In bài viết

Tôn vinh vị tướng của đường Trường Sơn huyền thoại

(Chinhphu.vn) - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc, có uy tín lớn của cách mạng Việt Nam, đã dành trọn cuộc đời chiến đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng.

24/02/2023 13:38
Tôn vinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên -  Vị tướng của đường Trường Sơn huyền thoại - Ảnh 1.

Hội thảo khoa học "Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình" - Ảnh: VGP

Ngày 24/2, tại Quảng Bình, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội thảo khoa học "Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình". 

Đây là sự kiện quan trọng kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923-1/3/2023) - vị tướng của đường Trường Sơn huyền thoại, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), đại biểu Quốc hội các khóa I, VI, VII, VIII, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Hội thảo nhằm tiếp tục khẳng định những cống hiến xuất sắc của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, tôn vinh nhà lãnh đạo có uy tín lớn, vị tướng tài ba của Đảng, Nhà nước và QĐND Việt Nam, một người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.

Qua đó, làm sâu sắc hơn những quan điểm, kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đặc biệt là thế hệ trẻ học tập và noi theo tấm gương Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết hội thảo nhận được hơn 80 tham luận từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị lão thành cách mạng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Tổng cục Chính trị; lãnh đạo, chỉ huy một số tổng cục, quân khu, quân chủng, binh chủng, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu; các nhà khoa học trong và ngoài quân đội; lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và những người đã từng gặp gỡ, làm việc với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Các tham luận là những công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, đảm bảo tính khoa học, vừa khẳng định những cống hiến xuất sắc trên nhiều lĩnh vực, vừa thể hiện lòng kính trọng và sự tri ân sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và nhân dân đối với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Tôn vinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên -  Vị tướng của đường Trường Sơn huyền thoại - Ảnh 2.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giữa) và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (bên phải) trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971 - Ảnh tư liệu

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - linh hồn đường Trường Sơn

Tại hội thảo, Thượng tướng Phùng Sỹ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam nêu rõ trong thời gian gần 10 năm, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh Đoàn 559, phát triển tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn từ một con đường mòn nhỏ, trở thành tuyến giao thông vận tải lớn với cả hệ thống đường được giới truyền thông mệnh danh là "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm". 

Quân số có lúc lên tới hơn 12 vạn cán bộ, chiến sĩ. Hệ thống đường chiến lược này khi đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tiếp nhận đã có 5 tiểu đoàn xe với 750 xe tải, chia thành 4 binh trạm; đến năm 1975 phát triển thành 2 sư đoàn vận tải với 10.000 xe tải. Đường Trường Sơn không còn những con đường đơn lẻ mà phát triển thành một hệ thống đường vận tải phức tạp với hơn 16.700 km đường bộ, trong đó có hơn 800 km đường kín, 1.500 km đường rải đá, 200 km đường nhựa. Bên cạnh đó còn có 1.400 km đường ống dẫn xăng dầu, 1.350 km đường dây cáp thông tin, 3.800 km đường giao liên...

Còn Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, hơn 70 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị khác nhau, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên luôn đem hết tinh thần, nghị lực và trí tuệ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng chí "luôn thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; sự quyết đoán, gan dạ, mưu trí, thao lược trong lãnh đạo, chỉ huy", là nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam; vị tướng chính trị, quân sự mưu lược của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong những năm tháng lăn lộn trên tuyến lửa Trường Sơn khốc liệt, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên còn chỉ đạo các lực lượng trên tuyến phối hợp chặt chẽ với các chiến trường, các tuyến phía sau; giúp đỡ cách mạng Lào xây dựng, củng cố vùng giải phóng dọc theo tuyến hành lang; phối hợp với Quân khu Trung - Hạ Lào, quân và dân Đông Bắc Campuchia xây dựng thành công tuyến chi viện chiến lược, vừa mang ý nghĩa quốc tế, liên minh chiến đấu ba dân tộc, vừa có ý nghĩa trực tiếp với việc giữ vững và phát triển tuyến chi viện chiến lược Đường Trường Sơn, đồng thời là căn cứ chiến lược cách mạng Nam Đông Dương. Đây là nhân tố quan trọng tạo điều kiện duy trì và phát triển thế và lực cách mạng ở mỗi nước đi đến thắng lợi.

"Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, chúng ta như được gặp lại cuộc đời trong sáng, mẫu mực của một người cộng sản chân chính, nhà chính trị, quân sự mưu lược của Quân đội Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định. 

Theo ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, một điểm sáng của ngành giao thông vận tải trong giai đoạn đồng chí Đồng Sỹ Nguyên làm Bộ trưởng (1982 - 1986) là giao thông nông thôn phát triển nhanh và mạnh. Các lĩnh vực vận tải khác như: Đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa cũng có những bước phát triển nhanh cả về lượng về chất trong giai đoạn đồng chí Đồng Sỹ Nguyên làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Với tinh thần tự lực, tự cường; cách làm sáng tạo nhiều công trình hạ tầng tiêu biểu như cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Bến Thủy, Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng… được xây dựng trong giai đoạn này vẫn đang phát huy hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng đã nhấn mạnh: Trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc, Quảng Bình là vùng đất đã sản sinh, nuôi dưỡng và tôi luyện nhiều bậc danh nhân, hào kiệt, trí dũng song toàn, trong đó có 2 vị tướng tài ba, 2 người học trò ưu tú và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Là người con ưu tú của quê hương, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn dành tình cảm sâu nặng và sự quan tâm đặc biệt đối với tỉnh nhà cả trong thời chiến cũng như trong thời bình.

Khắc ghi những lời căn dặn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Bình đã không ngừng củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống của quê hương "Hai giỏi", đẩy mạnh công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà theo các mục tiêu mà đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ đề ra. Đến nay, Quảng Bình đã có những bước phát triển quan trọng, đạt được những thành quả tích cực trên tất cả các mặt: Phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đều nhất quán nêu rõ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc, có uy tín lớn của cách mạng Việt Nam, đã dành trọn cuộc đời chiến đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng.

Hội thảo cũng đánh giá Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và quân đội ta, nêu tấm gương trọn đời hy sinh, cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; một nhân cách đức độ, giản dị, khiêm tốn, thẳng thắn, chân thành, giàu tình yêu thương con người.

Đạo đức cách mạng trong sáng, tấm gương cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản ở Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn được đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo, được bạn bè quốc tế cảm phục.

Nhật Nam-Lưu Hương