In bài viết

Tốt cho tất cả, trừ nhóm lợi ích

(Chinhphu.vn) – Chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc bán vốn nhà nước tại một số DN lớn như Habeco, Sabeco, Vinamilk đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ.

05/09/2016 16:31
Các chuyên gia cho rằng cần sớm công bố phương án, lộ trình cụ thể thoái vốn nhà nước khỏi Sabeco, Habeco, Vinamilk.
Theo các chuyên gia, chỉ đạo của Thủ tướng đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ về chống lợi ích nhóm trong thoái vốn nhà nước và thực hiện chủ trương Nhà nước không tham gia vào những công việc mà thị trường có thể làm tốt hơn.

Trong đó, việc niêm yết cổ phiếu là một biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để chống lợi ích nhóm trong việc bán vốn nhà nước.

Tốt cho tất cả, trừ nhóm lợi ích

Ông Nguyễn Duy Hưng- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đánh giá chỉ đạo “tất cả các công ty phải niêm yết và bán cho các nhà đầu tư theo phương án đấu giá trên thị trường chứng khoán, không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài” là chỉ đạo “tuyệt vời” sau nhiều năm chờ đợi về việc bán cổ phần nhà nước ở những công ty hàng đầu như Vinamilk, Sabeco, Habeco...

Theo ông Hưng, đây là một quyết định mà thị trường đã chờ đợi từ lâu, giải quyết phần lớn những băn khoăn trước đó về quá trình bán vốn Nhà nước, tốt cho tất cả các bên tham gia thị trường, trừ nhóm lợi ích.

Cụ thể, với Nhà nước, phương án này sẽ xoá bỏ được sự bắt tay của các nhóm lợi ích làm thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình bán vốn thông qua việc giới hạn các nhà đầu tư theo ý muốn chủ quan của những người trực tiếp thực hiện, qua đấy sẽ tối ưu được khoản thu thoái vốn. Việc hoạt động minh bạch khi niêm yết sẽ giúp công ty hiệu quả hơn, nộp thuế cho ngân sách sẽ cao hơn và phần lãi cổ đông phần nhà nước còn nắm giữ cũng sẽ cao hơn.

Trước lo ngại về việc, các DN này đứng trước nguy cơ bị một cổ đông nước ngoài thâu tóm với mục đích biến DN trở thành công ty con và là công cụ để họ mở rộng thị trường của họ tại Việt Nam không vì mục tiêu phát triển công ty, ông Hưng cho rằng, nguy cơ này sẽ rất khó thực hiện, thậm chí là không thể. Nguyên nhân là do họ không thể thâu tóm được 100%.

“Việc họ thâu tóm được 51% để thành công ty con là có thể, nhưng họ cũng chỉ có thể xây dựng công ty với cương vị là cổ đông chi phối chứ không thể biến DN thành công cụ cho công ty mẹ do các quy định của thị trường chứng khoán đối với các giao dịch của các bên liên quan của công ty niêm yết”- ông Hưng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng cho rằng, việc yêu cầu, các DNNN đã cổ phần hóa phải niêm yết trước khi thoái vốn Nhà nước là hoàn toàn hợp lý và cần thiết để đảm bảo xác định đúng giá trị thoái vốn.

Ông Đức bình luận, trong bối cảnh hiện nay, không nhất thiết Nhà nước phải “ôm” quá nhiều DN. Sữa, bia hay y tế, giáo dục, văn hóa… là những lĩnh vực tư nhân hoàn toàn có thể làm. Chỉ có những lĩnh vực tư nhân không thể làm được thì Nhà nước mới cần tham gia vào. “Còn lại Nhà nước cần rảnh tay để thực hiện các nhiệm vụ quản lý thay vì tham gia kinh doanh”, Luật sư nhận định.

Thị trường đang đặc biệt quan tâm

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) nhận định chủ trương yêu cầu Sabeco và Habeco niêm yết là sáng suốt, đảm bảo không thất thoát vốn nhà nước. Hiện, thị trường nhất là các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm đến thông tin về việc Habeco, Sabeco sẽ niêm yết cổ phiếu và việc SCIC thoái vốn toàn bộ ở Vinamilk...

Ông Hải cho rằng Nhà nước không nên nắm giữ vốn tại các ngành không quan trọng như bia rượu nước giải khát, sữa, khách sạn, nhà hàng... Vì vậy, việc bán hết vốn nhà nước trên cần sớm thực hiện để giúp thay đổi quản trị, nâng cao hiệu quả DN.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Hải, SCIC và Bộ Công thương cần sớm công bố thông tin cụ thể như phương án bán, lộ trình bán... để người dân được biết, tránh việc chậm trễ trong thực hiện.

Ngoài ra, vị Phó Chủ tịch VAFI cũng cho biết, bên cạnh việc thúc niêm yết, thoái vốn nhà nước tại Sabeco, Habeco, VAFI mong muốn Chính phủ có những quyết định “thúc” hàng trăm DNNN khác đã cổ phần hoá nhưng vẫn trốn tránh việc niêm yết.

TS Ngô Minh Hải, Phó Chủ nhiệm thường trực câu lạc bộ DNNN thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng việc thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN thời gian qua chưa thực sự hiệu quả do nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là có những rào cản đến từ lợi ích nhóm. Do đó, “chỉ đạo của Thủ tướng có ý nghĩa rất lớn”, ông Hải nói.

Ông Hải cũng đồng tình với quan điểm cho rằng chỉ nên giữ lại rất ít DNNN làm công việc liên quan đến hoạt động xã hội, công ích, còn những DN kinh doanh thì nên thoái vốn hết, để cho tư nhân, những người có trình độ quản trị tốt làm. Nếu cổ phần hóa càng mạnh thì những người mua cổ phần, là cổ đông ở đó sẽ là những người giám sát tốt nhất các hoạt động của DN.

Cần tiếp tục giảm vốn nhà nước

TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright,  cho rằng, mấu chốt của quá trình thoái vốn nhà nước là làm sao có được một quá trình đấu giá minh bạch để những người muốn tham gia đều có thể tham gia được. Lúc này, người sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất (trả giá cao nhất) sẽ mua.

“Việc xác định giá trị đất đai riêng là cần thiết do khi chuyển giao có thể có vấn đề tranh tối tranh sáng, tạo kẽ hở cho trục lợi. Cần xem xét từng loại tài sản để biết giá trị của chúng, từ đó xác định giá trị cổ phần hóa, bán đúng giá, tránh thất thoát, mất tài sản nhà nước”, ông Du nói.

Theo các chuyên gia, việc giảm vốn nhà nước tại 12 DN theo chỉ đạo của Thủ tướng là đúng và nên mở rộng thêm. Theo TS Trần Du Lịch, hiện nay Nhà nước nắm số lượng DN quá lớn, do vậy cần thoái bớt vốn.

“Theo tôi, cần xác định rõ lộ trình từ nay đến năm 2020 Nhà nước còn nắm giữ bao nhiêu DN. Một khi đã xác định được rồi thì phải quyết liệt làm theo lộ trình đã đặt ra” - ông Lịch nói và cho rằng những DN thuộc những ngành nghề không thiết yếu nhưng Nhà nước vẫn nắm giữ 20-30% vốn còn rất nhiều. Nhà nước nên bán hết các DN này bởi Nhà nước không phải nhà đầu tư đi kiếm lời.

“Duy trì vốn tại những DN trên thì Nhà nước phải quản lý, cử người điều hành, rồi còn nhiều vấn đề khác” - ông Lịch nói.

Thanh Hằng