In bài viết

Tổng kết 8 năm thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng ngày 25/10/2011, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị tổng kết 8 năm thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông". Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Vụ trưởng Vụ ATGT, Bộ Giao thông Vận tải; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị và cán bộ chủ chốt các phòng ban thuộc Công an tỉnh. Đồng chí Trần Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

26/10/2011 07:10

Báo cáo tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: qua 8 năm thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc triển khai Chỉ thị đã được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các ngành tiến hành một cách nghiêm túc, và đạt nhiều kết quả tích cực.

Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông là biện pháp có ý nghĩa chiến lược để kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông, các cấp ủy đảng đã xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức sáng tạo và phong phú. Đến nay, đã có 100% số xã, phường, thị trấn tổ chức cho nhân dân học Luật Giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa với gần 96% số hộ, trên 975 nghìn lượt tham dự; hơn 106 nghìn lượt hộ dân sống dọc ven tuyến giao thông trọng điểm ký cam kết không vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; hướng dẫn vận động trên 75.000 người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ; tổ chức 5.300 buổi họp dân tuyên truyền, quán triệt luật và các văn bản dưới luật về an toàn giao thông với 587.735 lượt người tham dự.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn được tập trung đầu tư, xây dựng và phát triển. Nhìn chung, mạng lưới giao thông đường bộ cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hóa giữa các vùng, miền, giải quyết kịp thời nhu cầu đi lại của nhân dân, giảm dần giao thông đường thủy nội địa giữa các vùng. Giao thông đô thị được phát triển, các cửa ngỏ thành phố, các tuyến trục chính được mở rộng, các tuyến vành đai từng bước được đầu tư và đưa vào sử dụng. Các tuyến đường tỉnh được đầu tư, nâng cấp, hệ thống đường huyện, đường xã được cải tạo, xây dựng; chất lượng đường được nâng lên, giao thông nông thôn được cải thiện đáng kể.

Ngoài ra, công tác chấn chỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe, kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy được tiến hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, bảo đảm sự thống nhất, công khai, minh bạch; từng bước cải cách hành chính theo quy định và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Công tác kiểm định an toàn phương tiện cơ giới đường bộ có nhiều tiến bộ, từng bước loại dần phương tiện quá cũ, nâng cao một bước chất lượng công tác kiểm định. Việc hướng dẫn, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng Công an nhân dân, trong đó lực lượng Cảnh sát giao thông đóng vai trò nòng cốt đã được triển khai thường xuyên, liên tục…

Từ những biện pháp đồng bộ nêu trên, vai trò, trách nhiệm, ý thức của các cấp ủy đảng, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về trật tự an toàn giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực; huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông; góp phần quan trọng và tạo chuyển biến rõ rệt trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông; Ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông được nâng lên; tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt năm sau giảm so với các năm trước; tai nạn giao thông đường thủy 5 năm trở lại đây không xảy ra.

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, thế nhưng qua 8 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư, vẫn còn tồn tại những hạn chế, thiếu sót: Công tác quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông tuy có chuyển biến nhưng một số mặt đang còn bất cập, nhất là trong công tác quy hoạch kết cấu công trình giao thông; chiến lược phát triển giao thông công cộng; công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các điểm đen hay xảy ra tai nạn chưa được giải quyết dứt điểm; ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của một bộ phận nhân dân còn thấp… Do vậy, tình hình tai nạn giao thông tuy có giảm về số vụ nhưng số người chết và người bị thương đang ở mức cao, số vụ va chạm giao thông chưa giảm; tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt vẫn còn xảy ra.

Đ/c Lê Trường Lưu, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Trần Thanh Bình đã biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đồng chí đề nghị, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị 22; Tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông và nếp sống "văn hóa giao thông"; Đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đảm bảo an toàn giao thông… Góp phần đưa công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ngày càng đi vào chiều sâu và có kết quả cao hơn, xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, ngày càng văn minh và hiện đại.

Đồng chí Trần Thanh Bình trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc

Dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tặng Bằng khen cho 21 tập thể và 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.