In bài viết

Toàn dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Chinhphu.vn) - Để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt hiệu quả cao nhất, cần tập hợp và phát huy sức mạnh toàn dân, từ đó góp phần nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân.

16/12/2022 12:39
Toàn dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Vùng đồng bào DTTS và miền núi cả nước mong chờ, đón nhận Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi - Ảnh: VGP

Tại Quảng Trị, trong những năm qua, được sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đã có những tiến bộ vượt bậc về cơ sở hạ tầng, năng lực tiếp cận các dịch vụ xã hội, thu nhập, sản xuất và đời sống... Tỉ lệ hộ nghèo trong vùng giai đoạn 2016-2020 giảm từ 41,65% xuống còn 25,05%.

Tuy nhiên, đây vẫn là địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, dễ bị tổn thương, đặc biệt là đồng bào DTTS. Năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị là 49,51%, cao hơn đáng kể so với tỉ lệ nghèo chung toàn tỉnh 19,44%. Khả năng phát triển bằng nội lực của đồng bào DTTS còn hạn chế; một số tệ nạn mới, nhất là ma túy có xu hướng diễn biến phức tạp trong cộng đồng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, trong bối cảnh có nhiều thách thức đối với mục tiêu phát triển bền vững, vùng đồng bào DTTS và miền núi cả nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng đón nhận Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch ngân sách Trung ương bố trí cho tỉnh Quảng Trị gần 1.479 tỷ đồng.

Đây là chương trình lớn của quốc gia, là động lực quan trọng để vừa khai thác và phát huy những tiềm năng, lợi thế, vừa góp phần giải quyết các vấn đề cả về cấp bách lẫn lâu dài đối với mục tiêu phát triển bền vững vùng miền núi.

Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Trị đã chuẩn bị đầy đủ các nội dung về cơ chế, chính sách, nguồn lực và con người để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Tuy nhiên, đây là chương trình lần đầu triển khai thực hiện, có nhiều nội dung phức tạp, một số văn bản của bộ, ngành Trung ương chưa đầy đủ... nên việc triển khai còn nhiều khó khăn, lúng túng.

Theo ông Hà Sỹ Đồng, để triển khai Chương trình đạt hiệu quả cao nhất, cần tập hợp và phát huy sức mạnh toàn dân, từ đó góp phần nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng "phên dậu" của quốc gia.

Toàn dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thăm Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương ngày 13/12, tại TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) - Ảnh: UBDT

Phát huy vai trò của Mặt trận trong giám sát chương trình

Với vai trò giám sát các chương trình, dự án đầu tư ở vùng đồng bào DTTS trong những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam đánh giá, Nhà nước ta đã ban hành một hệ thống chính sách khá toàn diện, tác động đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng dân tộc thiểu số.

Với hệ thống chính sách toàn diện của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương, các cấp địa phương, cùng với sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc đã làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh vùng đồng bào dân tộc sinh sống duy trì ở mức cao và tương đối ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, cơ sở hạ tầng từng bước được kiện toàn, đồng bộ hóa…

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, một số chương trình, dự án còn thất thoát, lãng phí nên hiệu quả chưa cao, sự thụ hưởng chính sách của đồng bào các DTTS chưa được như mong muốn, vẫn còn những khoảng cách khá lớn về mức sống, thu nhập và điều kiện mọi mặt của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả nước.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, ở khâu tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện giám sát, phản biện xã hội trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia và các bộ, ngành có trách nhiệm nghiên cứu, trả lời các kiến nghị, đề xuất của MTTQ Việt Nam và nhân dân theo quy định.

Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 537/KH-MTTW-BTT và Kế hoạch số 595/KH-MTTW-BTT về triển khai thực hiện và giám sát thực hiện Chương trình năm 2022 với các nội dung, yêu cầu cụ thể để thực hiện từ cấp Trung ương đến Ủy ban MTTQ các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, MTTQ các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các văn bản triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm tạo sự thống nhất cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.

Đồng thời nắm chắc việc triển khai các chương trình, dự án đầu tư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương hằng năm để chủ động xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức giám sát ngay từ khi bắt đầu triển khai; cần lựa chọn nội dung giám sát phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và tiến độ đầu tư; phát huy vai trò của người dân và cộng đồng trong giám sát thực hiện chương trình.

Hoàng Giang