Tổng thống Ấn Độ và Phu nhân chăm chú tham quan kiến trúc từng khu tháp - Ảnh: VGP/Thế Phong |
Khu Đền tháp Mỹ Sơn được hình thành từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII với hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chămpa được kết tinh trong những di chứng vật chất trường tồn, chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập trong một thời gian dài suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII), được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á như Angkor, Pagan, Borobudur.
Chịu ảnh hưởng của Ấn giáo từ tiểu lục địa Ấn Độ, nhiều đền tháp tại Khu di tích Mỹ Sơn được xây dựng để thờ các vị thần của Ấn Độ giáo như Brama và Vishnu nhưng Shiva giáo vẫn tồn tại và giữ vai trò ngự trị toàn vùng. Những di tích của khu đền tháp tại đây là những công trình quan trọng nhất của nền văn hóa Chămpa cổ. Hầu hết các công trình được kết cấu bằng gạch nung với trụ đá và trang trí những phù điêu sa thạch thể hiện các giai thoại Ấn Độ. Đây được xem như một chứng tích trường tồn cùng thời gian nêu bật sự gắn kết văn minh giữa hai dân tộc Việt Nam - Ấn Độ.
Tổng thống Ấn Độ trồng tặng cây bồ đề tại khu vực phía trước khu tháp C- Ảnh: VGP/Thế Phong |
Trước những giá trị nổi bật toàn cầu của một khu di sản văn hóa cần phải được bảo vệ vì lợi ích của cả nhân loại, năm 1999, tại thành phố Marr kesk, Marocco, Khu Đền tháp Mỹ Sơn được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa thế giới của UNESCO.
Thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ được ký kết vào năm 2014, Chính phủ Ấn Độ đã và đang hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo nhóm tháp K, H, A Khu di tích Mỹ Sơn. Thời gian qua, các chuyên gia Ấn Độ đã tiến hành trùng tu nhóm tháp K và H, dọn vệ sinh nhóm tháp A. Đến nay, tại khu tháp K, dự án đã khai quật toàn bộ (bán kính 5 m từ kiến trúc tháp K), gia cố, gia cường, tôn tạo, trùng tu tường bao, tường và đế tháp, xử lý hệ thống thoát nước, cải tạo môi trường xung quanh. Tại khu tháp H, việc khai quật, phát lộ cũng đã phát hiện nhiều hiện vật có giá trị. Các chuyên gia đã xử lý gia cố, tạo ổn định các tường bao, tôn tạo các kiến trúc, các vị trí có kết cấu yếu. Xây dựng hồ sơ tư liệu chuẩn bị cho việc trùng tu trong thời gian tới.
Tổng thống Ấn Độ viết sổ lưu niệm tại Nhà biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm - Ảnh: VGP/Thế Phong |
Trong quá trình thực hiện, Đại sứ quán Ấn Độ đã 2 lần đến Mỹ Sơn để nghe báo cáo trực tiếp của đội ngũ chuyên gia. Nhiều lượt cán bộ của Viện khảo cổ Ấn Độ được cử sang thực hiện cùng với sự cộng tác của đội ngũ cán bộ, công nhân lành nghề từ dự án tháp G. Hiện nay, khu tháp K đã hồi sinh và trở thành địa điểm tham quan ưu thích của nhiều đoàn khách trong lộ trình di chuyển từ Nhà đôi đi tháp E, F.
Sáng cùng ngày, Tổng thống Ấn Độ, Ram Nath Kovind và Phu nhân còn đến tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, nơi trưng bày nhiều hiện vật điêu khắc Chăm tìm thấy trong vùng Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh lân cận.
Thời gian qua, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng và Học viện Bảo tàng Quốc gia về lịch sử nghệ thuật, bảo tồn và bảo tàng học Ấn Độ đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về biên soạn và xuất bản catalogue "Điêu khắc Chăm của Việt Nam và mối quan hệ với Nghệ thuật Ấn Độ", nhằm nghiên cứu về 50 hiện vật điêu khắc thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Hiện nay, Bảo tàng đang phối hợp với Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ nghiên cứu, biên soạn sách giới thiệu mối quan hệ giữa nghệ thuật điêu khắc Chăm và nghệ thuật Ấn Độ, chuẩn bị in tại Ấn Độ vào cuối năm 2018.
Thế Phong