Theo trang tin của LHQ (UN.org), ngày 27/7, tại trụ sở LHQ, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh "khi các đám cháy rừng hoành hành khắp Nam Âu, Bắc Phi, các nhà khoa học khí hậu hàng đầu của LHQ cho biết hầu như chắc chắn rằng tháng 7/2023 sẽ là tháng nóng nhất phá vỡ mọi kỷ lục".
Ông Guterres bày tỏ lo ngại: "Biến đổi khí hậu là đây. Nó thật đáng sợ và đó mới chỉ là sự khởi đầu. Hậu quả của nó sẽ rất bi thảm với trẻ em, với các gia đình mất nhà cửa trong đám cháy và với người lao động phải làm việc trong cái nóng như thiêu đốt. Còn đối với toàn bộ hành tinh, đó là một thảm họa".
Cũng theo trang tin của LHQ, trong phát biểu của mình, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh sự cần thiết của hành động toàn cầu về khí thải, thích ứng khí hậu và tài chính khí hậu.
Ông Guterres cho biết mặc dù biến đổi khí hậu là hiển nhiên nhưng chúng ta vẫn có thể ngăn chặn điều tồi tệ nhất. Nhưng để làm được như vậy, chúng ta phải biến "một năm 'nóng bỏng' thành một năm cháy bỏng tham vọng".
Trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt đang trở thành "bình thường mới”, ông Guterres kêu gọi đầu tư thích ứng cần tăng mạnh trên toàn cầu để cứu hàng triệu người khỏi tác động của biến đổi khí hậu, nhất là ở các nước đang phát triển.
Tổng Thư ký LHQ cũng thúc giục các nhà lãnh đạo các nước phải đẩy mạnh hành động vì khí hậu và công bằng khí hậu, trong đó có vai trò rất lớn của các nước thuộc Nhóm G20.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ dự kiến tổ chức vào tháng 9 tới, Tổng Thư ký Guterres kêu gọi các nước phát triển cam kết đạt mức trung hòa carbon sớm nhất vào năm 2040 và đối với các nền kinh tế mới nổi là năm 2050.
Thông tin tham khảo (nguồn: LHQ, CNN)
*Tổ chức Khí tượng thế giới ( WMO ) và Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus của Ủy ban châu Âu đã mô tả các điều kiện khí hậu trong tháng 7/2023 là "đáng chú ý và chưa từng có".
Theo đó, 3 tuần đầu tiên của tháng 7 là khoảng thời gian 3 tuần nóng nhất được ghi nhận cho đến nay. Điều này liên quan đến sóng nhiệt ở phần lớn Bắc Mỹ, châu Á, châu Âu cùng với cháy rừng ở Canada, Hy Lạp.
Ba tuần đầu tiên của tháng 7, nhiệt độ trung bình toàn cầu tạm thời vượt ngưỡng 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.
Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus ngày 27/7 cho biết nhân loại vừa trải qua 3 tuần nóng nhất từng được ghi nhận trong hơn 100.000 năm.
Theo đó, qua các dữ liệu được ghi nhận từ năm 1940 thì trong 3 tuần đầu tháng 7/2023, nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 16,95 độ C, cao hơn nhiều so với "kỷ lục" 16,63 độ C ghi nhận vào tháng 7/2019.
Nhiều nhà khoa học khí hậu, trong đó có các nhà khoa học của Copernicus cho rằng nền nhiệt độ này là "nền nhiệt ấm nhất" mà trái đất từng thấy trong hơn 100.000 năm qua, dựa theo những gì mà con người biết được từ dữ liệu khí hậu hàng thiên niên kỷ được trích xuất từ vòng đời cây cối, rạn san hô và lõi trầm tích biển sâu.
Nguồn: UN.org