|
Ảnh minh họa |
Theo Báo cáo trên, giai đoạn 2002-2007, tất cả các nhiệm vụ phát triển kinh tế đều được hoàn thành, hầu hết các chỉ tiêu đều hoàn thành vượt mức đề ra, trong đó điểm nổi bật về phát triển kinh tế trong 5 năm qua là tăng trưởng kinh tế gắn kết chặt chẽ với ổn định kinh tế vĩ mô. Cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều đạt mức tăng trưởng cao, liên tục với tốc độ khá ổn định. Tốc độ tăng GDP bình quân trong thời kỳ 2002-2007 là 7,8%. Khu vực nông nghiệp tăng trưởng cao liên tục và đạt mức bình quân 5,4%/năm; sản xuất công nghiệp tăng khoảng 16,5%/năm; giá trị tăng thêm của ngành dịch vụ 5 năm 2002-2006 tăng bình quân 7,4%/năm. Năm 2005 và 2006, mức tăng trưởng dịch vụ đã cao hơn tăng trưởng GDP.
Khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có mức tăng trưởng mạnh mẽ. Từ năm 2002 đến năm 2006, đã có khoảng 170 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng bình quân mỗi năm khoảng 17%. Chính phủ đã chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp dân doanh; đơn giản hóa và công khai, minh bạch các thủ tục hành chính về thành lập, đăng ký thành lập, nộp thuế...
Tuy nhiên, báo cáo cũng đánh giá rằng: So với khả năng phát triển của đất nước và chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn thấp. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa nhưng còn chậm, chưa khai thác và phát huy có hiệu quả thế mạnh trong từng ngành, từng vùng sản phẩm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Việc chuyển quản lý các doanh nghiệp nhà nước từ cơ chế hành chính tập trung sang cơ chế thị trường còn chậm, việc sắp xếp các nông trường quốc doanh chưa có được sự chuyển biến tích cực.
5 năm qua, quan hệ đối ngoại, kinh tế đối ngoại, hội nhập quốc tế của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện. 10 năm hội nhập, mở cửa với ASEAN, 5 năm thực hiện thành công Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ và 11 năm đàm phán để trở thành thành viên chính thức của WTO đã đánh dấu nấc thang hội nhập cao nhất mà Việt Nam đạt được từ trước đến nay.
Trong giai đoạn 2002-2007, giáo dục và đào tạo đã có những chuyển biến tích cực, mặt bằng dân trí đã được nâng lên. Mô hình giáo dục được chuyển dần sang mô hình giáo dục mở, thống nhất, liên thông, tiến tới xây dựng xã hội học tập. Tuy nhiên, nội dung chương trình và phương pháp giáo dục còn chậm đổi mới. Giáo dục ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc tuy đã được tăng cường đầu tư, có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều yếu kém.
Chính phủ thường xuyên quan tâm chỉ đạo xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, đặc biệt là ở những vùng trọng điểm như: Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc, đã ngăn chặn kịp thời và làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Chính phủ đã xác định cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành và là khâu đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Chính phủ đã rà soát, bãi bỏ gần 150 loại phí, lệ phí do Trung ương và 203 loại phí, lệ phí do địa phương ban hành; chỉ đạo triển khai áp dụng cơ chế "một cửa", thí điểm mô hình "một cửa liên thông" đã thu được kết quả tích cực.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo, điều hành phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí; chủ động, kiên quyết xử lý các vụ, việc tham nhũng lớn, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Riêng trong năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh theo pháp luật 8 vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng. Tuy nhiên, công tác xây dựng pháp luật, thể chế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, tiến độ chuẩn bị một số dự án luật và các văn bản hướng dẫn vẫn còn chậm, thiếu đồng bộ.
Phương Mai
(Nguồn: Tờ trình 19/TTr-CP)