Đã có hơn 25.100 bệnh nhân khỏi bệnh
Tính từ 19 giờ ngày 28/7 đến 6 giờ ngày 29/7, Thành phố ghi nhận thêm 1.715 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 29/7.
Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận hơn 78.900 trường hợp mắc COVID-19.
Trong ngày 28/7, đã có hơn 3.800 bệnh nhân xuất viện, tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 25.189.
Theo HCDC, trong ngày 28/7, thành phố phát hiện mới 1 chuỗi lây nhiễm tại khu vực dân cư tại quận 5. Hiện còn 30 chuỗi lây nhiễm đang diễn tiến đã được khoanh vùng, giám sát chặt. Có 14 ổ dịch ổn định, không phát hiện ca nhiễm mới. Có thêm 08 chuỗi lây nhiễm đã kết thúc theo dõi.
Thiết lập thêm ba Trung tâm điều trị bệnh nhân nặng và rất nặng
Trước tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29/7, Bộ Y tế đã quyết định thành lập ba Trung tâm Hồi sức tích cực do các bệnh viện tuyến Trung ương ở Hà Nội, Thừa Thiên - Huế phụ trách.
Theo đó, ngoài Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh quy mô 1.000 giường do Bệnh viện Chợ Rẫy chịu trách nhiệm tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố cơ sở 2, Bộ Y tế sẽ cùng với Thành phố thiết lập thêm ba Trung tâm Hồi sức tích cực khác để tập trung điều trị bệnh nhân nặng và rất nặng.
Bệnh viện Việt Đức được giao phụ trách Bệnh viện Hồi sức COVID-19 của Bộ Y tế trên địa bàn Quận Thủ Đức với quy mô 500 giường.
Bệnh viện Bạch Mai phụ trách Trung tâm Hồi sức tích cực của Bộ Y tế đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 của Thành phố Hồ Chí Minh với quy mô 500 giường.
Bệnh viện Trung ương Huế được giao nhiệm vụ thiết lập Trung tâm Hồi sức quy mô 500 giường trên cơ sở Bệnh viện dã chiến số 13.
Cách ly F1, F0 tại nhà, giám sát y tế chặt chẽ
Về điều trị, hiện các bệnh viện trên địa bàn thành phố đang điều trị 36.771 bệnh nhân dương tính (bao gồm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR xét nghiệm nhanh dương tính) trong đó có 875 bệnh nhân nặng đang thở máy và 30 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tính cộng dồn đến nay đã có 929 bệnh nhân tử vong.
HCDC cho biết, hiện nay có khoảng 70-80% trường hợp F0 không triệu chứng hoặc tự khỏi sau một thời gian, cùng với số lượng F0 lớn đang gây quả tải cho hoạt động cách ly tập trung. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cách ly F1, F0 tại nhà gắn với giám sát y tế chặt chẽ.
Đồng thời, thành phố thành lập nhóm bác sĩ tư vấn, kết hợp đông - tây y trong điều trị bệnh nhân triệu chứng nhẹ và phân công đơn vị rà soát, chịu trách nhiệm sản xuất, điều phối thuốc y học cổ truyền điều trị cho người nhiễm COVID-19 nhẹ, các F0 không triệu chứng để nâng cao sức khỏe cho người bệnh.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19
Về tiêm chủng, từ ngày 22/7 đến 27/7, chiến dịch tiêm chủng đợt 5 vaccine phòng COVID-19 tại TPHCM đã tiêm được cho khoảng 300.000 người.
Với việc xác định phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, TPHCM đã kiến nghị Bộ Y tế phân bổ tăng thêm lượng vaccine, đơn giản hóa quy trình và đội hình để tiêm được nhiều người.
Thời gian tới, TPHCM dự kiến sẽ tổ chức tiêm vaccine từ 18 giờ đến 6 giờ trên địa bàn phường, quận với số lượng người cụ thể, có quy định, nhận diện cụ thể để người dân có thể ra đường đi tiêm sau 18 giờ.
Tăng cường các biện pháp quản lý khu phong tỏa
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đa số ca nhiễm mới tại các khu phong tỏa, UBND Thành phố đã có văn bản hướng dẫn về việc tăng cường một số biện pháp quản lý các khu phong tỏa trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, các địa phương cần xác định phạm vi phong tỏa phù hợp, không quá hẹp để bỏ sót trường hợp F0, F1, nhưng cũng không quá rộng ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Việc xác định phạm vi phong tỏa sẽ dựa vào số F0 được phát hiện ngay trước lúc phong tỏa và vị trí sinh sống cùng với mức độ giao lưu tiếp xúc của F0 này, môi trường sống, tình trạng nhà ở, mức độ tập trung và giao tiếp của người dân trong khu vực, …
Nhanh chóng “làm sạch, làm xanh” khu phong tỏa bằng xét nghiệm (test nhanh trước, PCR sau) ngay sau khi xác định phạm vi phong tỏa và đưa những người có nguy cơ cao (F0, F1 phát hiện thêm) đến các cơ sở cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà nếu đảm bảo các yêu cầu và quy định. Đẩy mạnh tiếp nhận thông tin từ khu phong tỏa để kịp thời lấy mẫu cho người dân có triệu chứng, bệnh lý nền hoặc yếu tố dịch tễ tiếp xúc F0.
Thu thập thông tin, đánh giá nguy cơ, tiến hành xét nghiệm để tiến tới giải tỏa khu phong tỏa theo nguyên tắc từng phần, từ khu vực ít nguy cơ đến nguy cơ vừa và sau cùng là nguy cơ rất cao. Khu vực được giải tỏa nhưng các hộ gia đình thuộc diện giám sát (có F1 cách ly tại nhà, F0 điều trị tại nhà, …) vẫn tiếp tục thực hiện giám sát theo quy định.
TPHCM yêu cầu các địa phương cần phổ biến, cung cấp đầy đủ thông tin theo hướng dẫn của Thành phố và các số điện thoại liên hệ khi cần hỗ trợ đến từng hộ gia đình. Thành lập Tổ quản lý để tiếp nhận thông tin, tình hình sức khỏe, ý kiến phản ánh của người dân và báo cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương, Tổ phản ứng nhanh tại địa phương để xem xét, giải quyết, hỗ trợ kịp thời. Tổ chức “đi chợ thay”, tiếp nhận nhu yếu phẩm thiết yếu được hỗ trợ và chuyển đến các hộ gia đình, tuyệt đối không để người dân ra ngoài nhận trực tiếp.
Ý thức từng người dân là phòng tuyến đầu tiên, quan trọng và không thể thay thế!
Để giảm mật độ lưu thông, Thành phố Hồ Chí Minh đề ra giải pháp hạn chế ra đường từ 18 giờ đến 6 giờ và đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình, thực hiện nghiêm của người dân.
Tuy nhiên, khoảng thời gian còn lại từ 6 giờ đến 18 giờ thì lượng người ra đường vẫn còn đông. Nếu không quyết tâm thực hiện các giải pháp đề ra sẽ khó kéo giảm số ca mắc và hạn chế được những thiệt hại do dịch bệnh.
Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu người dân nghiêm túc thực hiện giãn cách, hạn chế tối đa việc tiếp xúc, chỉ ra ngoài khi cần thiết.
Đồng thời, thực hiện giám sát và phản ánh các trường hợp sai phạm qua cổng thông tin của Thành phố Hồ Chí Minh để các cơ quan chức năng kịp thời tiếp nhận, xử lý.
“Ý thức từng người dân là phòng tuyến đầu tiên, quan trọng và không thể thay thế!” – HCDC nhấn mạnh/..