In bài viết

Tốt nghiệp trung cấp được xếp lương thế nào?

(Chinhphu.vn) – Bà Huỳnh Bích Ngọc (TPHCM) công tác tại một trường cao đẳng công lập. Vừa qua trường ký hợp đồng với 2 người có trình độ trung cấp nghề sửa chữa điện và đã vận dụng Thông tư số 20/2012/TT-BLĐTBXH để làm căn cứ xếp lao động vào ngạch nhân viên kỹ thuật (mã số 01.007), lương bậc 2, hệ số 1,83.

31/03/2018 07:02
Trong thời gian 6 tháng tập sự, người lao động hưởng 85% lương và sau khi hết tập sự thì hưởng 100% lương, hệ số 1,83.

Tuy nhiên cơ quan BHXH lại không đồng ý việc cơ quan bà Ngọc đóng BHXH cho 2người lao động mới ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo mức lương bậc 2. Bà Ngọc hỏi, cơ quan bà xếp lương bậc 2 như vậy có đúng không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bà Huỳnh Bích Ngọc như sau:

Theo quy định hiện hành, người làm việc theo chế độ HĐLĐ quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp và người làm việc theo chế độ HĐLĐ trong số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao của đơn vị sự nghiệp công lập được xếp lương theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ, được nâng lương thường xuyên, được tham gia đóng, hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ chính sách khác như công chức, viên chức có cùng trình độ đào tạo hoặc có cùng vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp đang làm việc tại cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp đó.

Xếp lương lao động hợp đồng trình độ trung cấp

Theo Khoản 3, Điều 11 Thông tư số 11/2014/TT-BNV ngày 9/10/2014 của Bộ Nội vụ quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức chuyên ngành hành chính thì, tất cả mã số ngạch nhân viên tại Quyết định số 78/2004/QĐ-BNV ngày 3/11/2004 của Bộ Nội vụ như: Kỹ thuật viên đánh máy (mã số ngạch 01.005); nhân viên đánh máy (mã số ngạch 01.006); nhân viên kỹ thuật (mã số ngạch 01.007); nhân viên văn thư (mã số ngạch 01.008); nhân viên phục vụ (mã số ngạch 01.009); lái xe cơ quan (mã số ngạch 01.010); nhân viên bảo vệ (mã số ngạch 01.011) đều bị bãi bỏ và được chuyển sang ngạch nhân viên (mã số ngạch 01.005) quy định tại Điều 9 của Thông tư này.

Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo ngạch nhân viên (mã số ngạch 01.005) quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 9 Thông tư số 11/2014/TT-BNV đã được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 5, Điều 1 Thông tư số 05/2017/TT-BNV như sau: Có bằng tốt nghiệp trung cấp với chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm. Riêng đối với nhân viên lái xe cơ quan thì phải có bằng lái xe được cơ quan có thẩm quyền cấp.

Về xếp lương, Khoản 3, Điều 9a Thông tư số 11/2014/TT-BNV được bổ sung bởi Khoản 6, Điều 1 Thông tư số 05/2017/TT-BNV như sau: Đối với nhân viên làm việc theo chế độ HĐLĐ quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp thì xếp lương theo Bảng 4 (Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.

Trường hợp bà Huỳnh Bích Ngọc, công tác tại một trường cao đẳng công lập, áp dụng các quy định và hướng dẫn tại Thông tư số 11/2014/TT-BNV đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 05/2017/TT-BNV nêu trên, khi đơn vị sự nghiệp ký kết HĐLĐ với người lao động, có trình độ trung cấp nghề sửa chữa điện làm công việc sửa chữa điện trong đơn vị thì, xếp ngạch nhân viên (mã số 01.005); xếp lương bậc 1 (bậc khởi điểm) ngạch nhân viên kỹ thuật, hệ số 1.65 theo Bảng 4 (Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP mới đúng quy định.

Thời gian thử việc áp dụng quy định tại Khoản 2, Điều 27 Bộ luật Lao động, không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

Trường hợp bà Ngọc nêu, chỉ áp dụng thời gian thử việc tối đa là 1 tháng. Không áp dụng thời gian tập sự 6 tháng như trường hợp tuyển dụng viên chức có trình độ trung cấp.

Áp dụng Điều 28 Bộ luật Lao động, tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Thời gian nâng bậc lương thường xuyên lần sau, áp dụng Điểm a, Khoản 1, Điều 2 Thông tư số 08/2013/TT-BNV ngày 31/7/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ, thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.

Việc cơ quan BHXH có ý kiến không đồng ý với việc đơn vị đóng nộp BHXH cho 2 người lao động mới theo mức lương nhân viên kỹ thuật bậc 2 hệ số 1,83 theo Bảng 4 (Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP là có cơ sở.

Hiện nay, Thông tư số 20/2012/TT-BLĐTBXH ngày 27/8/2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư sửa đổi một số điều của Thông tư số 25/2011/TT-BLĐTBXH ngày 26/9/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn xếp lương đối với người tốt nghiệp cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề làm việc trong các doanh nghiệp, mà đơn vị sự nghiệp công lập nơi bà Ngọc công tác vận dụng để xếp lương cho người có trình độ trung cấp nghề mới làm việc theo HĐLĐ, không còn phù hợp và đã hết hiệu lực kể từ ngày 21/9/2015.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.