In bài viết

Tổng thống Mỹ với một năm đầy quyết sách bất ngờ

(Chinhphu.vn) – Một năm kể từ ngày “Thứ Ba lịch sử” khi Tổng thống Donald Trump trúng cử vào vị trí lãnh đạo nước Mỹ. Mục tiêu “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”, được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách trên nhiều lĩnh vực mà sâu sắc nhất là kinh tế và ngoại giao, có nhiều thay đổi đáng kể với người tiền nhiệm.

27/12/2017 14:30
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Dù trải qua nhiều sóng gió trong năm đầu tiên lên nắm quyền, nhiều quyết sách kinh tế của ông Donald Trump cũng đã mang lại trái ngọt. Bất chấp việc phải hứng chịu những cơn bão lịch sử, nền kinh tế Mỹ vẫn chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trong quý II và quý III/2017, với tăng trưởng GDP lần lượt đạt 3,1 và 3%. Những năm còn lại trong nhiệm kỳ của ông Trump được dự báo sẽ còn nhiều bất ngờ và những điều đáng chờ đợi khác.

Với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên", ông chủ Nhà Trắng đã có những bước đi quyết liệt và gây tranh cãi, nhưng cũng rất thực dụng, theo hướng đảo ngược chính sách so với chính phủ tiền nhiệm cả về đối nội và đối ngoại, miễn sao mang lại lợi ích cho nước Mỹ.

Nổi bật nhất trong số những quyết sách đầy bất ngờ của ông Trump trên cương vị người đứng đầu nước Mỹ là sắc lệnh cấm di trú đối với người dân từ một số quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số. Sắc lệnh 13769 hay còn được biết đến với tên gọi “Sắc lệnh bảo vệ quốc gia khỏi sự nhập cư của khủng bố nước ngoài vào Mỹ”, được Tổng thống Mỹ Trump ký vào ngày 27/1/2017. Sắc lệnh này hạn chế cả việc đi lại và cư trú của người từ một số quốc gia ở Trung Đông và châu Phi, bao gồm Iran, Iraq, Libya, Syria, Somalia, Sudan và Yemen (sau đó Iraq được rút khỏi danh sách). 

Sau khi chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, ông Trump tiếp tục theo đuổi việc xây dựng bức tường trên tuyến biên giới dài hơn 3.100 km giữa Mỹ và Mexico. Ngày 4/10/2017, Nghị viện Mỹ đã thông qua một đạo luật tài chính chi tổng cộng 15 tỷ USD, bao gồm 10 tỷ USD dành cho việc đầu tư xây dựng bức tường biên giới và thêm 5 tỷ USD cho việc cải thiện những cửa khẩu trên đường biên này.

Trong gần một năm trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Trump đã kiên quyết rút nước Mỹ ra khỏi nhiều tổ chức và hiệp ước quốc tế. Chỉ hai ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp đầu tiên, chính thức rút nước này ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định thương mại lịch sử vốn đã kết thúc đàm phán dưới thời người tiền nhiệm của ông vào tháng 10/2015 với sự tham gia của 12 nước trong khu vực.

Nối tiếp TPP, ông Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu ngày 2/6/2017 vì cho rằng Thỏa thuận Paris gây ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành công nghiệp khai thác dầu lửa và than của Mỹ và nền kinh tế Mỹ nói chung.

Bất ngờ nối tiếp bất ngờ, ngày 12/10/2017, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Washington sẽ chính thức rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) từ ngày 31/12/2018 và sẽ chỉ duy trì vai trò của một quan sát viên. Việc Mỹ rút khỏi UNESCO sẽ đặt một gánh nặng lên vai của tân Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay khi Mỹ là nước đóng góp đến 22% ngân sách hoạt động của UNESCO.

Đặc biệt, vào những ngày cuối năm nay, Tổng thống Trump đã có "nước cờ" mạo hiểm khi tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới thành phố linh thiêng này.

Động thái ủng hộ ra mặt đối với đồng minh chiến lược Israel không chỉ khiến hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế bị suy giảm và Washington bị cô lập tại các diễn đàn đa phương, mà còn hủy hoại tiến trình hòa bình Trung Đông, tạo nguy cơ tái bùng phát bạo lực tại khu vực được coi là "thùng thuốc súng" này.

Trong bối cảnh đó, việc Tổng thống Trump đưa ra khái niệm "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", cho thấy chính quyền Mỹ tiếp tục quan tâm và muốn mở rộng liên kết với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trên lĩnh vực đối nội, nền kinh tế Mỹ dưới sự chèo lái của Tổng thống Trump được đánh giá là có những bước phát triển tích cực. Bất chấp các trận bão lớn tàn phá nhiều vùng ở bang Texas và Florida, gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD, mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 3% trong quý III được coi là một chiến thắng lớn của Tổng thống Trump, bởi trước đó, các chuyên gia kinh tế nhiều lần cho rằng mục tiêu tăng trưởng 3% mà ông đề ra là phi thực tế.

Một chiến thắng chính trị lớn mà ông Trump vừa đạt được khi Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật cấp ngân sách tài khóa 2018 trị giá 4.000 tỷ USD với tỷ lệ phiếu sát nút là 216 phiếu thuận – 212 phiếu chống. Việc thông qua ngân sách năm tài khóa 2018 trị giá 4.000 tỷ USD của Hạ viện Mỹ đã mở đường cho chính quyền Tổng thống Trump sớm triển khai gói cải cách thuế “quy mô nhất lịch sử”. Và nếu chính thức được phê chuẩn thì cải cách này sẽ được coi là một thay đổi mang tính cách mạng và là thành tựu lớn đầu tiên về lập pháp của Tổng thống Trump kể từ khi cầm quyền.

An Bình