Điện năng nói riêng và năng lượng nói chung có vai trò và vị trí hết sức quan trọng, được coi là đầu vào của mọi đầu vào trong nền kinh tế. Thời gian qua, các chính sách về đầu tư, phát triển điện năng được Chính phủ, các bộ, ngành chức năng tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời, qua đó ngành điện đã phát huy tốt được vai trò của mình, tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đời sống dân sinh, an ninh-quốc phòng của đất nước.
Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của yêu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh – quốc phòng,… trong đó có yêu cầu bảo đảm cân đối lớn về điện.
Gần đây nhất, chiều ngày 28/10, để tránh lặp lại kịch bản thiếu điện cục bộ năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về các giải pháp bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng những tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024.
Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến 5 khâu quan trọng của điện, gồm: Nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và nghiên cứu giá điện phù hợp.
Thủ tướng đã giao nhiều nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, cơ quan liên quan, yêu cầu các cơ quan, đơn vị và người đứng đầu căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động thực hiện hiệu quả trên nguyên tắc dứt khoát không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào.
Trong đó, giao Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước chỉ đạo và phê duyệt việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng kịch bản chi tiết về cung ứng điện cho từng quý, từng giai đoạn, đặc biệt là trong những tháng mùa khô, bảo đảm khả thi, hiệu quả và phải có tính dự báo cao.
Là một sản phẩm hàng hóa đặc thù, phục vụ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, song ở khía cạnh xã hội, điện năng cũng là ngành trực tiếp phục vụ đời sống dân sinh… Trong bối cảnh đất nước ta còn nhiều khó khăn và để bảo đảm sự hài hòa về mục tiêu kinh tế gắn liền với thực hiện các mục tiêu xã hội, thời gian qua, việc tính toán chi phí giá thành đối với điện còn chưa được đầy đủ, vẫn mang màu sắc "bao cấp", bù trì; sự phân định giữa giá điện phục vụ sản xuất, với giá điện các mục tiêu xã hội, mục tiêu an sinh nhiều lúc còn chưa rạch ròi, lằn ranh còn thiếu rõ nét, dẫn đến giá bán điện chưa được hạch toán đầy đủ giữa chi phí đầu vào và giá thành bán ra.
Để có cái nhìn tổng quan, sinh động, toàn diện về thực trạng nêu trên, việc giải bài toán về cấu thành giá điện giữa chi phí đầu vào và chi phí bán ra; so sánh giá bán điện trong sự tương quan về chi phí đầu vào với với các nước trong khu vực và trên thế giới, từ đó xác định những việc cần làm để có giá bán điện phù hợp, hướng tới cân đối, hài hòa được nhiều mục tiêu khác nhau, vừa đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, vừa thu hút các nhà đầu tư vào phát triển, sản xuất điện năng,... ngày 31/10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm về "Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp" với sự tham dự của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế, năng lượng để hệ thống hóa, phân tích, kiến giải, luận bàn về vấn đề này.
Xin trân trọng giới thiệu các vị khách mời tham dự Tọa đàm:
- Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
- PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
- Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa
-TS. Hà Đăng Sơn, chuyên gia năng lượng
Câu hỏi đầu tiên xin được dành cho PGS.TS. Trần Đình Thiên, thưa ông, có quan điểm cho rằng, giá bán điện hiện nay vẫn còn mang màu sắc "bao cấp", bù trì. Lằn ranh về giá điện, việc hỗ trợ giá điện phục vụ các mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội, mục tiêu an sinh nhiều khi còn mờ nhạt, cào bằng? Quan điểm của ông như thế nào về quan điểm này?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Tôi nghĩ đấy không phải là một quan điểm, đấy là một thực tế. Cách lập luận về giá điện, giá lương thực vẫn như ngày xưa, nhưng bây giờ là thị trường rồi, giá xăng dầu cũng thị trường cơ bản rồi.
Còn giá điện thì chúng ta vẫn giữ mức giá Nhà nước quy định. Theo tinh thần giữ giá điện để hỗ trợ các lực lượng yếu thế, đấy là lập luận của chúng ta. Thế thì như thế giá điện có phần bù lại cho người mua đặc biệt là cho nhóm người yếu thế.
Tuy nhiên trên thực tế chúng ta thấy rằng nó không chỉ như vậy. Giá điện chung của chúng ta là cái giá mà tính bao cấp còn khá là nặng cho nên mức giá của chúng ta khá là thấp, đặc biệt là mấy năm gần đây chúng ta biết là chi phí về điện tăng rất là cao.
Cụ thể là, các điều kiện đầu vào, vốn liếng, tỉ giá hối đoái thậm chí giá các năng lượng khác nó rất là cao nhưng giá điện của chúng ta vẫn giữ giá rất là thấp thậm chí là tăng hầu như không đáng kể. Theo như tôi biết là có mấy phần trăm thôi, là mức tăng rất thấp.
Và theo đúng cái gọi là tinh thần của chúng ta là để hỗ trợ người lao động, để hỗ trợ xã hội trong lúc khó khăn. Tuy nhiên nó trả giá bằng câu chuyện là thị trường mất cân bằng, đặc biệt là bên sản xuất, EVN và nhiều doanh nghiệp sản xuất điện bị lỗ rất nặng. Đấy là cái mà chúng ta đang phải trả giá.
Có lẽ cái điều này là cái điều mà phải bàn rất là nghiêm túc trong thời gian tới bởi chúng ta tiến lên thị trường, cạnh tranh quốc tế mà đặt một mặt bằng giá như thế này thì đúng là khái niệm lằn ranh đỏ phải đặt ra. Tới đây phải đặt câu chuyện này nghiêm túc hơn nữa.
Từ sự phân tích của PGS.TS. Trần Đình Thiên, là chuyên gia về giá, ông có phân tích và nhận định như thế nào về những điểm bất hợp lý trong cơ cấu giá thành, cách tính giá điện như hiện nay, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, giá đầu vào của ngành điện như than, dầu, khí luôn biến động và neo cao?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Việc tính toán giá điện đã có những nguyên tắc nhất quán mà Chính phủ đã đề ra. Như là 6 tháng 1 lần nếu như các chi phí đầu vào qua kiểm toán, kiểm soát mà tăng thì buộc chúng ta phải điều chỉnh.
Tuy nhiên, chúng ta đã biết, Quyết định 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, cho đến nay là 6 năm, chúng ta mới có 3 lần điều chỉnh. Về thời gian là không bảo đảm theo quy định.
Còn về nội hàm của giá điện, các lần điều chỉnh vừa qua đều không bảo đảm được nguyên tắc bù đắp cho chi phí sản xuất và có lợi nhuận cho sản xuất kinh doanh điện. Có nghĩa là tất cả những chi phí sản xuất đầu vào từ phát điện đến truyền tải, phân phối đến quản lý ngành, dịch vụ phụ trợ... tất cả những khâu đó tạo nên giá thành điện.
Nhưng khi quyết định giá, vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hay có những năm hỗ trợ dịch bệnh, thiên tai... chúng ta không tính đủ giá thành của điện vào trong giá.
Như năm ngoái, giá thành tăng 9,27% nhưng chúng ta chỉ điều chỉnh có 3%. Tất cả những điều đó đều gây khó khăn về nhiều mặt. Một là, dòng tiền để tiếp tục đầu tư kinh doanh, chưa nói đến tái sản xuất gặp khó khăn. Hai là, giá điện càng thấp thì nhà đầu tư không mặn mà đầu tư xây dựng hệ thống phát, truyền tải.
Giá điện thấp, nói là tốt cho sản xuất, kinh doanh, tốt cho đời sống nhưng vấn đề là khi đầu vào không thực, sản phẩm đầu ra không phản ánh đúng giá trị thị trường.
Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải vươn ra nguyên tắc thị trường để hạch toán, tính toán giá điện làm sao bảo đảm được nguyên tắc mà chúng ta đã đề ra.
Thưa ông Hà Đăng Sơn, ông có thể chia sẻ một số thông tin về cách tính giá điện đang được các nước trên thế giới áp dụng, thực hiện. Nhìn nhận trong sự tương quan với nước ta và các nước trong khu vực và trên thế giới, cách tính chi phí đầu vào, việc cấu thành giá bán điện ở nước ta có sự khác biệt như thế nào, có những điểm nào chưa ổn?
Ông Hà Đăng Sơn: Trên thế giới có nhiều mô hình định giá cho giá điện. Một số quốc gia có lợi thế về cung ứng năng lượng họ luôn luôn là các nước xuất siêu về mặt năng lượng, thông thường họ rất dễ dàng để đưa ra các cơ chế giá mang tính chất để ổn định kinh tế xã hội, đáp ứng các mục tiêu trong câu chuyện dân sinh xã hội. Ví dụ như Brunei hay các nước Trung Đông, hầu như giá năng lượng của họ rất thấp.
Thứ hai, là các nước phát triển, tiệm cận với các mô hình kinh tế phát triển thì họ sử dụng công cụ giá là công cụ để điều tiết kinh tế cũng như thay đổi hành vi người tiêu dùng. Cho nên chúng ta thấy rằng rất nhiều quốc gia họ định giá với mực độ thả nổi theo thị trường hoặc họ đưa ra những hợp đồng với tính chất có kỳ hạn và tương đối dài hạn nhưng với mức giá khá cao.
Và rõ ràng khi người tiêu dùng chi trả với mức giá cao, kể cả trong trường hợp không thay đổi theo thời gian thì ý thức tiêu dùngvề năng lượng của người dân cũng bị điều chỉnh bởi yếu tố giá. Do đó, họ không phải đối mặt với câu chuyện liên quan đến vấn đề điện thay đổi hay chi phí đầu vào thay đổi thì sẽ thực hiện như thế nào.
Như nước Đức họ đã duy trì 1 thời gian dài cơ chế giá điện bán cho các hộ gia đình ở mức độ trung bình thì phần mua điện đầu vào chỉ chiếm 1/4 chi phí người dân phải chi trả và phần còn lại liên quan đến chi phí truyền tải, phụ trợ, trợ giá cho năng lượng tái tạo và một loạt các loại thuế. Rõ ràng chi phí người dân phải trả rất là cao, khoảng 30 xu euro cho một số điện, 1 con số rất cao so với số tiền mà người dân Việt Nam đang chi trả. Đó là các nước phát triển họ sử dụng công cụ giá thì lúc đó mô hình sẽ đơn giản hơn.
Một nước gần chúng ta như Singapore chẳng hạn, họ có sử dụng cơ chế là Ban đại diện cạnh tranh. Họ cho các công ty tư nhân thoải mái chào các gói giá điện khác nhau.
Tuy nhiên, vừa rồi trong giai đoạn khủng hoảng năng lượng, với chi phí đầu vào nhiên liệu rất cao, Singapore cũng gặp khủng hoảng lớn về cung ứng năng lượng và hầu như các công ty cung ứng điện nhỏ lẻ đều bị đóng cửa, họ không thể tiếp tục kinh doanh được.
An ninh năng lượng của Singapore hoàn toàn phụ thuộc vào các công ty có phần vốn nhà nước điều tiết, đây là vai trò có cái gì đó tương tự như chúng ta. Khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn bởi biến động bên ngoài tác động thì vai trò của công ty mà do Nhà nước điều tiết quản lý sẽ cực kỳ quan trọng.
Quay lại một số quốc gia khác, ví dụ như Hàn Quốc cũng tương đối giống chúng ta là các giá điện trong công nghiệp họ áp dụng các hợp động khác và trong này cũng khác với Việt Nam là họ áp các gói giá công suất tức là kể cả không dùng nhưng cũng phải chi trả cho công suất đấy vì là một khách hàng đã cam kết.
Ngoài ra đối với hộ gia đình họ cũng đang áp dụng giá điện bậc thang, điều này khá tương đồng với Việt Nam, tuy nhiên mức giá cao hơn rất là nhiều.
Thách thức lớn nhất của chúng ta khi chúng ta hòa nhập với thị trường năng lượng thế giới thì chúng ta cũng phải chấp nhận câu chuyện cung cầu năng lượng trên thế giới, giá cả thế giới biến động và chi phí đầu vào cho năng lượng cũng như sản xuất điện năng của chúng ta nó cũng sẽ thay đổi rất lớn.
Đúng là giá bán lẻ điện bình quân của Việt Nam thấp hơn nhiều nước, nhưng có ý kiến cho rằng thu nhập của người dân Việt Nam cũng thấp hơn rất nhiều so với những nước mà người dân trả giá điện cao?
PGS.TS. Trần Đình Thiên: Giá điện của Việt Nam hiện nay không thấp mà đang cân bằng với thu nhập. Tuy nhiên, đây không phải luận cứ để làm chính sách. Ở đây, có 2 vấn đề.
Thứ nhất, nói đến người dân – người tiêu dùng hàng ngày – thu nhập của người dân Việt Nam hiện nay đang ở mức thấp và giá điện hiện nay đang ở mức chấp nhận được.
Tuy nhiên, nếu giá điện thấp thì lại khiến tiêu dùng điện nhiều, lãng phí đồng thời không khuyến khích đầu tư sản xuất điện. Và khi đó, quy luật của thị trường sẽ phát huy tác đụng đó là muốn tiêu dùng theo giá điện thấp, sẽ không có điện dùng.
Nên việc chúng ta đang xử lý Nhà nước hỗ trợ một phần cho giá điện là cách để bù vào giá thấp này nhưng tôi cho rằng cách hỗ trợ như hiện nay đang có vấn đề làm ảnh hưởng trực tiếp đến giá điện thực tế.
Giá điện phải đảm bảo được khâu sản xuất điện còn phần hỗ trợ của Nhà nước phải tách riêng ra vào phần an sinh xã hội và tính bao cấp sẽ làm hỏng cơ chế thị trường.
Chúng ta vẫn phải để mức độ giá điện cân bằng, cạnh tranh với thế giới, không thể đầu vào cao mà vẫn để giá điện thấp.
Phần bao cấp của Nhà nước cần tách riêng ra mới bảo đảm được gía điện tính đúng, tính đủ, không khuyến khích người sử dụng tiêu tốn quá nhiều năng lượng mà vẫn khuyến khích đầu tư sản xuất điện.
Chúng ta không nên lập luận là "thu nhập thấp nên giá điện thấp" mà phải lập luận ở mức tổng thể hơn đó là "giá điện phải đúng để đảm bảo cân bằng sản xuất và tiêu dùng".
Cao hơn nữa, nếu cứ duy trì giá điện thấp như hiện nay có khả năng ta đang tạo ra bẫy công nghệ, tức là chỉ nhắm đến những nhà đầu tư công nghệ lạc hậu, tiêu dùng điện tốn kém thì ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế chung.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Tôi tán thành ý kiến của PGS.TS. Trần Đình Thiên. Cơ cấu điện hiện nay có nhiệt điện, thủy điện và các cơ cấu nguồn khác, trong đó rẻ nhất là thủy điện (chiếm 28%) còn lại là nguồn điện giá thành cao. Nhất là nhiệt điện nhập khẩu nguyên liệu đầu vào như: than, dầu, khí không thể có giá thấp được.
Ví dụ như giai đoạn thủy điện xuống mực nước thấp chúng ta phải huy động nguồn giá cao để đảm bảo nhu cầu của cả nền kinh tế. Còn nếu tính đúng thì khi sử dụng dầu sản xuất điện thì giá thành điện sẽ lên đến 5.800 đ/kWh, than khoảng 2.500 - 2.800 đ/kWh.
Chúng ta không thể mua cao - bán thấp do sự phụ thuộc nguyên liệu đầu vào nhưng với sự nỗ lực của Nhà nước, của ngành điện bù đắp về giá từ trước đến nay chúng ta vẫn phấn đấu đủ điện cho nền kinh tế với mức giá chưa đúng, chưa đủ với giá thành.
Trong giá điện hiện nay đang được xử lý đa mục tiêu. Nếu xét về thu nhập, cần làm rõ xem hiện nay chi phí điện chiếm bao nhiêu % trong tổng thu nhập? Đây là điều các nhà hoạch định chính sách đều tính toán. Chưa kể giá điện còn phải liên quan đến việc hoạch định nhiều chính sách khác nữa.
Đối với những đối tượng yếu thế thì Nhà nước có thể xem xét cách hỗ trợ khác như hỗ trợ ngoài tiền điện để mọi người dân đều có thể được sử dụng điện.
Tôi đồng tình rằng chúng ta luôn luôn nên nói "giá điện hợp lý" thì chúng ta sẽ đạt được nhiều mục tiêu mà chúng ta mong muốn để phát triển.
Như đã phân tích của các chuyên gia ở trên, cơ cấu giá điện hiện nay còn nhiều điểm còn chưa hợp lý, thậm chí phí lý. Ở góc độ pháp luật, xây dựng cơ chế, chính sách... Ông có nhìn nhận về vấn đề này như thế nào? Đâu là những điểm "nghẽn" về cơ chế, chính sách, chúng ta cần sửa có sự sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, thưa ông?
Ông Phan Đức Hiếu: Đầu tiên, chúng ta phải có cách tiếp cận tổng quát. Vấn đề giá điện phải đặt trong tổng thể tất cả câu chuyện về sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và với tất cả các chủ thể có liên quan. Tôi cho rằng, có ít nhất 2 bài toán ở đây.
Thứ nhất, đó là bài toán liên quan đến nhà sản xuất điện, nhà phân phối điện, nhà tiêu dùng điện. Trong nhà tiêu dùng điện, lại có các đối tượng khác nhau với các nhóm lợi ích khác nhau. Như vậy, rõ ràng các chủ thể tham gia vào quan hệ sản xuất, phân phối và sử dụng điện đều có những lợi ích khác nhau, có những nhu cầu ở các khía cạnh khác nhau. Ví dụ, ở giá thành này thì bên này có thể lợi nhưng bên kia thiệt hại. Đó là bài toán rất khó.
Ngoài câu chuyện hài hòa hóa lợi ích của các bên, câu chuyện thứ hai, đó là về mặt lý thuyết, giá điện được sử dụng như một công cụ để thúc đẩy một số mục tiêu, chính sách như: Phát triển xanh, tiết kiệm tiêu dùng điện…
Do đó, câu chuyện về giá điện phải đặt trong một bài toán tổng thể, không nên nhìn ở một góc này hoặc một góc kia. Khi nói đến giá điện, chúng ta phải phân định các nguyên tắc rất mạch lạc. Tôi cho rằng, tính đúng, tính đủ có thể phù hợp ở một khía cạnh, từ phía nhà sản xuất thôi. Còn để hợp lý phải đặt trong tổng thể bài toán.
Nguyên tắc thứ hai, chúng ta phải phân định giữa giá điện nói chung và các chính sách hỗ trợ khác. Theo tôi, hai câu chuyện này không thể nhập vào làm một.
Ví dụ, nếu giá điện tạm gọi là phù hợp, tính đúng, phản ánh thực tế về nguyên liệu đầu vào, cơ cấu ngành điện… thì giá điện có thể trở nên quá cao với nhóm đối tượng này và trung bình với nhóm đối tượng khác.
Rất khó để có thể xác định một mức giá điện như thế nào là phù hợp cùng với các chính sách hỗ trợ khác cho các nhóm đối tượng sử dụng giá điện như công cụ để thúc đẩy hành vi tiêu dùng.
Theo tôi, đầu tiên, về mặt phương pháp luận, chúng ta phải đặt trong tổng thể, hài hòa lợi ích và đặt các công cụ chính sách khác nhau liên quan đến giá điện.
Chúng ta phải biết được chính xác giá điện thực tế là bao nhiêu. Nếu chúng ta tính thấp thì sẽ không thu hút được nhà sản xuất điện, làm cho các bên tham gia vào sản xuất kinh doanh bị thua lỗ, thậm chí họ không tham gia.
Đầu tiên, chúng ta phải xác định được cơ chế để bảo đảm chính xác giá điện, từ đó chúng ta mới suy ra liệu có cơ chế, chính sách nào khác để thúc đẩy sự cạnh tranh hơn về giá.
Nếu giá như vậy tác động đến các đối tượng tiêu dùng khác nhau thì phải điều chỉnh chính sách về giá để bảo đảm lợi ích phù hợp cho các bên có liên quan, chứ không nên lẫn lộn. Bởi nếu lẫn lộn, một bên sẽ được lợi, một bên vô hình chung sẽ bị thiệt hại.
Thực ra, rất khó để chỉ ra cụ thể điểm nghẽn về cơ chế, chính sách. Như chúng ta biết, thị trường điện chia ra thành các phân khúc: Nhà sản xuất, nhà phân phối, tiêu dùng. Các công cụ chính sác điều tiết lợi ích để không làm cho một bên được hưởng lợi và không gây thiệt hại quá mức cho bên kia, cũng như đạt được các mục tiêu, chính sách khác, tôi cho rằng cần tập trung vào những điều sau:
Thứ nhất, đối với sản xuất điện, đặc biệt phải rà soát các quy định, làm sao giảm bớt sự độc quyền trong sản xuất và tăng sự cạnh tranh. Ngoài chi phí sản xuất bình thường - đó là cộng dồn của nguyên vật liệu, phương thức sản xuất… tôi cũng nghe nói, đâu đó chi phí về thủ tục, độ trễ về thủ tục, thủ tục trở nên khó khăn, với nhiều điều kiện, đã hạn chế việc gia nhập thị trường. Như thế sẽ giảm tính cạnh tranh và xu thế độc quyền tăng lên, gia tăng các chi phí khác sẽ cộng vào giá điện.
Thứ hai, liên quan đến phân phối điện, phải tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng, tăng sự cạnh tranh trong phân phối.
Thứ ba, các chính sách tiêu dùng phải được rà soát, thúc đẩy hành vi của người tiêu dùng đó là tiêu dùng tiết kiệm điện. Đó không chỉ là hành vi của người tiêu dùng mà còn cả các chính sách liên quan khác như các sản phẩm tiêu thụ ít nhiên liệu, công nghệ tiêu thụ ít nhiên liệu…
Thực tế cho thấy, giá điện chưa hợp lý đã khiến ngành điện không có nguồn để đầu tư, phát triển, nhằm giảm giá thành sản xuất, truyền tải, phân phối, không thu hút được được nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào ngành điện... Đây là một thách thức rất lớn khiến ngành điện phải tập trung xử lý. Theo ông, việc tính đúng, tính đủ giá điện trong bối cảnh hiện nay có phải là một yêu cầu khách quan, tất yếu đặt ra hay không, thưa ông?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Việc tính đúng, tính đủ giá điện, các chi phí vào giá điện là rất cần thiết, chúng ta không thể duy trì một mức giá bao cấp được, mức giá rất thấp so với chi phí hiện nay như anh Thỏa lúc nãy có nói rất rõ về sự chênh lệch đấy và sự chênh lệch này dẫn đến ngành điện (tức phía cung) không thể đầu tư sản xuất được, thực tế này diễn ra ở Việt Nam bao nhiêu năm nay, rất khổ sở.
Chúng ta bàn đến giá điện chủ yếu là bàn đến việc làm sao phải tăng nguồn cung lên, cho đến bây giờ chỉ mới giải quyết theo hướng có giá FIT cho năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên cũng phải nói như thế nào là đúng, là đủ? Đây là cả một câu chuyện phức tạp, nhưng phức tạo mấy cũng có cách giải quyết.
Về mặt nguyên tắc, chúng ta phải thống nhất một điều nguyên lý thị trường phải là nguyên lý chi phối, dẫn dắt, chứ không phải là nguyên lý bao cấp.
Cho nên rõ ràng giữa giá điện thị trường và hỗ trợ cho nhóm xã hội có thu nhập thấp, hai chuyện này tách bạch ra càng rõ càng tốt. Khi đó EVN và các đơn vị không phải gánh lỗ và có nguy cơ phá sản như hiện nay.
Như tôi đã có lần nói, "giá điện cao chưa chết nhưng mất điện thì chết", không có điện mới gay go. Nói vậy để thấy rằng công cụ giá hiện nay cần được đưa ra sử dụng một cách tích cực nhất, hiệu quả nhất với nguyên tắc theo thị trường.
Tôi cũng đồng ý quan điểm tính đúng, tính đủ là yêu cầu khách quan và nó sẽ dẫn dắt sự phát triển ngành điện của chúng ta.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Tôi thấy tính đúng, tính đủ như mình nói là một yêu cầu bắt buộc trong sản xuất, kinh doanh khi chúng ta tiến ra kinh tế thị trường, không có chuyện bao cấp. Luật Giá cũng cho biết nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí thực tế hợp lý và có lợi nhuận.
Thứ hai, điều chỉnh kịp thời khi các yếu tố hình thành giá thay đổi, nguyên tắc nhất quán và cho đến bây giờ vẫn như thế. Tôi nghĩ ngành nào cũng phải thực hiện thôi, chẳng qua là thời gian vừa qua chúng ta có nhiều mục tiêu quá cho nên chúng ta không xử lý đối với giá điện đúng các nguyên tắc này. Nguyên tắc này minh bạch rồi, không phải bàn nữa, căn bản là quyết tâm chính trị có dám làm hay không?
Các anh cũng vừa nói nguy hiểm nhất là thiếu điện, thiếu điện sẽ có nhiều điểm nghẽn, từ sản xuất đến kinh tế, mà kinh tế thì tắc nhất là điểm giá. Nếu mà đây là nhà đầu tư tư nhân thì như vừa qua, mặc dù rất khó khăn mà vẫn đủ điện như thế được không.
Chúng ta phải đặt câu hỏi như thế, để nếu các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào hệ thống nguồn, lưới điện, truyền tải không đủ chi phí thì làm sao họ vào đầu tư, chúng ta phải sòng phẳng với nhau vấn đề này. Điện lực phải đi trước một bước, nếu không sẽ có những hệ quả như các anh đã phân tích, sẽ làm cho nền kinh tế của nước ta rất khó khăn.
Việt Nam khẳng định quyết tâm mạnh mẽ trong thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng xanh... Thưa ông, chúng ta cần phải làm gì để thực hiện hiện các cam kết này cũng như thu hút ngày càng nhiều hơn các nhà các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tại Việt Nam như điện gió, điện mặt trời?
Ông Hà Đăng Sơn: Vừa qua những định hướng về chính sách của Chính phủ, các Nghị quyết của Đảng thì chúng ta đã rất nhanh để thay đổi cơ cấu năng lượng trong cung ứng điện.
Tuy nhiên có một bất cập là khi đặt ra cơ chế giá FIT, ta đã không lường trước được biến động của thị trường cung ứng thiết bị giá đẩy lên cao như thế dẫn tới khi chính sách được ban hành thì giá vẫn còn cao. Nhưng khi có độ trễ thực hiện cấp phép dự án xong thì giá thấp xuống kỷ lục, dẫn đến đầu tư ồ ạt.
Tôi đã được tham gia rất nhiều cuộc họp vừa qua, rất nhiều "tay chơi, không chuyên" đều thấy làm năng lượng "dễ quá" vì họ nhìn thấy lợi nhuận. Nhìn từ góc độ của nhà đầu tư tư nhân, ở đâu có lợi nhuận thì họ làm, nếu như chính sách thông thoáng nếu như mọi thứ thuận lợi…
Tuy nhiên, hiện nay lại đang bị nghẽn do chúng ta đang xem xét lại mọi yếu tố.
Tôi cho rằng chúng ta đi quá nhanh, quá nóng dẫn tới hệ luỵ ảnh hưởng lớn tới hạ tầng. Giống như một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn thì cũng chỉ ăn được một mức độ nào đó thôi, còn vượt ngưỡng sẽ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe.
Rõ ràng, khi chúng ta tính toán chúng ta đều đã tính lượng đủ cho hệ thống có sự thay đổi, có thêm sự đa dạng về cung ứng điện. Tuy nhiên, khi giá cung ứng thiết bị trên thế giới giảm nhanh chúng ta được lợi nhưng khi đó dòng vốn vào ồ ạt, lẽ ra chúng ta phải có sự kiểm soát phù hợp tránh câu chuyện vốn vào nhanh quá ta không thể hấp thụ được dẫn đến nhiều dự án đã đầu tư rồi mà không được huy động toàn bộ. Trong khi chúng ta vẫn đang thừa điện và hạ tầng truyền tải vẫn chưa có đủ để đưa được nguồn điện từ chỗ thừa đến chỗ thiếu.
Nhưng tôi tin đây chỉ là bất cập ngắn hạn. Còn về dài hạn tôi cho rằng năng lượng tái tạo sẽ thay thế dần cho nguồn điện truyền thống sử dụng nguyên liệu hoá thạch.
Giai đoạn 2-3 năm vừa qua việc kinh doanh giảm, những biến động chính trị thế giới hoàn toàn có thể lại khiến thị trường năng lượng thế giới tăng giá nhiều lên nữa khi đó việc chúng ta chuyển đổi một phần sang năng lượng tái tạo sẽ giúp chúng ta đảm bảo có năng lượng tự sản xuất.
Vừa rồi cơ quan có thẩm quyền đã đưa ra những ưu tiên cho các nguồn điện tự sản tự tiêu. Đây là định hướng rất tốt, tuy nhiên đi sau định hướng này cần có cơ chế chính sách cụ thể để hướng dẫn thế nào là tự sản tự tiêu và quy trình mua bán nguồn điện đó như thế nào. Những chính sách này cần phù hợp và đủ nhanh để các nhà đầu tư thấy rằng họ có thể tin tưởng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Nếu như nói về những đề xuất, kiến nghị đối với các cơ quan chức năng liên quan đến việc tính giá bán điện, bảo đảm tính đúng, tính đủ để chúng ta có giá điện hợp lý, phục vụ tốt cho sự phát triển bền vững của ngành điện cũng như của nền kinh tế, đời sống dân sinh, đặc biệt là hỗ trợ các hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào vùng sâu, vùng xa trong sử dụng điện sinh hoạt thì ông có thể đề xuất, kiến nghị gì?
PGS.TS. Trần Đình Thiên: Ở mức chung nhất, hướng đến đề xuất chuyển sang cấu trúc giá điện theo nguyên tắc thị trường để bảo đảm được cung cầu trên mọi tuyến tiêu dùng và sản xuất. Đấy là hướng cơ bản nhất.
Tôi cho rằng hiện nay đã chín muồi để làm việc đó rồi. Vì sao? Chúng ta bàn mãi chuyện này bao nhiêu năm mà không giải quyết cho nên hậu quả càng ngày càng nghiêm trọng. Khi đó, có những việc rất quan trọng liên quan đến giá, có khi nó cũng gay gắt hơn cả giá điện bây giờ.
Ví dụ giá lương thực ngày xưa, giá xăng dầu, gạo… có ảnh hưởng, độ nhạy cảm, chính trị xã hội rất cao. Ít nhất là không kém gì giá điện. Chúng ta thấy chuyển sang giá thị trường ổn. Tôi cho rằng nó tạo ra động lực, tạo ra cơ hội mới cho cả nền kinh tế, không phải chỉ cho lĩnh vực đó.
Tôi rất đồng ý với ý kiến của anh Thỏa, quyết tâm chính trị, thực ra cần một bản lĩnh thị trường để chúng ta thực thi việc này. Bản lĩnh đó truyền qua thực tế không chỉ là câu chuyện chúng ta cứ hì hục là lúc thì tăng giá một tí, lúc thì giảm giá một tí. Vấn đề là cơ chế để mà thực hiện giá điện này, tôi cho là hiện nay phương thức cơ bản đã định hình rồi, không có gì quá khó khăn chuyện đấy.
Bây giờ cho bàn thêm rồi đưa vào cơ chế thực thi khung giá điện như thế nào, cơ chế điều tiết bao nhiêu năm chúng ta quản lý thêm một cái nền tảng, điều chỉnh nó như thế nào bảo đảm vừa ổn định vừa linh hoạt được…
Ý thứ hai là phải tách bạch một cách rõ ràng giữa giá điện thị trường với việc hỗ trợ cho lực lượng yếu thế, những nhóm thu nhập thấp mà giá điện hiện nay có thể có những tác động tiêu cực. Tôi cho rằng việc này tách ra cũng rất đơn giản.
Thứ ba, những vấn đề phức tạp cần phải tập trung xử lý. Có những câu chuyện cụ thể như anh Sơn nói tôi thấy cũng rất hay và phải làm cẩn thận. Ví dụ như câu chuyện mua bán điện trực tiếp. Giờ chúng ta có điện năng lượng tái tạo rồi, có nhiều phương thức để có thể tiếp cận, xử lý được, có công cụ để xử lý rồi. Những vấn đề đó là một phần của cách tiếp cận giá thị trường. Cơ chế này như thế nào? Nếu không sẽ gây tổn hại cho câu chuyện năng lượng tái tạo, gắn với một câu chuyện tới đây cũng sẽ bàn tiếp là tín chỉ các bon.
Chúng ta phải chuẩn bị thị trường tín chỉ các bon để khi vận hành được, nó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất điện, tiêu dùng năng lượng của chúng ta một cách có hiệu quả nhất.
Tới đây, những cơ chế này sẽ tiến rất nhanh, sẽ vào Việt Nam rất nhanh, lúc đó nếu chúng ta trở tay không kịp thì doanh nghiệp Việt Nam chịu tổn hại. Như hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chịu tác động tổn hại của việc không tuân thủ cái này rồi.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Điều đầu tiên, tôi nghĩ về cơ chế chính sách, chúng ta phải sửa Luật, trong đó có vấn đề về giá.
Vậy giá sửa theo hướng nào? Sửa theo hướng thị trường mà chúng ta đang chuẩn bị vận hành được thị trường bán lẻ điện, khi đó chúng ta không cần bàn ông Nguyễn Tiến Thỏa phải tính đầu vào thế này, đầu kia thế kia… Đó là thị trường quy định. Và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đó, người tiêu dùng được phép lựa chọn những đơn vị nào có điện bán với giá hợp lý nhất, với điều kiện phục vụ tốt nhất thì mua. Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tốt như vậy. Chúng ta phải đẩy nhanh lộ trình này.
Tôi kiến nghị cái thứ hai là đẩy nhanh lộ trình.
Như anh Thiên, anh Hiếu vẫn cứ nhấn mạnh, tôi cũng xin nhắc lại là Nhà nước chúng ta luôn luôn có chính sách hỗ trợ ngoài giá điện chứ chúng ta đừng nghĩ là trong giá điện phải có chính sách an sinh ở đấy. Đã thị trường là thị trường.
Thế còn chúng ta thương dân của chúng ta, thương các đối tượng yếu thế, chúng ta có chính sách đối với họ thì như hiện nay chúng ta đang làm, hỗ trợ những người nghèo, thu nhập thấp theo tiêu chí do Chính phủ quy định là bằng giá điện của 30kw đầu để họ còn tiền họ mua điện, chứ còn doanh nghiệp cứ sản xuất bình thường chứ không phải bán bao cấp cho không các đối tượng đó. Chúng ta thực hiện thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hai cái đó phải đi liền với nhau.
Theo tôi, chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách chúng ta vẫn phải cân nhắc thêm nữa trong điều kiện chúng ta sẽ cải cách biểu giá điện khi chúng ta chưa tiến lên thị trường. Bởi vì chuẩn bị cải cách là chúng ta sẽ không còn 50kw đầu nữa mà sẽ là100kw đầu. Chúng ta cũng phải tính toán lại ngân sách để chúng ta hỗ trợ cho các đối tượng nghèo và đối tượng thu nhập thấp.
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu: Tôi xin nhất trí với ý kiến của các vị khách mời.
Tôi hay ví von là bài toán giá điện là một bài toán phải cắt biến số, không có quá nhiều ẩn số, không có quá nhiều biến số không chính xác, không rõ ràng người ta không thể giải được.
Việc đầu tiên tôi cho rằng, các biến số trong bài toán này trước hết phải rõ ràng. Nếu một yếu tố nào đó méo mó, tôi cho rằng, nó có thể dẫn tới chúng ta giải sai bài toán này.
Về mặt chính sách, tôi cho rằng có mấy điểm:
Thứ nhất là chúng ta không còn phải tranh cãi với nhau về việc giá điện. Đầu tiên và quan trọng nhất là biến số đó và phải được tính đúng, tính đủ, rõ ràng.
Thứ hai, làm sao phải đảm bảo được an ninh nguồn điện. Ít nhất phải đảm bảo đủ điện. Khi đó chúng ta đi tiếp giải bài toán.
Không thể tiếp cận riêng lẻ, đòi hỏi ở đây là các chính sách đồng bộ, không phải đồng bộ hôm nay có cái này, ngày mai có cái kia mà đồng bộ kịp thời, nó phải đồng thời cùng một lúc. Nếu như có cái này mà các chính sách khác chưa giải quyết được thì không thể giải quyết được câu chuyện đó, không tạo ra được cơ chế khuyến khích.
Thứ ba là phải quyết liệt, kịp thời. Trước mắt, theo dự báo trước đây, có thể tình hình điện sẽ khó khăn, theo tôi, sự quyết liệt, kịp thời ở đây theo tôi rất quan trọng. Các chuyên gia nói rồi thì tôi không nói nữa. Ví dụ như anh Thỏa nói về biểu giá điện… Tôi chỉ bổ sung nhấn mạnh thêm:
Trong chính sách này, đặc biệt tập trung việc tăng tính cạnh tranh. Quan trọng hơn nữa, khi sửa đổi các chính sách, một cái tôi vẫn rất lưu ý là giá cuối cùng của sản phẩm dịch vụ nói chung là chi phí sản xuất cộng với chi phí ta gọi là tuân thủ luật pháp. Như vậy, muốn làm gì thì làm, nếu muốn giảm được, ngoài việc cạnh tranh, chi phí thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật theo tôi phải giảm, như vậy sẽ tạo ra một cái giá hợp lý hơn trong bối cảnh ta gọi là không phải sản xuất bằng mọi giá, sản xuất làm sao hợp lý nhất.
Sau khi chúng ta có một bức tranh về sản xuất, phân phối, giá thành… Khi đó bắt đầu tiếp cận những người tiêu dùng, chúng ta tách bạch ra các chính sách và có chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong đó có thể có mục tiêu chính sách khác nhau. Ví dụ như chính sách thúc đẩy tiết kiệm kiện, chính sách thúc đẩy tiêu thụ điện xanh… làm sao ta đạt được mục tiêu hài hòa.
TS Hà Đăng Sơn: Trước tiên, chúng ta phải nhìn nhận lại bài toán về nguồn điện năng ở trong tổng thể về thị trường năng lượng quốc tế.
Như chúng tôi có nói chuyện với một số nhà đầu tư về điện gió ngoài khơi chẳng hạn, họ có nói thẳng là: Việt Nam cũng không hẳn là "cô gái đẹp" trong bài toán đó.
Nếu Chính phủ Việt Nam có những cơ chế phù hợp, nếu cơ chế chúng ta đồng bộ, tạo điều kiện tối đa cắt giảm những chi phí liên quan đến vấn đề luật pháp, cấp phép… chúng tôi sẽ mang tiền đến đây đầu tư. Còn nếu không, tôi có rất nhiều lựa chọn xung quanh.
Ví dụ: Hàn Quốc, Đài Loan, chúng ta thấy rõ ràng họ có những cơ chế như đấu thầu, thu hút rất mạnh mẽ. Câu chuyện đó không có nghĩa là chúng ta có lợi thế cạnh tranh trong thu hút nhà đầu tư về nguồn điện đặc biệt là với quy mô lớn.
Chúng ta phải nhìn nhận ở đây là các nhà đầu tư mới là "cô gái đẹp", chúng ta làm sao phải thu hút được "cô gái đẹp" đó bằng việc thay đổi cơ chế chính sách, bằng các điều chỉnh về luật pháp, về cơ cấu và bản thân giá nguồn điện là bao nhiêu.
Việt Nam chúng ta có sự ổn định về chính trị, một số lợi thế mà tôi chấp nhận rằng lợi nhuận của tôi không cao nhưng tôi vẫn nhìn thấy có lợi nhuận và có những rủi ro thấp ở đây để tôi sẵn sàng tôi bỏ tiền đầu tư với một tầm nhìn dài hạn.
Chúng ta đã nhìn thấy rõ ràng các doanh nghiệp, các tổng công ty, tập đoàn năng lượng của Việt Nam chúng ta đã đến kịch trần năng lực phát triển để đáp ứng cho hiện nay rồi. Cả về vốn, nguồn lực, chúng ta đang bị một cái giới hạn. Bởi vì nếu chúng ta làm được thì chúng ta đã không cần phải khối tư nhân hay doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nữa. Có nghĩa là chúng ta kịch trần rồi, bây giờ là lúc chúng ta phải thu hút những nhà đầu tư nước ngoài, thu hút các nhà đầu tư tư nhân vào đây.
Vậy làm sao các cơ chế, chính sách của chúng ta tạo điều kiện tốt nhất. Tuy nhiên, trong đó vẫn phải đảm bảo nhiều yếu tố là về an ninh năng lượng quốc gia. Tức là nếu có biến động xảy ra, cần phải có ai đó đảm bảo được ít nhất chúng ta phải đáp ứng được bao nhiêu phần trăm cung ứng năng lượng quốc gia. Chứ không thể nào chúng ta lại mở bung tất cả toàn bộ 100%.
Chúng ta nhìn thấy bài toán ở Texas trong khủng hoảng năng lượng là giá năng lượng có thể cực kỳ cao luôn, nếu không có sự điều tiết của Nhà nước, không có sự can thiệp của các tập đoàn năng lượng của quốc gia thì rõ ràng trong trường hợp đó nền kinh tế sẽ đối mặt với khủng hoảng trầm trọng.
Chúng ta phải cân bằng cả hai bên. Một mặt tạo điều kiện để thu hút tối đa các đầu tư của khối tư nhân cũng như của các nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác chúng ta vẫn phải nhìn ở góc độ đảm bảo được an ninh năng lượng quốc gia để trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta vẫn có những dự phòng, những nguồn lực để chúng ta có thể đạt được một mức độ an toàn nhất định.
Tôi không thể nói đảm bảo an toàn 100% được bởi vì 100% có nghĩa là chúng ta bao cấp toàn bộ rồi. Nhưng mà nó phải ở một ngưỡng nào đó để ít nhất trong khoảng đó, hạ tầng, năng lực phát triển kinh tế chúng ta phải đảm bảo được.
Câu hỏi cuối cùng: Việc đẩy mạnh tuyên truyền về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả đã được đặt ra từ lâu, song vẫn còn nhiều dư địa. Quý vị có đề xuất gì về việc này không, nhất là trong phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tích cực tuyên truyền thường xuyên vấn đề này, đồng thời đẩy mạnh tiết kiệm điện tại các công sở, như đưa tiêu chí tiết kiệm điện vào việc công tác đánh giá cán bộ?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Dư địa là đúng. Đầu tiên, đó là làm rõ được câu chuyện giá điện thị trường như nào để không gây ra khác biệt, xung đột ý kiến. Ở đây có vai trò của truyền thông.
Thứ hai, hiện nay trong thời đại công nghệ, câu chuyện sử dụng năng lượng với công nghệ gắn liền với nhau, hướng tới kinh tế xanh. Điều này vô cùng quan trọng, liên quan đến năng lượng tái tạo, công nghệ của những ngành sản xuất như nào? Việc cảnh báo những áp lực, thời cơ, thách thức đặt ra trong vấn đề này, rất cần truyền thông làm ráo riết, tích cực hơn nữa. Theo đó, truyền thông cần tập trung định hướng chính sách, chứ không chỉ phổ biến chính sách.
Trong công sở, cũng cần áp dụng nguyên tắc ai tiết kiệm nhiều điện thì được hưởng; tiêu dùng quá thì bị có thể bị đánh thuế cao...
Tôi nghĩ rằng, truyền thông sẽ có nhiều cơ hội để truyền tải những vấn đề này, qua đó tạo định hướng giải pháp nhưng cũng vừa thực thi giải pháp.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Hoạt động tiết kiệm điện đã được chúng ta làm thường xuyên, phát động từ lâu. Đúng là dư địa về tiết kiệm điện còn rất nhiều, đặc biệt trong các đơn vị, tổ chức thuộc Nhà nước, chúng ta còn khả năng tiết kiệm được.
Tôi nghĩ, ngoài công tác tuyên truyền, phối hợp với truyền thông và có ngân sách cho truyền thông, thì cần truyền thông bằng nhiều hình thức hấp dẫn hơn không chỉ việc là phổ biến mà bằng nhiều chương trình, sự kiện để thu hút người dân.
Ở các cơ quan nhà nước, việc đưa tiêu chí tiết kiệm điện vào việc công tác đánh giá cán bộ là rất đúng. Tiết kiệm thì có hình thức gì để khen thưởng, biểu dương, tôi nghĩ cũng phải có lợi ích về vật chất, có thể trích toàn bộ tiết kiệm ra thưởng trong một vài năm để tạo đà cho toàn cơ quan tiết kiệm điện. Điều này có tác dụng tích cực, thiết thực, chứ lâu nay chúng ta vẫn cứ hô hào tiết kiệm nhưng không giải quyết được vấn đề.
Ông Phan Đức Hiếu: Trong truyền thông chính sách, quan trọng nhất là minh bạch, công khai hóa để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận và hiểu các câu chuyện về giá điện. Đây là điều quan trọng.
Thứ hai, làm sao có các chính sách để thay đổi hành vi, khuyến khích tiêu dùng tiết kiệm điện. Chúng ta không nên dùng các biện pháp hành chính mà nên sử dụng các công cụ để khuyến khích thay đổi hành vi.
Ví dụ như việc thay đổi bảng giá điện, thang giá điện, hay cách tính giá điện, chúng ta phải có sự phân chia thang biểu giá điện một cách hợp lý để thực sự bảo vệ lợi ích của những người nghèo, nhưng thỏa đáng với những người có điều kiện kinh tế nhất định. Hay biện pháp quay xổ số hóa đơn theo tôi, cũng rất hiệu quả. Tôi chỉ mong muốn không nên hành chính hóa, mà nên có công cụ để khuyến khích thay đổi hành vi...
Nhóm PV