Để dịch chuyển cơ cấu và nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, TP.HCM tập trung xúc tiến đầu tư vào 9 nhóm ngành, dịch vụ gồm tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm; vận tải kho bãi, dịch vụ cảng, hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu; bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin truyền thông; kinh doanh tài sản, bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học - công nghệ; du lịch; y tế; giáo dục và đào tạo.
Bên cạnh đó là các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao, như cơ khí điện tử, công nghệ thông tin, hóa dược, cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm và các ngành công nghệ sinh học, công nghiệp sạch tiết kiệm năng lượng, công nghiệp phụ trợ...
Ngoài ra, TP.HCM cũng kêu gọi các nhà đầu tư tập trung vốn vào các dự án trọng điểm của thành phố như Khu đô thị Thủ Thiêm với các dự án đòn bẩy như Dự án Khu nhà thấp tầng thuộc khu dân cư phía Nam Đại lộ Đông Tây; Dự án Khu cao ốc văn phòng thương mại - dịch vụ tổng hợp dọc Đại lộ Đông Tây; Dự án Khách sạn cao cấp phía Đông; Dự án Trung tâm Hội nghị triển lãm, Trung tâm Thương mại tài chính, ngân hàng quốc tế; khu trung tâm thể thao giải trí đa năng; Xúc tiến kêu gọi đầu tư một KCN dành riêng cho các DN Nhật Bản.
Để thu hút nguồn vốn FDI hiệu quả TP.HCM luôn có những chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư, đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng nhất. Mặt khác, TP.HCM đã tăng cường xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị và đặc biệt là các KCX-KCN để các doanh nghiệp yên tâm khi thực hiện các dự án đầu tư tại đây.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2012, TP.HCM đã cấp phép cho 103 dự án có vốn nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 74,6 triệu USD. Ngoài ra trong 4 tháng/2012 có 28 dự án điều chỉnh vốn đầu tư tăng 457,9 triệu USD (riêng dự án Quảng trường Thời Đại tăng 375,3 triệu USD). Như vậy tính đến tháng 4/2012 tổng vốn cấp mới và điều chỉnh đạt 532,5 triệu USD.
Công Trí