15 và 16/11/2016.

Sau phần trả lời của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Bốn vấn đề bức xúc

Theo đại biểu Nguyễn Thái Học, 4 nhóm vấn đề được lựa chọn đưa ra tại phiên chất vấn đã đáp ứng được sự quan tâm, tính bức xúc trong lĩnh vực mà thực tế đời sống người dân đang đối mặt và các Bộ trưởng, trưởng ngành phải có trách nhiệm trả lời.

Theo đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau), những nhóm vấn đề lần này Quốc hội sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ khá toàn diện và cần được bàn thảo cho đến cùng nếu có thời gian. “Đầu tư công, các công trình dự án ngàn tỷ “đắp chiếu” đặc biệt được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó có tôi. Vấn đề ô nhiễm môi trường cũng vậy, các công trình dự án nào đang có nguy cơ gây ô nhiễm? Bên cạnh đó, tôi cũng quan tâm vấn đề chất lượng giáo dục, phân luồng học sinh, giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Rồi vấn đề cơ cấu, tổ chức bộ máy nhà nước, tính toán thế nào cho hiệu quả, tinh gọn. Đây đều là những vấn đề bức xúc nhất hiện nay”, ông Hoàng nói.

Đề cập nội dung tinh giản biên chế, công tác cán bộ, ông Nguyễn Thái Học đánh giá: Cuộc chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ tập trung vào tổ chức, cán bộ có ý nghĩa quan trọng, góp phần tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc, tìm giải pháp, tạo ra sự quyết tâm đồng bộ của cả hệ thống chính trị để làm cho bộ máy tinh gọn, năng động, sáng tạo.

Đại biểu Vũ Trọng Kim thì khẳng định, để bảo đảm nhà nước kiến tạo, có trách nhiệm với dân, phục vụ người dân và liêm chính thì dứt khoát phải quan tâm vấn đề con người. “Nói luật pháp hay nói quy chế, quy định gì đi nữa, nhưng nếu con người đã méo mó rồi thì những cái kia chẳng là cái gì cả”, ông Kim nhấn mạnh và mong rằng sắp tới sẽ xem xét đánh giá cán bộ kịp thời để đôn đốc, nhắc nhở, thậm chí phê bình kịp thời, giám sát lẫn nhau.

Thẳng thắn, trách nhiệm, không né tránh

Đại biểu Nguyễn Thái Học kỳ vọng, không khí của phiên chất vấn phải là phiên tranh luận, đối thoại. Các Bộ trưởng với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm nêu rõ thực trạng tình hình, chỉ ra khó khăn, thuận lợi và chiều hướng sắp tới trong từng nội dung, lĩnh vực. Còn đại biểu Quốc hội cũng không né tránh, không sợ va chạm để nêu vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, chất vấn không phải là vấn đề đánh đố, nói sai phạm của ngành này, ngành kia mà là nêu những vấn đề xã hội để cùng mổ xẻ, phân tích, tìm ra giải pháp.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng tuy 2/3 đại biểu lần đầu tham gia nghị trường nhưng qua các phiên thảo luận cho thấy không khí sôi nổi, chất lượng cao. Vấn đề còn lại là nội dung được nêu lên. “Người dân theo dõi không chỉ giám sát các thành viên Chính phủ mà giám sát ngay chính đại biểu Quốc hội. Tôi nghĩ đại biểu Quốc hội ý thức điều đó vì hỏi cũng thể hiện năng lực, mang lại tín nhiệm từ người dân với mình chứ không chỉ là câu chuyện thuần tuý ở cơ quan hành pháp. Riêng tôi thì chọn chất vấn đi vào những vấn đề hết sức đơn giản của đời sống, tạo ra sự thay đổi trong nhận thức, không đánh đố Bộ trưởng” – đại biểu Dương Trung Quốc cho biết.

Các tân Bộ trưởng trả lời những nội dung mới

Trả lời báo chí bên lề Quốc hội sáng 11/11, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, các Bộ trưởng: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn.

Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, qua tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và thực tiễn phát biểu của các đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã tập hợp lại 16 nhóm vấn đề. Sau đó Tổng Thư ký Quốc hội làm việc với Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội lựa chọn 11 vấn đề báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 5 vấn đề.

Ngày 10/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến các đại biểu Quốc hội lựa chọn 4/5 vấn đề để trên cơ sở đó đưa ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn sắp tới. 4 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ... sẽ do các Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn.

Sau khi các Bộ trưởng trả lời, các Phó Thủ tướng phụ trách từng lĩnh vực cũng sẽ trả lời làm rõ thêm các nội dung liên quan. Thủ tướng Chính phủ sẽ là người trả lời cuối cùng những nhóm vấn đề lớn của các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tiến hành trong 2,5 ngày (từ 15/11 đến 17/11).

Sau khi các Bộ trưởng trả lời, các Phó Thủ tướng phụ trách từng lĩnh vực cũng sẽ trả lời làm rõ thêm các nội dung liên quan. Thủ tướng Chính phủ sẽ là người trả lời cuối cùng những nhóm vấn đề lớn của các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Nêu ý kiến, đặt câu hỏi đến cùng

Thông tin về điểm mới trong hoạt động chất vấn lần này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, qua tổng kết kinh nghiệm trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn 5 năm qua, Kỳ họp lần này cơ bản vẫn được thực hiện như trước.

Theo đó, hai kỳ họp giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp đối với Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Các phiên họp đầu năm và cuối năm sẽ theo thông lệ chọn nhóm vấn đề, chọn các Bộ trưởng để trả lời chất vấn.

Đây cũng là lần đầu tiên thành viên Chính phủ trả lời tại nhiệm kỳ này, trong đó có nhiều tân Bộ trưởng. Các nhóm vấn đề được chọn tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ này về cơ bản đều là nội dung mới, vì vậy, Quốc hội sẽ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần. Thời gian đặt câu hỏi của các đại biểu vẫn trong khoảng thời gian 2 phút, vì vậy, các đại biểu Quốc hội sẽ đi thẳng vào vấn đề, tập trung đặt câu hỏi vào những nội dung chính.

Bên cạnh đó, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ có các đại biểu Quốc hội giơ biển tranh luận. Đây là hoạt động đổi mới của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Tại các phiên thảo luận và chất vấn, các đại biểu Quốc hội đều có thể giơ biển tranh luận. Điều này giúp cho các đại biểu có thể nêu ý kiến, đặt câu hỏi đến cùng, để các thành viên Chính phủ làm rõ thêm các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Đây là điểm tốt cần phát huy trong thời gian tới.

Làm rõ thêm về các nội dung sẽ được chất vấn tại kỳ họp lần này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: Đối với lĩnh vực công thương, các đại biểu Quốc hội quan tâm đến nguyên nhân, trách nhiệm thực hiện và biện pháp xử lý đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa được triển khai, gây lãng phí; việc bán hàng đa cấp cần được kiểm soát chặt chẽ để tránh thiệt hại cho người dân; tổ chức mạng lưới bán lẻ trong điều kiện hội nhập; việc quản lý, chống hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, các đại biểu Quốc hội quan tâm đến lĩnh vực việc thực hiện chính sách pháp luật trong xử lý môi trường trong các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư; trách nhiệm của các bộ ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với các dự án để xảy ra sự cố môi trường; quản lý xử lý về ô nhiễm môi trường và giải pháp thích ứng với ứng phó biến đổi khí hậu; quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản.

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các đại biểu Quốc hội muốn tập trung làm rõ việc thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo và chương trình sách giáo khoa mới theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội trong thời gian qua; việc thực hiện Nghị quyết 37/2004/QH11 của Quốc hội về tiếp tục cải tiến thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực; công tác quản lý chất lượng giáo dục đào tạo đại học, nhất là các trường đại học do địa phương quản lý, gắn với quy hoạch về đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và có nền giáo dục hiệu quả; giải pháp để ổn định việc tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông và đại học trong giai đoạn 2016-2020.

Trong lĩnh vực nội vụ, các đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm đến việc tinh giản bộ máy biên chế gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; việc thực hiện Đề án vị trí việc làm, cải cách tiền lương, nâng cao hiệu quả thi hành công vụ, cải thiện chỉ số hài lòng của người dân đối với hoạt động trong đánh giá chế độ công vụ, công chức và đổi mới quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ.../.