Cụ thể, năm 1984, tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc là 1,74 trẻ, bắt đầu thấp hơn Mỹ (1,81 trẻ). Năm 1993, tổng tỷ suất của Hàn Quốc là 1,65 trẻ, thấp hơn Pháp (1,66 trẻ). Năm 2001, tổng tỷ suất sinh giảm còn 1,31 trẻ, thấp hơn cả Nhật Bản (1,33 trẻ).
Ngoài ra, tốc độ già hóa dân số của Hàn Quốc cũng nhanh nhất OECD. Tỷ lệ dân số già trên 65 tuổi trên tổng dân số của Hàn Quốc giai đoạn 1970-2018 tăng bình quân 3,3%/năm, cũng cao nhất trong số các nước OECD.
Hàn Quốc bắt đầu bước vào xã hội già hóa vào năm 2000 (dân số già chiếm trên 7% tổng dân số). Năm 2018, Hàn Quốc trở thành xã hội già hóa (dân số già chiếm trên 14% tổng dân số). Nếu tiếp tục xu thế này, Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ bước vào xã hội siêu già vào năm 2026, tức dân số già chiếm trên 20% tổng dân số.
So với ba nước có tỷ lệ dân số già cao nhất trong OECD là Nhật Bản, Italy và Tây Ban Nha, thì dân số già tại Hàn Quốc vẫn tăng nhanh hơn, dự kiến sẽ vượt qua nước thứ ba là Italy vào năm 2036.
Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc đã tiến hành phân tích về ảnh hưởng của tỷ lệ sinh, tốc độ già hóa dân số tới tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Kết quả cho thấy mỗi khi tổng tỷ suất sinh giảm 0,25 trẻ thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế giảm 0,9%. Còn tỷ lệ dân số già tăng 1% thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế bị kéo tụt 0,5%.
Viện nghiên cứu này đề xuất Chính phủ Hàn Quốc lập đối sách trung và dài hạn nhằm đối phó với khả năng tăng trưởng kinh tế bị "ăn mòn", tiềm lực tài chính bị suy giảm bởi tỷ lệ sinh thấp và dân số già.
Theo KBS