Ảnh minh họa |
TP. Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2015 đạt 15% người cao tuổi có khả năng tham gia hoạt động kinh tế được hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn.
Đồng thời phấn đấu trên 80% tổng số xã, phường, thị trấn hỗ trợ việc thành lập và hoạt động của Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi trên địa bàn; 100% người cao tuổi khi ốm đau được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, được khám, chữa bệnh...
Trong giai đoạn 2016-2020, 50% người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo có nhu cầu hỗ trợ sẽ được hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn.
TP. Hồ Chí Minh cũng phấn đấu đến năm 2020, 100% tổng số bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi, sản, điều dưỡng-phục hồi chức năng), bệnh viện y học cổ truyền có quy mô từ 50 giường bệnh trở lên tổ chức buồng khám bệnh riêng cho người cao tuổi tại khoa khám bệnh, bố trí giường bệnh điều trị nội trú cho người cao tuổi và 100% các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp thành phố có khoa lão khoa…
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh có hơn 469.000 người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 6,06% dân số Thành phố. Tổng số hội viên người cao tuổi trong các tổ chức hội ở quận huyện, phường xã chiếm tỷ lệ 85,7% người cao tuổi Thành phố.
Toàn TP. Hồ Chí Minh có 4 bệnh viện có khoa lão khoa là Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện Chợ Rẫy. Hầu hết bệnh viện tuyến quận huyện, khu vực đều có các giường điều trị nội trú ưu tiên dành cho người cao tuổi.
Số người cao tuổi hiện đang được hưởng chính sách dành cho người có công với cách mạng là hơn 9.000 người. Có hơn 72.000 người cao tuổi đang được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo Luật Người cao tuổi tại cộng đồng. Gần 1.300 người cao tuổi neo đơn có hoàn cảnh khó khăn được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập.
Đức Minh