In bài viết

TPHCM cần trồng 100 triệu cây xanh để nâng cao chất lượng môi trường sống

(Chinhphu.vn) - Hiến kế và đóng góp cho TPHCM để nâng cao chất lượng môi trường sống và góp phần bảo vệ môi trường, CEO Đặng Đức Thành, Ủy viên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Green cho rằng trong 3 năm tới (2022-2025), Thành phố cần triển khai trồng 100 triệu cây xanh.

06/05/2022 15:55
TPHCM cần trồng 100 triệu cây xanh để nâng cao chất lượng môi trường sống - Ảnh 1.

CEO Đặng Đức Thành cho rằng TPHCM thành phố cần triển khai trồng 100 triệu cây xanh trong vòng 3 năm tới (2022-2025).

Với mật độ dân số ngày càng cao tại các đô thị nói chung cũng như tình trạng ô nhiễm từ các khu công nghiệp thì giải pháp có nhiều mảng xanh, cây xanh tại TPHCM, nơi có dân số và mật độ dân cư rất cao, đang được xem là "chìa khóa vàng" để cải thiện môi trường sống đô thị.

Cụ thể, đất để trồng cây xanh trong các đô thị mới chỉ đạt 0,5 m2/người. Tại TPHCM, chỉ tiêu này cũng không quá 2m2/người, chỉ mới bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố hiện đại trên thế giới (khoảng 20 m2-25 m2 cây xanh/người) và bằng 2/7 tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành năm 2008.

Những năm gần đây, diện tích mảng xanh của THCM chủ yếu phát triển theo các công trình, dự án về giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Việc phát triển này chưa theo kịp sự phát triển của đô thị, nhất là đối với các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh như các Quận: 2, 7, 9, Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè...

Chính vì vậy, để cùng thực hiện chương trình trồng 1 tỷ cây xanh trong vòng 5 năm (2020-2025)  của Chính phủ (chương trình đã được nhiều địa phương trong cả nhước hưởng ứng như Lâm đồng, Bến Tre, Phú Yên, Bình Thuận…) và tăng mảng xanh  nhằm nâng chất lượng môi trường sống, TPHCM cần triển khai ngay đề án trồng mới 100 triệu cây xanh trong thời gian 3 năm tới (2022 – 2025).

Chương trình này cần tuyên truyền cho người dân và cộng đồng hiểu được nếu được tất cả mọi người dân, doanh nghiệp đồng tâm hiệp lực thì trong thời gian ngắn sẽ đem lại hiệu quả vô cùng to lớn và ít tốn kém nhất cho việc bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống. Đảm bảo an toàn cuộc sống của người dân thành phố, thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng tăng.

Để thực hiện hóa đề án trồng cây, Thành phố cần thành lập Ban chỉ đạo trồng cây với phương châm: "Nhà nước và nhân dân cùng làm, huy động mọi nguồn lực để có sức mạnh tổng hợp". Đồng thời, cần tổ chức bài bản khoa học, cần cách làm cụ thể, hiệu quả.

Có thể kêu gọi và huy động các nguồn lực xã hội như các tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia. Ví dụ, mới đây, Quỹ Tấm lòng vàng tỉnh Bến Tre tổ chức lễ phát động trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh, hay Tập đoàn Novaland cũng đã tham gia và đồng hành với tỉnh Lâm Đồng trong chương trình "Trồng 50 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025" trên địa bàn tỉnh với tổng ngân sách tài trợ hơn 11 tỷ đồng...

TPHCM cần trồng 100 triệu cây xanh để nâng cao chất lượng môi trường sống - Ảnh 2.

Giải pháp có nhiều mảng xanh, cây xanh tại thành phố đang được xem là "chìa khóa vàng" để cải thiện môi trường sống đô thị. Ảnh VGP.

Đặc biệt, Thành phố cần mở rộng tuyên truyền sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp, cộng đồng về những lợi ích khi thực hiện đề án trồng mới 100 triệu cây xan với các ý nghĩa và lợi ích sau.

Thứ nhất, cây xanh đảm bảo an toàn cuộc sống của người dân, thích ứng với biến đổi khí hậu. Không gian xanh đóng góp một cách tích cực để tạo ra giá trị vật chất, tinh thần và môi trường sống không những cho mỗi cá nhân mà còn cho cộng đồng dân cư trong đô thị.

Thứ hai, mật độ cây xanh tăng lên thì mọi lúc mọi nơi, lượng cây xanh sẽ hút các khí độc hại trong môi trường, đồng thời "thở" oxy ra với khối lượng lớn (phù hợp với lượng cây xanh). Bởi vì, thực tế cho thấy hiện nay, do thiếu hàm lượng oxy và ô nhiễm không khí nghiêm trọng làm giảm độ miễn nhiễm của cơ thể con người, gây nhiều bệnh tật. Do đó, cây xanh giúp chống ô nhiễm môi trường và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể con người.

Thứ ba, cây xanh là một thành phần không thể thiếu làm nên khái niệm "khu đô thị nhân văn". Nơi đó, đời sống của cư dân được nâng lên một đẳng cấp mới, khiến mỗi người có thể bỏ qua một bên những lo toan đời thường.

Cây xanh nhiều sẽ giúp tạo nên một không khí thân thiện, phấn khởi, tình cảm xóm giềng chân thật, cởi mở, gia đình hạnh phúc. Vì thế, cũng không phải quá lạc quan khi cho rằng đời sống trong khung cảnh như vậy, mọi người trở nên hiền hậu, yêu thương kính trọng nhau, cuộc sống sẽ trở nên thật ý nghĩa. Do vậy, cây xanh làm nâng cao chất lượng sống của con người TPHCM.

Thứ tư, nếu quy hoạch và tổ chức trồng cây xanh thành phố bài bản và đẹp mắt sẽ là một trong những giải pháp hàng đầu trong thu hút khách du lịch, tạo ấn tượng tốt cho du khách khi đến Việt Nam, đến TPHCM. Bởi vì cây xanh có vai trò quan trọng trong kiến trúc và trang trí cảnh quan chung cư đô thị. Những tính chất của cây xanh như: hình dạng (tán lá, thân cây), màu sắc (lá, hoa, thân cây, trạng mùa của lá…) là những yếu tố trang trí làm tăng giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc chung cư cũng như cảnh quan chung của khu đô thị. Khi đó rất có thể việc thu hút dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tăng lên đáng kể. 

Đây cũng chính là giải pháp vô cùng quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế hậu COVID-19, rất hiệu quả nhưng ít tốn kém nhất.

Thứ năm, thông qua chương trình trồng 100 triệu cây xanh mới cho thành phố, sẽ giáo dục, nhắc nhở thường xuyên ý nghĩa quan trọng của cây xanh cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ công nhân viên chức TPHCM về ý thức bảo vệ môi trường sống trong sạch, xanh, sạch đẹp. Đặc biệt, với chương trình trồng 100 triệu cây xanh sẽ là biện pháp ít tốn kém và có hiệu quả nhất để thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu và rất hiệu quả  nâng cao chất lượng cuộc sống của hơn 10 triệu người dân thành phố.

Với một thành phố xanh, có mật độ cây xanh cao, sống hòa bình với thiên nhiên sẽ góp phần đưa TPHCM trở thành một thành phố đáng sống, nâng tầm và đẳng cấp, thương hiệu của thành phố trong khu vực và trên thế giới.

CEO Đặng Đức Thành