In bài viết

TP.HCM: 1 đồng ngân sách phải hút 15 đồng vốn xã hội

Để huy động vốn đầu tư 7 chương trình đột phá của TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020, việc thắt chặt, tiết kiệm các khoản chi, tăng cường huy động nguồn vốn từ xã hội là những giải pháp cần thiết.

27/10/2016 15:08
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến.

Đó là ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp với các sở ngành ngày 26/10, do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến chủ trì để nghe báo cáo tổng thể về nguồn vốn đầu tư cho các chương trình này.

Theo Sở KHĐT, tổng số vốn cho các dự án thuộc 7 chương trình đột phá của TP giai đoạn 2016 - 2020 dự ước lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng nhưng khả năng cân đối từ nguồn ngân sách chỉ được khoảng 60%.

Đẩy mạnh xã hội hóa nhiều cấp độ

Ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết ngân sách TP hiện nay chủ yếu tập trung cho giao thông, chống ngập, đầu tư bệnh viện, trường học... Việc Trung ương giảm tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP sẽ khiến TP gặp rất nhiều khó khăn trong bố trí vốn cho đầu tư phát triển, nhất là lĩnh vực đầu tư hạ tầng.

“Các sở ngành liên quan phải rà soát, đánh giá lại các dự án để có thể chuyển đổi hình thức kêu gọi đầu tư phù hợp” - ông Tuyến đề nghị.

Theo ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP, cần cân nhắc lựa chọn hình thức đầu tư. Dự án nào Nhà nước làm được thì làm, dự án nào cần chuyển cho tư nhân thì chuyển theo hình thức xã hội hóa.

“Có những cái Nhà nước bỏ tiền làm không hiệu quả, giao tư nhân làm lại tốt hơn. Chỗ nào ta cũng xây bệnh viện, trường học mà nhiều bệnh viện, trường nghề èo uột. Vậy sao không mạnh dạn xã hội hóa?” - ông Hoan nêu vấn đề.

Ông Hoan cho rằng cần xã hội hóa ở nhiều cấp độ, từ cấp độ thấp như hợp tác, góp vốn cho đến cấp độ cao là tư nhân hóa hoàn toàn, đồng thời đề xuất nên lựa chọn một vài cơ sở y tế, giáo dục để xã hội hóa.

Ông Trần Vĩnh Tuyến đồng tình với việc khuyến khích tự chủ tài chính trong giáo dục và y tế. “TP có nhiều đơn vị đủ khả năng tự chủ. Ta cho họ tự chủ, ngân sách sẽ giảm chi rất nhiều cho các đơn vị sự nghiệp” - ông Tuyến nói.

Đặc biệt, ông Tuyến cho rằng phải có giải pháp để 1 đồng vốn ngân sách bỏ ra phải thu hút tối thiểu 11 đồng vốn xã hội, thậm chí phải phấn đấu thu hút được 15 đồng vốn xã hội.

“Cái này còn thể hiện niềm tin của xã hội đối với đường hướng phát triển mà chúng ta đề ra. Chứ lĩnh vực Nhà nước bỏ vốn ra và huy động đầu tư mà không ai quan tâm thì không ổn” - ông Tuyến nêu quan điểm.

Theo ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, dù ngân sách bị cắt giảm nhưng không thể cắt giảm đầu tư phát triển, thay vào đó là phải tìm ra giải pháp hiệu quả nhất để kêu gọi các nguồn đầu tư từ xã hội.

“Nhưng muốn thu hút được nguồn vốn đầu tư xã hội, trước hết phải xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất, hiệu quả nhất, phải thực thi công vụ cho tốt. Đặc biệt, phải sử dụng đồng vốn hết sức hiệu quả để tạo niềm tin từ nhà đầu tư”, ông Bình nói.

Trong quá trình kêu gọi xã hội hóa, phải thống nhất nguyên tắc là những công trình, dự án nào mà doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể làm thì Nhà nước sẽ không đầu tư. Nhà nước chỉ tập trung đầu tư vào những lĩnh vực nào chưa thu hút được nguồn vốn từ xã hội, để làm sao khai thác tối đa nguồn lực xã hội tham gia phát triển kinh tế - xã hội chung. Rà soát tất cả các công trình, cân nhắc xem công trình nào cần phải đầu tư, công trình nào phải tính toán lại.

Ông Bình cho rằng, những năm qua, TP vẫn tiết kiệm và thực tế có những đơn vị tiết kiệm được hàng tỉ đồng từ những việc đơn giản như điện nước, văn phòng phẩm, xe cộ đi lại... Trong điều kiện khó khăn hiện nay, lại càng phải tiết kiệm hơn nữa. Nếu tận dụng được phương tiện công cộng, không những giảm ùn tắc giao thông mà còn tiết kiệm ngân sách rất lớn cho TP. Điều đó rất cần trong bối cảnh hiện nay.

Mai Hoa - Mai Hương

Theo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh