In bài viết

Tôn vinh già làng, trưởng thôn tiêu biểu tại miền Trung-Tây Nguyên

(Chinhphu.vn) - Tối 25/4, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã tổ chức lễ tôn vinh già làng, trưởng thôn tiêu biểu có nhiều đóng góp trong vận động tuyên truyền, gìn giữ an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

26/04/2017 08:50

Tôn vinh 74 già làng, trưởng thôn tiêu biểu trên địa bàn Quân khu 5. Ảnh : VGP/Minh Trang

Tại buổi lễ giao lưu, tôn vinh với chủ đề “Âm vang sóng biển, gió đại ngàn” có 74 đại biểu được tuyên dương đại diện cho 6.143 vị già làng, trưởng thôn của 11 tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu.

Đây là những gương mặt tiêu biểu đã có những hoạt động thiết thực cùng giúp sức với lực lượng quân đội thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên.

Theo Trung tướng Trần Quang Phương, Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 5, sự cố gắng của đồng bào các dân tộc, của cấp ủy, chính quyền các cấp các ngành và Lực lượng vũ trang Quân khu trong những năm qua đã thu được những kết quả có ý nghĩa hết sức quan trọng: Quốc phòng-an ninh và trật tự xã hội được giữ vững, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố thêm một bước, đời sống đồng bào các dân tộc được cải thiện, sự giác ngộ của nhân dân được nâng cao. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các vị già làng, trưởng thôn với nhiều mô hình tốt, nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực tiễn vận động nhân dân.

Từ sự chung tay góp sức ấy, tình hình quốc phòng an ninh miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn Quân khu 5 đã đạt được những thành tựu quan trọng. Từ một nền sản xuất tự cung, tự cấp lạc hậu, đến nay đã có nhiều sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao như cao su, cà phê ở Tây Nguyên, hàng dệt thổ cẩm của đồng bào Ê đê, Cơ Tu, khăn của đồng bào Chăm được bạn bè quốc tế ưa chuộng.

Kinh tế hằng năm đều tăng trưởng, sản lượng lương thực từ năm 1992-1993 chỉ đạt 0,5 tấn/ha, đến năm 2016 năng suất bình quân 3,7 tấn/ha, bình quân lương thực đầu người hơn 850 kg/năm; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, 95,7% xã có điện lưới quốc gia, trình độ dân trí được nâng cao. Nếu trước đây 98% người dân không biết chữ thì ngày nay đã phổ cập cấp 1, cấp 2, bình quân 4 người dân có một người đi học, số thanh niên người dân tộc có trình độ đại học, cao đẳng ngày càng đông, nhiều con em đồng bào đã trở thành cán bộ, kỹ sư, bác sĩ.

Các xã đã phủ sóng phát thanh truyền hình mỗi tuần có phát thanh tiếng dân tộc anh em trong tỉnh cho bà con nghe chủ trương, chính sách của Đảng hoặc những nơi làm ăn có hiệu quả để bà con noi theo.

Địa bàn Quân khu 5 với 11 tỉnh, thành phố, trong đó có 47 dân tộc anh em, dân tộc thiểu số chiếm 13%, gần 3 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm 28% dân số. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước, do đó các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá, kích động, gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo, dụ dỗ, lôi kéo đồng bào chống lại đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trung tướng Trần Quang Phương, Chính ủy Quân khu 5 đề nghị các già làng, trưởng thôn tập trung làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục vận động đồng bào các dân tộc không nghe những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, bịa đặt của thế lực thù địch làm tổn hại đến tình hình an ninh quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò gương mẫu, uy tín của mình đi đầu trong phát triển kinh tế-xã hội, trong đấu tranh bảo vệ, giữ gìn sự đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, không để kẻ xấu kích động chia rẽ. Đặc biệt, cần đấu tranh với những phần tử đội lốt tôn giáo đi tuyên truyền đạo trái pháp luật, chăm lo giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

                                                                                                Minh Trang