In bài viết

Tổng thống mới của Pháp phải giải quyết nhiều thách thức

(Chinhphu.vn) - Đúng như dự đoán từ trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng 2, ứng cử viên của Đảng Xã hội Pháp François Hollande đã trúng cử để trở thành Tổng thống mới của nước Pháp.

07/05/2012 10:39

Người dân thành phố Toulouse mừng thắng lợi của ông Hollande

Theo nhiều chuyên gia, sau khi nhậm chức, ông Hollande sẽ phải giải quyết một loạt thách thức về kinh tế - xã hội của nước Pháp.

Thách thức thứ nhất là tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu người tiền nhiệm ông Sarkozy đặt ra trong năm 2012 là 1,7%, nhưng thống kê quý I cho thấy tăng trưởng kinh tế của Pháp chỉ đạt 0,2% và dự báo cả năm có thể chỉ đạt 0,7%.

Thách thức thứ hai là giải quyết là tình trạng thất nghiệp. Theo thống kế mới nhất, bất chấp các nỗ lực của ông Sarkozy, tỉ lệ thất nghiệp trong quý I của Pháp có thể vượt ngưỡng 10% lực lượng lao động vào mùa hè này. Dự báo số người thất nghiệp sẽ được bổ sung 214.000 trong năm 2012.

Thách thức thứ ba là thâm hụt mậu dịch, với mức kỷ lục 70 tỉ Euro trong năm 2011. Pháp không đạt được thặng dư thương mại kể từ năm 2003 và chiều hướng này càng ngày càng trở nên trầm trọng. Thị phần thế giới của Pháp, tính theo giá trị, đã giảm rất mạnh trong vòng 20 năm nay, từ 6,2% năm 1990 xuống còn 3,2% năm 2011. Pháp ngày càng tụt hậu so với đối tác và cũng là đối thủ Đức. Điều này chứng tỏ sự yếu kém của nền sản xuất và đặc biệt của công nghiệp Pháp.

Thách thức thứ tư là thâm hụt ngân sách và nợ công. Theo dự báo, thâm hụt ngân sách của Pháp năm 2012 sẽ được thu hẹp xuống còn 4,5% GDP so với 5,2% của năm 2011, và năm 2013 xuống còn 3%.

Nợ công của Pháp hiện nay đã vượt quá ngưỡng 1.700 tỉ Euro, trong đó phần lớn do các chủ nước ngoài nắm giữ. Dự kiến mức nợ công của Pháp sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, lên đỉnh điểm 89% GDP năm 2013 trước khi giảm dần vào năm 2014.

Đây quả là những thách thức lớn với ông Hollande.

Trước đó, ông Hollande đã chuẩn bị một chương trình nghị sự ngay từ khi chiến dịch tranh cử chưa kết thúc để bắt đầu nhiệm kỳ mới. Theo đó, ngày 15/5 làm lễ nhậm chức và thành lập chính phủ mới; ngày 17/5 hoàn thành thủ tục vay trung hạn 12 tỉ Euro của các thị trường để phục vụ các nhu cầu chi tiêu công. Bên cạnh đó là dự hội nghị G8 NATO, gặp lãnh đạo 27 nước thành viên EU trước Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 28-29/6 và thăm chính thức nước Đức.

Ông Hollande cũng đã đề ra các biện pháp giải quyết các yêu cầu cấp thiết trong thời gian trước mắt, cụ thể là một lịch trình “3 giai đoạn”, kéo dài đến tháng 6/2013 với 35 biện pháp. Một cách biểu tượng, biện pháp đầu tiên mà ông Hollande thực hiện là giảm 30% tiền lương của nguyên thủ nhà nước và thành viên trong Chính phủ.

Đặc biệt trong thời gian từ 8/2012 - tháng 6/2013, ông Hollande sẽ hiện thực hóa một số cam kết, nhất là phải nỗ lực tạo ra 150.000 việc làm, đồng thời tiến hành thương lượng với các đối tác xã hội về cải cách hưu trí.

Cũng trong giai đoạn này, ông Hollande sẽ tiến hành các cải cách thể chế quan trọng như cải cách Hội đồng tòa an tối cao và quy chế hình sự của nguyên thủ nhà nước; giải tán Tòa tư pháp cộng hòa; xem xét lại vấn đề quyền bỏ phiếu của người nước ngoài tại Pháp; bãi bỏ chế độ kiêm nhiệm trong bộ máy công quyền.

Nguyễn Chiến