Một góc thành phố Vị Thanh |
Thành phố Vị Thanh mở rộng có tổng diện tích 348,23 km2, tổng dân số hơn 209 nghìn người, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng an ninh tỉnh Hậu Giang; là đầu mối quan trọng trong mối liên hệ vùng giữa TP Cần Thơ - tỉnh Kiên Giang - tỉnh Bạc Liêu, là điểm gắn kết trung chuyển giữa vùng Tây sông Hậu với bán đảo Cà Mau qua hệ thống giao thông thủy, bộ mang tính quốc gia như: QL 61, QL 61C, tuyến giao thông thuỷ Thành phố Hồ Chí Minh - Cà Mau.
Sau 10 năm được công nhận là đô thị loại III năm 2009, đến nay thành phố Vị Thanh mở rộng đã có bước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, mức tăng trưởng kinh tế 3 năm gần nhất đạt 7,33%; chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản; thu nhập bình quân đầu người gấp 1,21 lần bình quân cả nước; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt 76,45%.
Hạ tầng kỹ thuật được tập trung đầu tư với nhiều dự án đầu tư xây dựng mới; tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng đạt 96,3%; tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt đạt 113 lít/người/ngày đêm; tỷ lệ dân số được cấp nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96,23%; mật độ đường cống thoát nước chính đạt 3,24 km/km2; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý tại khu chôn lấp hợp vệ sinh hoặc tại các nhà máy đốt, nhà máy chế biến rác thải đạt 74,72%. Đặc biệt là hệ thống giao thông, công sở, cơ sở y tế, văn hoá, trường học, hệ thống cấp điện, cấp nước, viễn thông... được triển khai xây dựng khá đồng bộ hướng tới đô thị văn minh hiện đại.
Theo UBND thành phố Vị Thanh, xây dựng thành phố Vị Thanh mở rộng đến năm 2020 đạt tiêu chuẩn đô thị loại II là phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh khoá XIII với mục tiêu phấn đấu đưa Hậu Giang trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long với các đô thị trung tâm: Thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ và thị xã Ngã 7, tạo động lực thúc đẩy kinh tế toàn tỉnh phát triển.
Minh Hiển