Quy trình mới được ban hành nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác phòng, chống ma túy của ngành hải quan đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tình hình mới |
Quy trình sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022. Việc ban hành Quy trình sửa đổi Quy trình 2005 có ý nghĩa cấp thiết nhằm quy định chi tiết, cụ thể về nguyên tắc, phương thức báo cáo, trao đổi thông tin, phối hợp giữa các đơn vị hải quan với nhau, giữa lực lượng hải quan với lực lượng chức năng, với cơ quan, tổ chức nước ngoài trong đấu tranh phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, Cục đã nghiên cứu kỹ những văn bản pháp luật về phòng, chống ma túy, về hải quan và các quy định pháp luật liên quan khác để tạo căn cứ pháp lý cho các quy định nêu trong Quy trình; xem xét kỹ về quy trình phân tích, đánh giá thông tin; tập trung làm rõ thẩm quyền và công tác phối hợp của lực lượng hải quan với các lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng, chống ma túy, lưu ý trong các tình huống cụ thể như khi lực lượng hải quan phát hiện ra ma túy trong địa bàn và khi thực hiện kế hoạch, chuyên án.
Quy trình sửa đổi đã cơ bản bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật liên quan như: Luật Hải quan, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức các cơ quan điều tra hình sự, Luật Phòng, chống ma túy, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy.
Trong quá trình xây dựng, Nhóm soạn thảo luôn bám sát mục tiêu ban hành Quy trình là nhằm tạo cơ sở áp dụng thống nhất các luật liên quan trong toàn lực lượng hải quan khi phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý vụ án ma túy thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan.
Cục Điều tra chống buôn lậu đã đề xuất, tham mưu góp ý vào những nội dung liên quan đến công tác phối hợp giữa cơ quan hải quan với các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy trên nguyên tắc: Lực lượng công an nhân dân là nòng cốt; các lực lượng khác chịu trách nhiệm chính, chủ trì tại khu vực, địa bàn quản lý theo chức năng, nhiệm vụ.
Nguyên tắc này đã được cụ thể hóa tại các quy định liên quan trong Quy trình sửa đổi. Theo đó, khi phát hiện ma túy trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan thì cơ quan hải quan là đơn vị chủ trì thực hiện các biện pháp nghiệp vụ về phòng, chống ma túy. Nếu là chuyên án thì địa bàn của lực lượng nào, lực lượng đó chủ trì; lực lượng công an nhân dân là nòng cốt, phối hợp với các lực lượng tham gia chuyên án.
Quy trình sửa đổi quy định: Sau khi tiếp nhận thông tin, căn cứ vào tính chất vụ việc, cá nhân, đơn vị thực hiện phân tích, đánh giá thông tin và báo cáo theo thẩm quyền trên nguyên tắc đơn vị hải quan cấp dưới báo cáo đơn vị hải quan cấp trên; đối với vụ việc có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều địa bàn, đường dây hoạt động xuyên quốc gia, dự kiến bắt giữ ma túy có số lượng lớn hoặc nhận được yêu cầu từ cơ quan, tổ chức nước ngoài và quốc tế về phối hợp đấu tranh phòng, chống ma túy thì lãnh đạo cục hải quan, lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu có trách nhiệm báo cáo ngay Tổng cục (qua Cục Điều tra chống buôn lậu) để xin ý kiến chỉ đạo. Quá trình tiếp nhận, phân tích, đánh giá thông tin phải bảo đảm chặt chẽ từ khi bắt đầu đến khi kết thúc vụ việc, bảo đảm bí mật theo quy định, không để lọt, để lộ thông tin, đối tượng vi phạm.
Việc phân tích, đánh giá thông tin thực hiện bởi các cá nhân, đơn vị phải bám sát vào các tiêu chí về: Tính chất, mức độ, đối tượng, thủ đoạn, hành vi và địa bàn; tiếp đó, trình lãnh đạo có thẩm quyền phê duyệt phương án, kế hoạch đấu tranh để xác định rõ các lực lượng tham gia, phương thức đấu tranh, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp.
Về cơ chế phối hợp, quy trình sửa đổi bổ sung nội dung: “...Vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan thì cơ quan hải quan là đơn vị chủ trì thực hiện các biện pháp nghiệp vụ về phòng, chống ma túy, các cơ quan khác là đơn vị phối hợp”.
Về phương thức phối hợp giữa cơ quan hải quan và các lực lượng chức năng, bổ sung, kết cấu lại nội dung: “Đối với vụ việc, vụ án, chuyên án trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan là đơn vị chủ trì thực hiện các biện pháp nghiệp vụ. Các lực lượng chức năng có trách nhiệm phối hợp, thực hiện yêu cầu hỗ trợ và kịp thời tiếp nhận hồ sơ, vật chứng liên quan để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cần thiết thì xác lập chuyên án chung, cơ quan hải quan là đơn vị chủ trì, cơ quan công an nhân dân là lực lượng nòng cốt, các cơ quan khác (nếu cần) là lực lượng phối hợp. Sau khi kết thúc vụ việc, vụ án, chuyên án, các cơ quan thông báo kết quả phối hợp và thống nhất tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm”.
Đây là các nội dung khẳng định rõ về nguyên tắc phối hợp giữa cơ quan hải quan với các lực lượng chức năng khác khi phát sinh vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan.
Ngoài ra, Quy trình mới còn nhiều nội dung sửa đổi khác liên quan đến quy trình tổ chức bắt giữ vụ việc ma túy trên cơ sở thông tin nghi vấn trong quá trình kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; nguyên tắc trao đổi, tiếp nhận, xử lý thông tin và về phối hợp thực hiện giao hàng có kiểm soát.
Hoàng Giang