In bài viết

Tổng công ty Thương mại Hà Nội với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

HNP - Là đơn vị đứng đầu trong công tác đưa hàng Việt về nông thôn, năm 2011, Tổng công ty đã triển khai chương trình đưa hàng về nông thôn với tần suất vượt trội (384 chuyến) so với năm 2010 (59 chuyến); tổ chức 13 “Chợ Tết” quy mô từ 100 – 300 m2 tại các huyện Thạch Thất, Từ Liêm, Phúc Thọ, Mê Linh, Chương Mỹ, Quốc Oai, Hoài Đức, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Sóc Sơn, Ba Vì… trong khoảng thời gian từ ngày 14 – 18/01/2012 (tức 21 – 25/12 Âm lịch).

21/01/2012 00:08


Với định hướng ưu tiên những hàng hóa nội địa có chất lượng cao, có thương hiệu thay thế hàng nhập ngoại, sau 2 năm triển khai, tỷ trọng hàng hóa có nguồn gốc nội địa chiếm tỷ lệ từ 60% - 80% trên tổng cơ cấu hàng hóa kinh doanh trong toàn hệ thống bán lẻ của Tổng công ty, doanh thu các mã hàng Việt Nam trong tổng doanh thu toàn hệ thống bán lẻ của Tổng công ty đã tăng từ 30% - 50% so với cùng kỳ. Các sản phẩm do các Công ty thành viên của Tổng công ty sản xuất như Rượu Vodka Hapro, Rượu Vang Thăng Long, Mỳ Kuksu, các loại thực phẩm chế biến, rau củ quả an toàn Hapro... chất lượng ngày càng được nâng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và được trưng bày, bày bán tại tất cả các địa điểm kinh doanh trong hệ thống phân phối của Tổng công ty.

Ngoài ra, Tổng công ty cũng đã tích cực triển khai Chương trình “Liên kết thị trường nội bộ”, thường xuyên quảng cáo, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, khuyến khích các đơn vị trong Tổng công ty trở thành khách hàng, đối tác, ưu tiên sử dụng dịch vụ, tiêu thụ các sản phẩm của nhau nhằm tăng cường mối liên kết giữa các Công ty thành viên, đơn vị trực thuộc trong toàn Tổng công ty. Thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ công nhân viên, gia đình và người thân sử dụng hàng hóa do Việt Nam sản xuất với phương châm “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Người Tổng công ty Thương mại Hà Nội ưu tiên dùng hàng Tổng công ty Thương mại Hà Nội”.

Trong những năm gần đây, Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã tập trung ưu tiên, tiến hành nhiều giải pháp quyết liệt để quy hoạch, cải tạo, xây dựng, phát triển mở rộng hệ thống hạ tầng thương mại của Tổng công ty trên địa bàn Thành phố và một số tỉnh thành phía Bắc. Đến nay, hệ thống hạ tầng thương mại của Tổng công ty đã phát triển gồm: 03 Trung tâm mua sắm Hapro Shopping Centre, 03 Trung tâm Kinh doanh Chợ/chợ đầu mối, 40 Siêu thị, Cửa hàng tiện ích Hapromart, 35 cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn Haprofood; Ngoài ra, còn có hệ thống trên 100 Cửa hàng chuyên doanh điện, điện máy, điện dân dụng, may mặc tại Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc. Hệ thống chuỗi này đã tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các nhà phân phối, các đơn vị sản xuất trong nước với các đơn vị kinh doanh, đơn vị sản xuất của Tổng công ty.

Năm 2011, Tổng công ty Thương mại đã triển khai chương trình với tần suất vượt trội (384 chuyến) so với năm 2010 (59 chuyến). Tính đến hết tháng 10/2011, Tổng công ty đã tổ chức được 170 chuyến bán hàng, bao gồm: 33 phiên chợ Việt tại các huyện, khu công nghiệp; 18 chuyến bán hàng nông thôn; 95 chuyến bán hàng lưu động và 24 chuyến bán hàng chính sách.

Trong các chuyến bán hàng nông thôn, phiên chợ Việt, Tổng công ty đã hợp tác với các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các quận, huyện cùng tham gia để góp phần đa dạng hóa bộ sản phẩm hàng hóa có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý... góp phần bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát và đã thu hút được đông đảo người tiêu dùng địa phương tới tham quan, mua sắm.

Theo lãnh đạo Tổng công ty Thương mại Hà Nội, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ công nhân viên tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Tổng công ty tập trung tăng cường, nâng cao tỷ trọng các sản phẩm hàng Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm có thương hiệu, có uy tín vào tiêu thụ trong hệ thống phân phối của Tổng công ty. Lập kế hoạch với các nhà sản xuất, các nhà cung cấp hàng nội địa để có cơ chế khuyến mại phù hợp nhân dịp các ngày lễ Tết, ngày kỷ niệm lớn,... nhằm kích thích tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nhãn hiệu Việt Nam. Tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương các huyện, xã, thị trấn ngoại thành Hà Nội, Ban quản lý các Khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Hà Nội để khảo sát, nghiên cứu thực tế thị trường địa phương, xác định địa điểm, thời gian bán hàng, cơ cấu bộ sản phẩm phù hợp cho các chuyến bán hàng lưu động, bán hàng nông thôn, phiên chợ hàng Việt trong năm 2012 và các năm tiếp theo.

Tùng Lâm