Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Đầu giờ sáng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Theo đó, công tác bình đẳng giới nhìn chung đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, dần trở thành nội dung xuyên suốt trong triển khai hoạt động trên tất cả các lĩnh vực đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội với nhiều thành tựu nổi bật được quốc tế đánh giá, ghi nhận. Kết quả thực hiện bình đẳng giới trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs) và những khuyến nghị của Ủy ban về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (Ủy ban CEDAW).
Báo cáo cho biết, công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được quan tâm thực hiện với số lượng các dự án luật được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới tăng dần qua từng năm.
Tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay có 10 luật được các cơ quan chức năng thực hiện thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong tổng số 15 luật được thông qua.
Đáng chú ý, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV là 26,72%, tăng 2,62% so với nhiệm kỳ trước. Theo đó, Báo cáo nhận định, sau 2 khóa Quốc hội (XII và XIII) có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội liên tục giảm, nhiệm kỳ này (2016 - 2021) đã bắt đầu có sự tăng trở lại.
Song song, để đạt được Mục tiêu “Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động”, chỉ tiêu đề ra hằng năm là: Trong tổng số người được tạo việc làm mới, bảo đảm ít nhất 40% cho mỗi giới. Theo đó, tính đến ngày 1/7/2017, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính là 54,5 triệu người, trong đó lao động nam chiếm 52%, lao động nữ chiếm 48%. "Trong giai đoạn 2011 - 2015, chỉ tiêu này được đánh giá đạt và giữ ổn định qua các năm. Do đó, chỉ tiêu này dự kiến sẽ đạt theo yêu cầu của Chiến lược vào năm 2020”, Báo cáo nhận định.
Cũng theo Báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp, có xu hướng tăng, tuy nhiên có tới 98% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, trong đó doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ chiếm 71,7%, các DNVVN còn lại chiếm 28,3%. “Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn nhằm cụ thể hóa các quy định trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ”, báo cáo cho biết.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới được triển khai rộng khắp từ trung ương tới địa phương bằng nhiều hình thức. Báo cáo cho biết, năm 2016 là năm đầu tiên tổ chức Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới với chủ đề “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” từ ngày 15/11- 15/12 trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, nhiều thông điệp, hình ảnh truyền thông kêu gọi mọi người dân cùng chung tay xóa bỏ bất bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đã được lan tỏa rộng rãi. Có trên 800 hoạt động đã được triển khai trên toàn quốc, thu hút hàng vạn người trực tiếp tham gia.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, pháp luật về lao động đối với lao động nữ tiếp tục được duy trì tại các bộ, ngành và địa phương. Năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 tại cấp Trung ương, tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về bình đẳng giới tại 14 địa phương và việc chấp hành các quy định pháp luật lao động và bình đẳng giới tại 145 doanh nghiệp trên địa bàn 20 tỉnh, thành phố.
Kết quả kiểm tra cho thấy, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đã được triển khai bài bản hơn. Tại các địa phương, trong năm 2016 đã thực hiện 7.405 cuộc thanh tra, trong đó lĩnh vực trẻ em và bình đẳng giới có 149 cuộc thanh tra.
Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra, vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Việc quán triệt, tổ chức triển khai công tác bình đẳng giới chưa nhận được sự quan tâm sâu sát, đầy đủ của nhiều cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới còn nhiều hạn chế. Công tác thống kê về bình đẳng giới đã được quan tâm thực hiện nhưng còn gặp nhiều khó khăn; đội ngũ cán bộ chuyên trách về bình đẳng giới còn hạn chế về lượng và chất; kinh phí đầu tư cho công tác bình đẳng giới vẫn còn thấp, không đáp ứng được yêu cầu việc thực hiện công tác này trên phạm vi toàn quốc.
Trong tổng số 22 chỉ tiêu của Chiến lược đề ra đến năm 2020, đến nay có 8 chỉ tiêu đã đạt và sẽ duy trì đạt vào năm 2020; 2 chỉ tiêu không đạt và một số chỉ tiêu đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai nhưng không có khả năng thu thập đầy đủ số liệu.
9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Trong thời gian tới, nhằm tăng cường việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tới mọi tầng lớp nhân dân và bản thân người phụ nữ. Xây dựng và triển khai các hoạt động truyền thông, các mô hình về bình đẳng giới phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Thứ hai, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, địa phương trong thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; bố trí, phân công công tác đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đúng quy định về bình đẳng giới. Cần phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi các chỉ tiêu về bình đẳng giới tại các cơ quan, đơn vị và địa phương không đạt được.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới: Triển khai thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 24/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; triển khai nội dung công tác bình đẳng giới theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và về công tác dân số trong tình hình mới; chỉ đạo Tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới, báo cáo cơ quan có thẩm quyền và Quốc hội cho trình dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) vào năm 2019, trong đó bổ sung, sửa đổi những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới.
Thứ tư, thực hiện rà soát, sửa đổi, điều chỉnh một số chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới cho giai đoạn 2015 - 2020 và Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới quốc gia phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển trong nước, quốc tế, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.
Thứ năm, tăng cường công tác phối hợp liên ngành và đẩy mạnh việc huy động nguồn lực trong nước và quốc tế dành cho công tác bình đẳng giới. Thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ với kinh tế, tập trung 03 nội dung cơ bản là: đẩy mạnh bình đẳng giới vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, đổi mới và bao trùm; nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới của doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ; thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực.
Thứ sáu, cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của các Chương trình, Đề án, Dự án đã được phê duyệt
Thứ bảy, Chính phủ triển khai xây dựng, triển khai thực hiện các Kế hoạch, Chương trình, Đề án tập trung giải quyết một số vấn đề lớn, gây bức xúc trong xã hội như: Việc làm, lao động sau tuổi 35 tại các doanh nghiệp, vấn đề bạo lực đối với phụ nữ, xâm hại trẻ em gái, hôn nhân có yếu tố nước ngoài, vấn đề phát triển cán bộ nữ dân tộc thiểu số, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... Nghiên cứu, phát triển các mô hình tư vấn, hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó tập trung tăng cường cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Tiếp tục nghiên cứu, củng cố và phát triển các dịch vụ bảo vệ phụ nữ và trẻ em khi bị bạo hành, bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại.
Thứ tám, quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ nữ cán bộ tiềm năng và cán bộ làm tham mưu công tác bình đẳng giới. Ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện và khuyến khích phụ nữ tự trau dồi, nâng cao trình độ và tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao quyền năng của phụ nữ nói chung và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, các cơ quan dân cử nói riêng; đặc biệt đối với nữ lãnh đạo trẻ, nữ cán bộ dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ trong việc bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ.
Thứ chín, tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.
Nâng cao trí lực – kỹ năng lao động cho nguồn nhân lực nữ
Trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ; đồng thời đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thúc đẩy việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật; trong quá trình việc xem xét, quyết định ngân sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội; quan tâm khía cạnh giới trong hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật và việc đảm bảo bình đẳng giới thực chất theo mục tiêu bình đẳng giới.
Ủy ban về các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá tác động giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; bố trí kinh phí và huy động nguồn lực...
Trên cơ sở kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 và Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Chính phủ cần có giải pháp tích cực để nâng cao hiệu quả thực hiện các mục tiêu về nâng cao trí lực - kỹ năng lao động cho nguồn nhân lực nữ; chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong công tác bình đẳng giới nói chung và ở từng lĩnh vực nói riêng; tiếp tục duy trì và tăng cường công tác truyền thông, giáo dục về bình đẳng giới nhằm chuyển đổi hành vi theo những cách sáng tạo và thiết thực nhằm giảm khoảng cách giới trong các lĩnh vực. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục thúc đẩy tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới; tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện pháp luật bình đẳng giới.
Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong việc đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ; tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội về bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ.
Đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ
Trong phiên thảo luận sáng nay, 17 đại biểu Quốc hội đã phát biểu thảo luận, 2 đại biểu phát biểu tranh luận. Các đại biểu Quốc hội ghi nhận chính sách bình đẳng giới được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm; đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Bộ LĐTB&XH và các địa phương nhằm đưa Luật bình đẳng giới vào cuộc sống; việc bình đẳng giới được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực chính trị kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao,... và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc thực hiện bình đẳng giới thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế, theo đó các đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau); Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn); Lê Thị Yến (Phú Thọ); Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương); Phan Văn Tường (Thái Nguyên); Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre); Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội)... đã góp ý thêm các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới thời gian tới như: Đảm bảo tỷ lệ lãnh đạo là phụ nữ ở các địa phương; giải pháp giảm khoảng cách về giới trong lĩnh vực chính trị; chăm sóc cho phụ nữ lớn tuổi đơn thân; chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ; bảo đảm quyền bình đẳng giới trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, nhất là ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn;...
Các đại biểu cũng góp ý về việc lồng ghép nội dung bình đẳng giới trong các văn bản quy phạm pháp luật; phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, phụ nữ; bảo đảm chế độ lương hưu cho phụ nữ; nâng cao hiệu quả truyền thông về bình đẳng giới; giải pháp ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; bảo đảm bình đẳng giới trong giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ; xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bình đẳng giới; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đầu tư kinh phí cho công tác bình đẳng giới; nghiên cứu sửa đổi quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lao động, cống hiến cho phụ nữ.../.