Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) khẳng định: Đây là nhiệm vụ trọng điểm nhằm thực hiện các nghị quyết quan trọng của Quốc hội và Chính phủ, góp phần thúc đẩy quản lý hiệu quả tài sản công, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí trong giai đoạn 2024-2025.
Theo Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 01/03/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai Tổng kiểm kê. Nội dung kiểm kê bao quát nhiều loại tài sản, từ tài sản cố định tại các cơ quan đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật quan trọng. Cùng với đó là các mục tiêu lớn như cải thiện chính sách, hỗ trợ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và cung cấp số liệu chính xác cho các báo cáo quốc gia.
Đối tượng, mục tiêu và kế hoạch triển khai đối tượng tài sản kiểm kê Theo Đề án 213, phạm vi kiểm kê tài sản bao gồm: Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm các tài sản cố định thuộc quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, ngoại trừ tài sản đặc biệt của lực lượng vũ trang hoặc tài sản thuộc danh mục bí mật nhà nước; tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước quản lý bao gồm nhiều loại hình hạ tầng quan trọng như đường bộ, đường sắt, hàng không, hạ tầng cấp nước, thủy lợi, chợ, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, và các thiết chế văn hóa – thể thao ở cấp cơ sở.
Thời điểm chốt số liệu kiểm kê là 0 giờ ngày 01/01/2025. Các tài sản hình thành sau thời điểm này sẽ không nằm trong phạm vi kiểm kê lần này.
Mục tiêu của Đề án 213 Việc kiểm kê được thực hiện nhằm: Đánh giá thực trạng tài sản công về số lượng, giá trị, cơ cấu, và tình trạng sử dụng; làm cơ sở hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; phục vụ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ báo cáo về tài sản công và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bộ Tài chính Bộ Tài chính đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao như: Ban hành kế hoạch tổng kiểm kê; rà soát pháp luật và thực hiện kiểm kê thử nghiệm tại 2 bộ và 6 địa phương gồm Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Kạn, và Quảng Ninh.
Bộ Tài chính cũng đã phát triển phần mềm kiểm kê tài sản công. Công cụ này hỗ trợ thống kê và báo cáo số liệu kiểm kê. Đồng thời, ban hành biểu mẫu và chỉ tiêu kiểm kê, tập huấn nghiệp vụ trực tiếp và trực tuyến, đồng thời phát hành video hướng dẫn chi tiết các bước thực hiện.
Về công tác triển khai tại các bộ, ngành và địa phương, Bộ Tài chính cho hay, tính đến ngày 18/12/2024, các kết quả đạt được gồm: Có 44/45 bộ, cơ quan trung ương và toàn bộ 63 địa phương đã hoàn tất thành lập Ban chỉ đạo kiểm kê; 100% các đơn vị đã ban hành kế hoạch chi tiết. Có 41/45 bộ, cơ quan trung ương và toàn bộ địa phương đã hoàn thành tập huấn cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Nhìn chung, công tác chuẩn bị và triển khai của Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương cơ bản đảm bảo tiến độ theo Đề án 213.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Một số khó khăn vẫn tồn tại do nhận thức chưa đầy đủ từ một số cấp ủy, chính quyền và khối lượng công việc lớn trên toàn quốc. Thực tế, mặc dù quy định yêu cầu kiểm kê và hạch toán tài sản hàng năm, thực tế cho thấy nhiều nơi vẫn thực hiện chưa đầy đủ. Một số tài sản như quyền sử dụng đất chưa được định giá chính xác, hoặc chưa có quy định cụ thể để đánh giá. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc tổng hợp số liệu và giá trị tài sản hiện tại chưa phản ánh đúng nguồn lực thực tế.
Khó khăn và thách thức trong quá trình kiểm kê phạm vi của đợt tổng kiểm kê rất lớn, với gần 100.000 đơn vị thuộc đối tượng kiểm kê. Đặc biệt, tài sản kết cấu hạ tầng như đê điều, đường bộ hay các công trình công cộng lâu đời thường thiếu tài liệu, hồ sơ bàn giao, gây khó khăn trong xác định giá trị và thông tin chi tiết. Thêm vào đó, việc tinh gọn bộ máy hành chính cũng cũng có tác động đến công tác kiểm kê. Những tài sản của các cơ quan sáp nhập, hợp nhất cần được chuyển giao đầy đủ đến đơn vị mới tiếp nhận để tránh lãng phí hoặc thất thoát. Bộ Tài chính đã dự liệu trước tình huống này và hướng dẫn cụ thể cho từng trường hợp để đảm bảo tài sản được quản lý chặt chẽ, không để xảy ra khoảng trống.
"Trong quá trình kiểm kê, các bộ, ngành, địa phương cần báo cáo ngay những tài sản dôi dư hoặc không sử dụng đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời. Các cơ quan, đơn vị sẽ kê khai thông tin chi tiết về hiện trạng tài sản, từ đó giúp thẩm định và bổ sung số liệu chính xác. Tổng kiểm kê tài sản công không chỉ là một nhiệm vụ hành chính mà còn là giải pháp chiến lược để thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước về quản lý tài sản công. Đây là lần đầu tiên một cuộc kiểm kê với quy mô toàn quốc và độ phức tạp cao được triển khai, góp phần minh bạch hóa công tác quản lý tài sản công, phòng chống tham nhũng, lãng phí và thất thoát", ông Nguyễn Tân Thịnh nhấn mạnh
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng: Sự thành công của Đề án 213 phụ thuộc vào sự phối hợp đồng bộ từ các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo. Việc hoàn tất kiểm kê đúng tiến độ không chỉ giúp Nhà nước tối ưu hóa nguồn lực mà còn tạo nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong tương lai.
"Sau khi hoàn thành kiểm kê, Bộ Tài chính sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương sử dụng kết quả để xây dựng kế hoạch và chính sách quản lý tài sản công hiệu quả hơn, bao gồm việc hoàn thiện các quy định về định giá và sử dụng tài sản. Đánh giá thực trạng quản lý tài sản của các cơ quan, đơn vị để xác định những điểm yếu cần cải thiện. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tài sản công, giúp minh bạch và thuận tiện trong việc theo dõi, điều chỉnh", đại diện Bộ Tài chính chia sẻ thêm.
Anh Minh