In bài viết

TPHCM đảm bảo hàng hóa không khan hiếm, không tăng giá

(Chinhphu.vn) - Sở Công Thương TPHCM đã kích hoạt liên kết 22 tỉnh thành trong chương trình kết nối cung cầu và bình ổn thị trường theo chỉ đạo thống nhất từ Bộ Công Thương. Hàng hóa hiện nay đầy đủ, các doanh nghiệp đều có phương án dự phòng, các mặt hàng không khan hiếm, không tăng giá.

30/05/2021 18:15

Người dân mua hàng tại Đại siêu thị GO!. Ảnh: VGP/Phan Trang

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, hiện nay TPHCM đang rất quyết tâm thực hiện các biện pháp cần thiết để chống dịch, toàn thành phố phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, riêng 7 phường của hai quận (Gò Vấp và Quận 12) phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ

Để chuẩn bị cho quá trình sinh hoạt của người dân trong điều kiện giãn cách, ngành công thương TPHCM đã kích hoạt kế hoạch đáp ứng cung cầu hàng hóa và bình ổn thị trường trong điều kiện vừa phòng chống dịch vừa sản xuất kinh tế.

Theo thông báo của Sở Công Thương TPHCM mỗi ngày có khoảng 8000 tấn rau củ quả được nhập và tiêu thụ tại 3 chợ đầu mối (Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức) với sản lượng này đáp ứng cỡ khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố; bên cạnh đó các hệ thống siêu thị trung tâm thương mại và các doanh nghiệp phân phối lớn đảm nhiệm 30% còn lại. Ngoài ra, hằng đêm có khoảng 700 tấn thịt heo, 250.000 con gia cầm, 800 - 900 tấn thủy hải sản đảm bảo cung ứng đủ thực phẩm thiết yếu cho thành phố.

"Sở Công Thương TPHCM đã kích hoạt liên kết 22 tỉnh thành trong chương trình kết nối cung cầu và bình ổn thị trường theo chỉ đạo thống nhất từ Bộ Công Thương. Hàng hóa hiện nay đầy đủ, các doanh nghiệp đều có phương án dự phòng, các mặt hàng không khan hiếm, không tăng giá.

Sở Công Thương TPHCM cũng đã yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh dịch vụ bán hàng online để giảm tiếp xúc, tụ tập đông người, đảm bảo công tác phòng chống dịch. Với sự vào cuộc sẵn sàng như vậy, chúng tôi đảm bảo hàng hóa thiết yếu tại TPHCM không thiếu trong những ngày tới, mong bà con bình tĩnh, không đổ xô đến các siêu thị, chợ đầu mối để mua hàng, ảnh hưởng đến việc chống dịch của cả thành phố", ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh.

Đại diện hệ thống Đại siêu thị GO! tại TPHCM (hệ thống siêu thị Big C – PV)  cho biết, ngay sau khi TPHCM có lệnh giãn cách toàn thành phố, lượng người mua hàng tại các siêu thị có đông hơn thường ngày, nhưng chỉ trong thời gian khoảng 2 tiếng.

Riêng khu vực BigC Gò Vấp tại Quận Gò Vấp thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nên người dân khu vực này đổ đi mua hàng nhiều hơn, có thời điểm hàng hóa tươi sống bị thiếu cục bộ.

Ngay sau đó, siêu thị GO! đã bổ sung hàng hóa phục vụ người dân, đảm bảo không thiếu bất kỳ loại hàng hóa thiết yếu nào. Ngoài ra, Đại siêu thị GO! cũng đã và đang thực hiện chương trình đặt hàng qua điện thoại và miễn phí vận chuyển với hóa đơn trên 200.000 đồng trên toàn thành phố.

"Thời điểm hiện tại lượng khách đến các siêu thị của BigC không quá đông, lượng hàng hóa đảm bảo đầy đủ. Người dân đến mua hàng không xảy ra tình trạng chen lấn, tranh giành và đều thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn tay (tại cửa ra vào) đầy đủ. Hệ thống Đại siêu thị GO! đảm bảo mở cửa và bán hàng bình thường trong những ngày sắp tới", đại diện Đại siêu thị GO! cho biết.

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trước những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 lây lan nhanh trên diện rộng tại nhiều địa phương, đặc biệt tại thành phố lớn như TPHCM hiện nay, Bộ Công Thương đã và đang tập trung chỉ đạo các đơn vị thống nhất quan điểm điều hành, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay với trọng tâm trước mắt là công tác phòng chống dịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung số lượng lao động lớn… Thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.

Bộ Công Thương đã quán triệt tới các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và phổ biến, quán triệt việc thực hiện Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 12/5/2021 của Bộ về thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng, vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Bộ Công Thương tiếp tục tiếp nhận thông tin và phối hợp với các địa phương, các đơn vị chức năng có liên quan để giải quyết các khó khăn vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp… trong việc vận chuyển lưu thông hàng hoá (đặc biệt là nông sản) tại các địa bàn bị phong tỏa và có dịch. Phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết và tổ chức hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch.

"Hàng hóa thiết yếu tại khu vực TPHCM cũng như các địa phương khác hiện nay không thiếu, các mặt hàng không tăng giá, không khan hiếm. Các phương án chuẩn bị cho tình huống giãn cách xã hội đều đã được các Sở Công Thương thực hiện. Bà con yên tâm thực hiện giãn cách theo chỉ đạo của Chính phủ, tuyệt đối không đổ xô đến các siêu thị, chợ để mua hàng gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Phan Trang