In bài viết

TP Hồ Chí Minh thực hiện nhiều giải pháp lệch ca, lệch giờ

Sáng 8-2, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp lấy ý kiến các sở, ngành liên quan nhằm bổ sung vào kế hoạch thực hiện điều chỉnh lệch giờ học tập, làm việc trên địa bàn TP năm 2012.

10/02/2012 07:53



Vẫn còn nhiều khó khăn

Tại hội nghị, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, về cơ bản đã đồng ý với phương án được UBND TP trình Chính phủ vào cuối tháng 11-2011 vừa qua. Trước đó, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, trước thực trạng ùn tắc giao thông xảy ra ở một vài quận, huyện có tuyến đường nhỏ nhưng mật độ lưu thông cao vào giờ tan học, từ năm 2006-2007, sở đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp thực hiện việc bố trí lệch giờ tại các cấp học.

Theo ông Thanh, nhìn chung, các giải pháp đã đạt được một số kết quả nhất định, cụ thể nhất là việc ùn tắc trước cổng trường đã giảm hẳn. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện vẫn còn nhiều tồn tại chưa được tháo gỡ như: một số trường có khuôn viên khá chật hẹp, không đủ chỗ cho phụ huynh đậu xe chờ đưa đón học sinh; nhiều phụ huynh chưa có ý thức vẫn còn đậu xe dưới lòng đường.

Một số trường nằm gần chợ hoặc sâu trong hẻm, khu dân cư đông đúc bị lấn chiếm buôn bán gây trở ngại cho hoạt động của nhà trường, nhất là khi có sự cố như cháy nổ xảy ra. Ngoài ra, đến nay, nhiều trường vẫn chưa thực hiện việc điều chỉnh việc học lệch ca, lệch giờ.

Sở Giao dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh giữ nguyên thời gian học tập của học sinh tại các trường đã được hai sở GD và ĐT và Giao thông Vận tải thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua. Đối với các tuyến đường trọng điểm, UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện thực hiện hợp lý các phương án điều chỉnh để giảm thiểu tối đa tình trạng ùn tắc. Đề xuất bố trí lực lượng điều tiết giao thông có mặt trong thời gian cao điểm đồng thời xử phạt nặng đối với các trường hợp vi phạm…

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Mặc dù đã thực hiện và đạt được những kết quả bước đầu nhưng UBND TP Hồ Chí Minh vẫn xác định đây không phải là giải pháp căn cơ, tác dụng ngay tức thời mà chỉ là một trong nhiều biện pháp trước mắt cần thực hiện đồng bộ với nhiều biện pháp khác để góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông.

Thực tế cho thấy, phụ huynh thường xuyên đưa đón con em đi học ở các cấp phổ thông nên việc bố trí lệch ca, lệch giờ chưa thể mang lại nhiều kết quả trong phòng chống ùn tắc giao thông nên UBND thành phố cũng xác định giải pháp căn cơ, thiết yếu hơn là tăng cường dịch vụ đưa rước học sinh bằng xe buýt và xe 12 chỗ ngồi để hạn chế lượng phương tiện cá nhân lưu thông trong giờ cao điểm.

Ngoài ra, trong các biện pháp trước mắt và lâu dài nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, thành phố sẽ tiến hành xây dựng các giải pháp về hạ tầng như xây dựng hạ tầng giao thông; di dời cảng, bệnh viện, trường đại học ra khu vực ngoại thành thành phố; phát triển các đô thị vệ tinh; vận tải hành khách công cộng…

Theo Sở LĐTB-XH TP, cơ bản vẫn giữ phương án cũ được đề ra từ năm 2007 đến nay vì các giải pháp này bước đầu cho những kết quả khả quan. Tuy nhiên, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục đưa ra nhiều phương án khác nhau để tìm ra được phương án hữu hiệu nhất, nhằm áp dụng một cách hiệu quả vào thực tế trong đó việc việc chủ động và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên sẽ góp phần đem lại sự hiệu quả cho công tác giảm ùn tắc giao thông của thành phố.

Nhân dân